Bộ Chỉ huy Lực lượng Quân đội Chiến lược Pakistan (ASFC) ngày 8/10 đã phóng thử tên lửa có khả năng mang đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân tầm bắn lên tới 1.300 km.
Tổng thống Pakistan Arif Alvi cùng Thủ tướng Imran Khan đã dành hết lời ca ngợi loại tên lửa đạn đạo Ghauri mới.
“Vụ phóng thử nghiệm chứng minh năng lực hạt nhân của Pakistan, mang tính răn đe và thúc đẩy hòa bình, ổn định”, tuyên bố từ cơ quan truyền thông ISPR của Lực lượng Vũ trang Pakistan.
Video Pakistan phóng thử nghiệm tên lửa hạt nhân Ghauri (nguồn: HumNews):
Cuộc thử nghiệm diễn ra vài tuần sau khi Ấn Độ quay ngoắt 180 độ quyết định hủy cuộc gặp với phía Pakistan để thảo luận các phương án đảm bảo hòa bình và sự ổn định trong khu vực.
Trước đó, Ấn Độ đã chấp thuận lời mời của Thủ tướng Pakistan Imran Khan, song sau từ chối tham gia đàm phán với lý do liên quan tới vụ phiến quân Pakistan “giết người tàn bạo”, sát hại 3 cảnh sát đầu tháng này.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ (MEA) tuyên bố sự hậu thuẫn của Pakistan đối với chủ nghĩa khủng bố là một lý do khiến Ấn Độ từ chối gặp mặt.
Tuần trước, tại New Dehli ngày 5/10, Ấn Độ đã ký kết thỏa thuận trị giá 5,4 tỷ USD mua hệ thống phòng thủ tối tân S-400 của Nga.
Vụ thử nghiệm tên lửa mang đầu đạn hạt nhân được cho là sẽ khiến Ấn Độ “đứng ngồi không yên”, đặc biệt trong bối cảnh nước láng giềng Pakistan đang sẵn sàng để đạt danh hiệu trở thành quốc gia hạt nhân lớn thứ năm trên thế giới.
Trên thực tế, đã xuất hiện thông tin vào tháng 9 cho rằng khả năng hạt nhân của Pakistan trở thành “mối quan tâm đáng kể” đối với Mỹ và các nước khác, vì đầu đạn của nước này được cho là sẽ tăng số lượng từ 220 lên đến 250 vào năm 2025, theo kết quả nghiên cứu trong Dự án Thông tin hạt nhân của Liên đoàn các Nhà khoa học Mỹ.
Ấn Độ và Pakistan hiện đang tranh chấp lãnh thổ tại khu vực Kashmir đồng thời ganh đua về quân sự, vai trò và ảnh hưởng ở Nam Á.