Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Thủ tướng Anh Keir Starmer. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Theo tờ Politico ngày 26/5, thỏa thuận được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh EU - Anh tại London giữa Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Thủ tướng Anh Keir Starmer là một phần trong nỗ lực “thiết lập lại” quan hệ song phương. Dù các tuyên bố nhấn mạnh cam kết phối hợp về an ninh, hỗ trợ Ukraine và hợp tác trong các lĩnh vực như tàu thuyền, vũ trụ, thỏa thuận vẫn thiếu cam kết cụ thể, đặc biệt là về công nghiệp quốc phòng.
EU và Anh sẽ tiếp tục đàm phán nhằm xác lập một cơ chế riêng biệt cho việc London tham gia chương trình SAFE, cho phép các quốc gia vay vốn để mua thiết bị quân sự. Tuy nhiên, các cuộc thương lượng có thể kéo dài do còn nhiều chia rẽ giữa các nước EU về mức độ hợp tác với các đối tác ngoài khối. Brussels hiện yêu cầu Anh làm rõ mức đóng góp tài chính, cũng như cam kết về việc cho phép cả các doanh nghiệp lớn và nhà thầu nhỏ tham gia đấu thầu dự án.
Giới chức EU cho biết một trong những rào cản là quy định giới hạn 35% giá trị thiết bị quân sự có thể đến từ ngoài EU. Trong khi đó, một số quốc gia thành viên cảnh báo rằng SAFE không nên được sử dụng để thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng của Anh, mà cần mang lại lợi ích tương xứng cho các doanh nghiệp trong khối.
Ngoài yếu tố kỹ thuật, các yếu tố chính trị hậu Brexit cũng khiến tiến trình đàm phán thêm phần phức tạp. Một số quan chức EU vẫn giữ thái độ dè dặt vì lo ngại tái diễn những bất đồng thời kỳ đàm phán Thỏa thuận thương mại và hợp tác. Tuy nhiên, một số bên cho rằng bối cảnh chiến sự Ukraine và việc Mỹ giảm cam kết quốc phòng ở châu Âu đang khiến việc đạt được thỏa thuận trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Dù còn nhiều khác biệt, cả EU và Anh đều bày tỏ mong muốn sớm đạt được một cơ chế hợp tác hiệu quả. Việc Anh tham gia SAFE được đánh giá là hành động cụ thể hóa cam kết tăng cường năng lực quốc phòng chung châu Âu và đối phó với những thách thức chiến lược hiện nay.