Ảnh vệ tinh cho thấy hoạt động xây dựng tại bãi thử hạt nhân của Triều Tiên

Trong dấu hiệu mới nhất cho thấy khả năng Triều Tiên sắp nối lại các vụ thử vũ khí lớn, các ảnh vệ tinh đã chụp được hoạt động xây dựng tại cơ sở Punggye-ri, lần đầu tiên kể từ năm 2018.

Chú thích ảnh
Hình ảnh vệ tinh phát hiện các điểm bất thường tại cơ sở Punggye-ri. Ảnh: Kyodo

Theo các nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu không phổ biến vũ khí hật nhân James Martin có trụ sở tại California (Mỹ), hình ảnh vệ tinh được chụp hôm 4/3 tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên đã cho thấy những dấu hiệu của hoạt động xây dựng tại địa điểm này, trong đó có xây một tòa nhà mới, sửa chữa một tòa nhà khác và dấu vết của vụn gỗ. 

“Triều Tiên sử dụng một lượng gỗ lớn tại khu vực này để xây sửa các tòa nhà và đường hầm. Những thay đổi này vừa mới xảy ra trong vài ngày qua”, chuyên gia hạt nhân Jeffrey Lewis phân tích hôm 7/3. 

Động thái trên cùng với những thông tin tình báo cho rằng Bình Nhưỡng đang chuẩn bị cho một vụ phóng vệ tinh mới và một cuộc duyệt binh quy mô lớn. 

Mặc dù cơ sở Punggye-ri đã bị đóng cửa kể từ khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố tạm hoãn thử vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa trong cuộc hội đàm với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump năm 2018, Bình Nhưỡng vẫn ám chỉ khả năng trong những năm tiếp theo nước này có thể khởi động lại các cuộc thử nghiệm vũ khí mạnh nhất của mình.

Và theo ông Lewis, có khả năng Triều Tiên đã lên kế hoạch đưa bãi thử trở lại trạng thái sẵn sàng để tiếp tục thử nghiệm. Chuyên gia này cho hay mặc dù chưa thể xác định chính xác thời điểm cơ sở Punggye-ri trở lại trạng thái sẵn sàng phóng vũ khí, song ông tin rằng điều đó phải mất nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm. 

Tháng 5/2018, Chính phủ Triều Tiên đã mời một số phóng viên đến chứng kiến việc tháo dỡ địa điểm Punggye-ri, nơi tổ chức các cơ sở thử nghiệm hạt nhân duy nhất được biết đến của nước này. Hôm đó, họ đã phá nổ lối vào đường hầm và một số tòa nhà nhằm củng cố cam kết trong các vòng đàm phán phi hạt nhân hóa với Washington. 

Tuy nhiên, cuộc đàm phán trên đã bị đình trệ kể từ năm 2019 vì những bất đồng trong việc nới lỏng trừng phạt và những gì Triều Tiên sẵn sàng từ bỏ.

Cho đến nay, Triều Tiên đã tiến hành 6 vụ thử hạt nhân với lần gần nhất là tháng 9/2017. Việc nối lại các vụ thử hạt nhân sẽ cho phép Triều Tiên cải tiến loại bom hạt nhân mạnh nhất của mình hoặc giúp quốc gia Đông Á này chế tạo các vũ khí hạt nhân chiến thuật nhỏ hơn.

Ngoài ra, theo phân tích hình ảnh vệ tinh gần đây của trang web chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên NK News ngày 7/3, Bình Nhưỡng dường như đang chuẩn bị cho một cuộc duyệt binh quy mô lớn, có thể có vũ khí hạng nặng tham gia. 

Đức Trí/Báo Tin tức (Theo Japan Times)
IAEA: Không có nguy cơ về phóng xạ tại cơ sở hạt nhân ở Kharkov (Ukraine)
IAEA: Không có nguy cơ về phóng xạ tại cơ sở hạt nhân ở Kharkov (Ukraine)

Ngày 8/3, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết đã xảy ra các vụ pháo kích làm hư hại cơ sở hạt nhân tại thành phố Kharkov của Ukraine, song không gây ra "hậu quả liên quan phóng xạ".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN