Hình ảnh vệ tinh ghi lại các dãy lều trại mới xuất hiện tại Kamenka, gần biên giới Phần Lan. Ảnh: The Telegraph
Các hình ảnh vệ tinh mới đây cho thấy hàng loạt lều trại mới, căn cứ quân sự mở rộng và sân bay tại Bắc Cực đang được cải tạo - tất cả đều nằm gần sườn đông bắc của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tờ báo Anh nhận định đây có thể là tín hiệu cho thấy Moskva đang tính toán đến những kịch bản an ninh trong tương lai.
Tại Kamenka – cách biên giới Phần Lan chưa đầy 64 km và thủ đô Helsinki khoảng 225 km – hơn 130 lều trại mới đã xuất hiện. Căn cứ này, vốn không được sử dụng trước năm 2022, giờ đây có thể chứa tới 2.000 binh sĩ.
Ngoài ra, Nga còn đang tăng cường cơ sở quân sự tại khu vực gần thành phố Petrozavodsk, cách biên giới Phần Lan và Na Uy khoảng 160 km. Khu vực này được cho là có thể trở thành trung tâm chỉ huy mới của quân đội Nga ở vùng Tây Bắc nếu xảy ra xung đột với NATO.
Cũng theo các hình ảnh vệ tinh, hoạt động quân sự tại hai căn cứ không quân Bắc Cực thời Liên Xô tại Severomorsk-2 và Olenya đã gia tăng rõ rệt. Đáng chú ý, các máy bay ném bom chiến lược Tu-22 và Tu-95 có khả năng mang vũ khí hạt nhân đã được triển khai tại đây. Tại Murmansk, thành phố ở Bắc Cực, trực thăng Nga cũng đã xuất hiện trở lại sau hai thập kỷ vắng bóng.
Ngoài các điểm nóng nói trên, việc Nga mở rộng tuyển quân, gia tăng sản xuất vũ khí và nâng cấp mạng lưới hậu cần dọc biên giới với Na Uy, Phần Lan và vùng Baltic cũng đang thu hút sự chú ý của giới quan sát.
Phản ứng từ Phần Lan và NATO
Binh sĩ Phần Lan tham gia cuộc diễn tập NATO, điều khiển xe tăng Leopard 2 gần khu vực biên giới. Ảnh: The Telegraph
Giới chức quốc phòng Phần Lan cho biết các động thái của Nga hiện chỉ mới ở quy mô nhỏ, nhưng có thể là bước chuẩn bị để triển khai hàng chục nghìn binh sĩ cùng với nhiều khí tài quân sự về phía bắc, đặc biệt là khu vực Bắc Cực – nơi đang trở thành tâm điểm cạnh tranh địa chính trị mới.
Tướng Sami Nurmi – Giám đốc chiến lược của Lực lượng Quốc phòng Phần Lan – nhận định: “Chúng tôi đã lường trước điều này từ khi gia nhập NATO. Hiện tại, không có mối đe dọa trực tiếp nào đối với Phần Lan, nhưng chúng tôi đang theo dõi sát sao và có phương án chuẩn bị phù hợp”.
Phát biểu hôm 20/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng bày tỏ tin tưởng vào tình hình an ninh khu vực, khẳng định ông “hoàn toàn không lo lắng” và tin rằng Phần Lan và Na Uy sẽ “rất an toàn”.
Tái định hình cục diện an ninh Bắc Âu
Việc Phần Lan chính thức gia nhập NATO vào năm 2023 sau nhiều thập kỷ trung lập đã khiến đường biên giới giữa liên minh quân sự này và Nga kéo dài thêm 1.345 km. Đây được xem là thay đổi đáng kể trong thế cân bằng chiến lược tại Bắc Âu.
Năm ngoái, Nga đã khôi phục quân khu Leningrad với quy mô lớn nhằm củng cố hiện diện quân sự sát cạnh ba quốc gia NATO - Phần Lan, Estonia và Latvia. Các lữ đoàn đóng tại khu vực này – vốn có quy mô nhỏ trước khi xung đột Ukraine nổ ra – đang được mở rộng thành các sư đoàn với hơn 10.000 quân mỗi đơn vị.
Ở biên giới phía đông Phần Lan, 35 km trong tổng số 200 km hàng rào được lên kế hoạch gia cố đã hoàn tất vào tuần này. Hàng rào này cao khoảng 4,5 mét, được trang bị dây thép gai, camera và cảm biến hiện đại. Đây là một phần trong phản ứng của Phần Lan sau khi cáo buộc Nga cố tình đưa người di cư đến biên giới nhằm gây bất ổn.
Ông Jarmo Lindberg – cựu Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan (nhiệm kỳ 2014 – 2019) và hiện là nghị sĩ trong Quốc hội nước này – nhấn mạnh: “Những gì đang diễn ra bên kia biên giới là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi”.
Pháo tự hành Archer được quân đội NATO khai oả trong một cuộc tập trận ở Phần Lan. Ảnh: Rebecca Brown/The Telegraph
Theo giới phân tích NATO, ngoài việc tránh các cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái nhắm vào các căn cứ phía nam, Nga còn đang tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng tại khu vực Bắc Cực – nơi giàu tài nguyên và có giá trị chiến lược ngày càng tăng.
“Bắc Cực sẽ là một mặt trận quan trọng trong tương lai”, Tướng Nurmi nhận định. “Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với các đồng minh vùng Bắc Cực để đánh giá các động thái của Nga”.