Trụ sở NATO tại Brussels, Bỉ. Ảnh tư liệu: Kyodo/TTXVN
Trích dẫn một nguồn tin ngoại giao, hãng thông tấn ANSA cho biết đây là động thái đánh dấu sự thay đổi so với thông lệ các năm gần đây, được tiết lộ trong khuôn khổ cuộc họp không chính thức giữa các ngoại trưởng NATO tại Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ).
Cũng theo nguồn tin, chỉ có 4 quốc gia không phải thành viên NATO – gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand – được mời tham dự hội nghị lần này, dự kiến tổ chức từ ngày 24 đến 25/6 ở Hague (Hà Lan).
Hiện tại, các vấn đề liên quan đến khâu tổ chức vẫn đang được thảo luận tại cuộc họp không chính thức ở Thổ Nhĩ Kỳ. Chương trình nghị sự của hội nghị tháng 6 được cho là rất dày đặc, và cho đến thời điểm này, cuộc họp của Hội đồng Ukraine – NATO vẫn chưa được lên lịch. Để không hoàn toàn gạt bỏ vai trò của Kiev, phương án tổ chức một sự kiện cấp bộ trưởng – bao gồm ngoại giao và quốc phòng – đang được cân nhắc.
Tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2024 có đề cập đến “lộ trình không thể đảo ngược” để Ukraine trở thành thành viên chính thức của liên minh. Tuy nhiên, các nước thành viên NATO thừa nhận rằng tuyên bố này chủ yếu mang tính tượng trưng, nhằm bù đắp cho việc không đưa ra bất kỳ cam kết cụ thể nào về thời điểm hoặc điều kiện để Ukraine gia nhập khối.
Đáng chú ý, sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức vào tháng 1, ông cùng với Tổng thư ký NATO Mark Rutte đã khẳng định rằng việc Ukraine gia nhập NATO hiện không nằm trong chương trình nghị sự của khối. Thay vào đó, một số giải pháp thay thế đã được đề xuất, trong đó có sáng kiến từ phía Italy về việc mở rộng phạm vi áp dụng Điều 5 – điều khoản phòng thủ tập thể – cho Ukraine như một cơ chế hỗ trợ thay thế việc gia nhập chính thức.
Trong cuộc phỏng vấn với Tạp chí Time hồi cuối tháng 4, ông Trump cũng khẳng định việc Ukraine bày tỏ mong muốn gia nhập NATO là yếu tố dẫn đến cuộc xung đột hiện nay với Nga.
“Tôi cho rằng xung đột bùng phát khi Ukraine bắt đầu đề cập đến việc gia nhập NATO. Nếu điều đó không được nêu ra, khả năng xung đột nổ ra đã thấp hơn nhiều”, ông Trump tuyên bố trong cuộc phỏng vấn.
Phát biểu của ông Trump được đưa ra trong bối cảnh truyền thông quốc tế vừa công bố một dự thảo giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại Ukraine, được cho là do phía Mỹ đề xuất. Theo Reuters, bản dự thảo đề cập đến việc Ukraine sẽ không tiếp tục theo đuổi tư cách thành viên NATO như một phần trong lộ trình chấm dứt xung đột.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022, vấn đề mở rộng NATO - đặc biệt là việc Ukraine gia nhập liên minh - đã trở thành điểm căng thẳng then chốt giữa Moskva và phương Tây.
Về phần mình, Nga nhiều lần tuyên bố coi việc NATO mở rộng sang phía Đông là mối đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia, trong khi Ukraine và các đồng minh phương Tây khẳng định quyền tự quyết về chính sách an ninh của mỗi quốc gia.