“Bách hóa” 0 đồng cho người khó khăn
“Trạm tiếp nối 0 đồng” nằm sâu trong con hẻm nhỏ, tại số 410/34D đường Lê Văn Quới, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh. Không khó để tìm tới địa chỉ này, và nơi đây cũng luôn nhộn nhịp người vào, người ra, để trao và nhận đồ.
Trạm mở cửa từ 11 giờ đến 14 giờ các ngày trong tuần (trừ thứ bảy và chủ nhật), dù nắng hay mưa, để trao tặng những phần nhu yếu phẩm cần thiết cho người có hoàn cảnh khó khăn. Người có hoàn cảnh khó khăn, có nhu cầu được hỗ trợ, sẽ đứng xếp hàng trước cửa trạm. Sau khi các kệ được lấp đầy những món đồ dùng, thành viên của trạm sẽ trực tiếp phát cho mọi người.
Như một bách hóa thu nhỏ, trạm cung cấp từ các loại thực phẩm như gạo, khoai, sắn, rau, đến các vật dụng sinh hoạt, dụng cụ làm bếp, quần áo, sách, dụng cụ học tập, đồ chơi… Ngoài ra, "Trạm tiếp nối 0 đồng" còn có cả các thuốc đông, tây y để hỗ trợ cho những người bị bệnh.
Mọi người đến nhận và truyền tai nhau về “Trạm tiếp nối 0 đồng”. Sau vài tháng hoạt động, trạm đã được biết đến nhiều hơn. Những người xung quanh khu vực Bình Tân hay Tân Phú, Quận 12, thậm chí có người lái xe ôm ở tận Củ Chi nghe tin, cũng vài lần ghé trạm nhận đồ dùng.
Lần thứ 2 đến trạm, chú Nguyễn Hoài An, 60 tuổi bộc bạch: “Tôi bị tai nạn, mất khả năng lao động nên phải sống bằng việc nhặt ve chai. Nhà còn 7 đứa cháu ngoại, nên có phần gạo và quần áo này, đã giúp đỡ cho tôi rất nhiều".
Cô Châu Thị Ngọc Hương, quận Bình Tân tâm sự: “Mỗi lần bị cảm, tôi thường ra đây để lấy thuốc. Không chỉ có thuốc cảm, mà còn có thuốc xoa bóp, cần gì thì chỉ lấy đủ về dùng thôi, còn chừa phần cho những người khác. Các bạn trẻ ở đây rất tận tình, tôi bị đau chân, đến nơi người thì dìu đi, người thì mời nước. Mong rằng sẽ có nhiều nơi như vậy mở ra để giúp đỡ cho bà con nghèo”.
Theo đại diện “Trạm tiếp nối 0 đồng”, những người đến nhận đồ chủ yếu là người lao động nghèo, người già không có khả năng lao động, hoặc người làm công việc bấp bênh như bán vé số, lượm ve chai. Bất kể hoàn cảnh nào, ai cũng đều có thể đến trạm nhận những vật phẩm cần thiết.
Tuy nhiên, để đảm bảo đủ cho mọi người và tránh lãng phí, trạm chỉ phát cho mỗi người đến nhận một số lượng nhất định, ví như một bịch gạo; còn những món đồ khác như sắn, khoai, thuốc, quần áo thì có thể lấy nếu cần. Giới hạn này nhằm đảm bảo tất cả những người đến trạm đều có phần.
Chị Phan Ngọc Thủy Tiên, thành viên của “Trạm tiếp nối 0 đồng” chia sẻ: “Với những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bệnh tật, bất tiện trong việc di chuyển... nếu có muốn nhận nhiều hơn, nhóm vẫn sẽ linh động “phá lệ” để hỗ trợ. Những người không thể nhận đồ trực tiếp ở trạm, chỉ cần liên lạc qua điện thoại, nhóm cũng sẽ mang đến tận nơi”.
Nơi tiếp nối sẻ chia
Xuất phát từ suy nghĩ “còn trẻ, còn sức làm việc”, mong muốn góp sức trẻ để hỗ trợ cộng đồng, chị Phan Ngọc Thủy Tiên đã ngỏ lời với 3 người bạn, cùng nhau trích một phần thu nhập hàng tháng, giúp đỡ những người xung quanh mình. “Trạm tiếp nối 0 đồng” ra đời từ đó.
Các thành viên cho biết, sau khi khảo sát tất cả các khu vực quận, huyện tại TP Hồ Chí Minh, nhóm thấy Bình Tân là khu vực có nhiều người vô gia cư, nhiều người già neo đơn làm nghề bán vé số, nhặt ve chai có cuộc sống khó khăn, cần được giúp đỡ, vì vậy quyết định mở trạm tại đây. Dù các thành viên đều sống khá xa địa điểm mở trạm, nhưng họ luôn cố gắng sắp xếp thay phiên nhau trực để vận hành một cách tốt nhất.
Để các hoạt động cho - nhận được duy trì xuyên suốt, các thành viên phân chia nhau làm các công việc. Chị Thủy Tiên và anh Quốc Khang sẽ thường trực tại trạm để tiếp nhận, phân loại và sắp xếp các vật dụng được quyên tặng. Hai thành viên còn lại sẽ phụ trách việc truyền thông và thay phiên nhau trực ở trạm mỗi khi có thời gian rảnh.
“Làm việc tại Quận 5, sau khi tan làm vào ca sáng, tôi sẽ tranh thủ thời gian nghỉ trưa để về trạm, phân phát các nhu yếu phẩm cho mọi người. Trao cho mọi người một món đồ, họ trả lại một nụ cười, tôi cũng vui lây”, anh Quốc Khang, thành viên của trạm chia sẻ.
Những ngày đầu, các đồ dùng, vật phẩm cung cấp ở trạm đều do các thành viên trong nhóm đóng góp để duy trì. Đến nay, dù hoạt động với quy mô nhỏ, nhưng "Trạm tiếp nối 0 đồng" đã thu hút được sự quan tâm và giúp đỡ từ nhiều người xung quanh. Nhờ sự lan tỏa của người dân, nhiều người đã tìm đến trạm để quyên góp.
Điều đáng quý là, những người nhận không chỉ đến nhận mà còn giới thiệu cho những người khác có hoàn cảnh tương tự để cùng đến trạm nhận giúp đỡ. Thậm chí, có những người khi nhận được lương thực hay đồ dùng đã chia sẻ lại cho những người khó khăn khác. Một vòng tròn sẻ chia và tương thân tương ái cứ thế được tiếp nối và lan tỏa không ngừng.
Với chị Thủy Tiên và các thành viên trong nhóm, việc thành lập và duy trì “Trạm tiếp nối 0 đồng” không phải là điều gì quá lớn lao. Chị chia sẻ: “Tôi chỉ cố gắng trong khả năng của mình, muốn chia sẻ một phần nhỏ đến với mọi người. Thật ra, tôi nghĩ, mọi người mới là người giúp đỡ mình nhiều hơn. Nếu không có trạm này, tôi sẽ không thể nhìn thấy nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống, thấy mình may mắn hơn rất nhiều”.
Sau hơn 8 tháng hoạt động, “Trạm tiếp nối 0 đồng” đã mang lại nhiều giá trị ý nghĩa cho những người dân đang gặp khó khăn sống quanh khu vực quận Bình Tân. Trong tương lai, nếu có đủ khả năng vận hành và kinh phí, các thành viên trong nhóm mong muốn sẽ tiếp tục mở thêm trạm ở nhiều khu vực khác, với hy vọng tạo ra nhiều điểm sẻ chia khắp TP Hồ Chí Minh.