Ngoại trưởng Australia Julie Bishop. Ảnh: EPA/TTXVN |
Phát biểu trong buổi phỏng vấn với đài ABC, bà Bishop cho biết mặc dù Australia và Mỹ đang tiến hành các cuộc thảo luận liên tục về vấn đề Triều Tiên song Canberra không bắt buộc bị kéo vào xung đột.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Australia khẳng định nước này đã ký một thỏa thuận với New Zealand và Mỹ, theo đó đòi hỏi sự hợp tác về các vấn đề quân sự tại khu vực Thái Bình Dương, cho nên Australia sẽ "tham vấn" Mỹ trước khi cân nhắc bất kỳ hành động nào.
Trong tuần này, căng thẳng đang leo thang giữa Washington và Bình Nhưỡng, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa "hỏa lực và cơn thịnh nộ" nhằm vào Bình Nhưỡng, động thái khiến quốc gia Đông Bắc Á này đe dọa tiến hành tấn công tên lửa nhằm vào căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Guam ngoài khơi Thái Bình Dương.
Mỹ chưa có kế hoạch đưa thêm tàu sân bay tới Bán đảo Triều Tiên
Ngày 10/8, hãng thông tấn Yonhap dẫn nhiều nguồn thạo tin cho biết
mặc dù tình trạng căng thẳng quân sự đang gia tăng trên Bán đảo Triều
Tiên song Hải quân Mỹ vẫn chưa có kế hoạch nào về việc triển khai thêm
một chiếc tàu sân bay tới khu vực này.
Một nguồn tin quốc phòng cho biết: "Hiện không có kế hoạch nào về
việc triển khai thêm một chiếc tàu sân bay nữa tới khu vực lân cận Bán
đảo Triều Tiên trong tháng này", qua đó bác bỏ thông tin báo chí nói
rằng Mỹ đang dự định điều tàu sân bay USS Carl Vinson tới đây. Tàu sân
bay Ronald Reagan vừa trở về cảng quê nhà ở Yokosuka của Nhật Bản sau
chuyến tuần tra đều đặn kéo dài 3 tháng.
Một nguồn tin khác cho rằng quyết định điều một tàu sân bay với
hàng nghìn nhân viên và hàng chục máy bay chiến đấu trên boong như vậy
là điều "không dễ dàng gì". Nhiều nhà quan sát nêu khả năng thay vì điều
tàu sân bay, Mỹ có thể điều các loại khí tài chiến lược khác tới đây
như tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân nhân dịp Hàn Quốc và Mỹ tiến
hành cuộc tập trận thường niên chung bắt đầu từ cuối tháng này.