Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết chi tiêu quân sự năm 2019 của Ấn Độ đạt 71,1 tỷ USD - tăng 6,8%, đứng sau hai quốc gia chi tiêu hàng đầu là Mỹ và Trung Quốc với lần lượt 732 tỷ USD (tăng 5,3%) và 261 tỷ USD (tăng 5,1%).
Tổng chi phí quân sự toàn cầu năm 2019 đạt 1.917 tỷ USD, tăng 3,6% so với năm 2018. Đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 2010. Nhà nghiên cứu cấp cao của SIPRI - ông Siemon T Wezeman cho rằng căng thẳng và đối đầu với Pakistan và Trung Quốc là một trong những động lực chính cho việc tăng chi tiêu quân sự của Ấn Độ.
Trong khi đó, một nhà nghiên cứu cấp cao khác của SIPRI là Pieter D Wezeman đánh giá tăng trưởng gần đây trong chi tiêu quân sự của Mỹ chủ yếu dựa trên việc tái nhận thức về sự cạnh tranh giữa các cường quốc. Với 732 tỷ USD, Mỹ đã chiếm 38% tổng chi tiêu quân sự toàn cầu.
Tại châu Âu, chi tiêu quân sự của Đức đã tăng 10% trong năm 2019, lên 49,3 tỷ USD, mức tăng chi tiêu lớn nhất trong số 15 quốc gia chi tiêu quân sự hàng đầu năm 2019.
Năm 2019, Nga là nhà chi tiêu lớn thứ tư thế giới với 65,1 tỷ USD (tăng 4,5%), chiếm 3,9% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) - thuộc mức cao nhất châu Âu trong năm vừa qua. Ngoài Trung Quốc và Ấn Độ, Nhật Bản (với 47,6 tỷ USD) và Hàn Quốc (43,9 tỷ USD) là những nước chi tiêu quân sự lớn nhất ở châu Á và châu Đại Dương.
Theo dữ liệu của SIPRI, gánh nặng chi tiêu quân sự trung bình là 1,4% GDP đối với các quốc gia ở châu Mỹ, 1,6% đối với châu Phi, 1,7% đối với châu Á, châu Đại dương và châu Âu và 4,5% đối với các quốc gia Trung Đông. Chi tiêu quân sự toàn cầu năm 2019 chiếm 2,2% GDP toàn cầu, tương đương 249 USD bình quân đầu người.
Tiến sĩ Nan Tian - nhà nghiên cứu của SIPRI, cho biết chi tiêu quân sự toàn cầu cao hơn 7,2% trong năm 2019 so với năm 2010 cho thấy xu hướng tăng trưởng chi tiêu quân sự đã tăng tốc trong những năm gần đây. Đây là mức chi tiêu cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
SIPRI cũng đánh giá dữ liệu từ các cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu trước đây cho thấy cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có thể sẽ phá vỡ chi tiêu quân sự trong tương lai.