Tổ ấm của thương bệnh binh nặng vùng quê lúa

Trải qua nhiều năm, những vết thương của người thương binh ngày một trở nặng. Chỉ có thể bằng sự tận tâm, dồn hết tâm trí, tấm lòng để phục vụ ngày đêm, không quản ngại khó khăn, vất vả của những cán bộ, nhân viên, đội ngũ thầy thuốc phục vụ; mới giúp những vết đau bớt giằng xé. Những ngày tháng Bảy này, chúng tôi tìm về Trung tâm nuôi dưỡng và phục hồi chức năng người có công tỉnh Thái Bình, nơi được coi là “Tổ ấm của thương bệnh binh nặng vùng quê lúa”.

Những vết thương bớt đau

Bác Lê Ngọc Luých là một trong những trường hợp nặng nhất của Trung tâm, bị tháo cả hai khớp háng. Trải qua 8 tháng điều trị tại Bệnh viện 108, biến chứng từ vết thương liệt tủy cột sống trong chiến tranh đã cướp đi đôi chân của người thương binh này, khiến mọi sinh hoạt của bác phải gắn với giường bệnh.

Thương binh nặng Lê Ngọc Luých - bị mất cả 2 chân trong chiến trường Miền Nam. Cách đây vài tháng, bác cảm thấy mỗi khi mặc áo lại rất khó chịu vì thế bác đã để trần....lâu dần thành quyen.

Anh Phạm Đình Quảng, Phó Giám đốc Trung tâm chia sẻ: “Dù mang trên mình vết thương rất nặng, phải trải qua muôn vàn đau đớn của những lần nạo vết loét do hoại tử, rồi 3 lần tháo khớp mất hẳn đôi chân, nhưng bác Luých vẫn rất lạc quan sống trong tình yêu thương của những người đồng đội. Có thể nói, bác Luých chính là tấm gương về nghị lực sống can trường, là động lực của biết bao thương bệnh binh đang sống tại Trung tâm”.

Khi chúng tôi hỏi chuyện, chưa nói được gì thì nước đã ầng ậng nơi khóe mắt của người thương binh tuổi ngoài 60, bác Hoàng Văn Hùng, bị 100% thương tật (cột sống). “Những người lính của chiến trường năm xưa vẫn vậy, họ ngồi trên xe lăn đấy, nhưng trái tim vẫn thổn thức cùng nhịp đập của đất nước”- anh Quảng đỡ lời.

“Từ khi vào Trung tâm, được sự chăm sóc và điều trị tận tình của các bác sĩ, cán bộ, nhân viên tôi đã có thể tự đi lại và tự làm được những công việc cá nhân. Sự quan tâm của tập thể y bác sĩ, cán bộ của Trung tâm, tiếp thêm sức mạnh cho những thương bệnh binh như chúng tôi”- bác Hùng vẫn chưa hết xúc động, tâm sự với chúng tôi.

Dù thân thể đã không còn nguyên vẹn sau bao bom đạn của hai cuộc chiến tranh ác liệt, mọi hoạt động sống gần như bị phụ thuộc, nhưng những thương binh, bệnh binh tại Trung tâm vẫn từng ngày vui sống với tinh thần lạc quan vốn có của người lính năm xưa nơi chiến trường ác liệt.

Tổ ấm của những thương binh nặng

Trung tâm nuôi dưỡng và phục hồi chức năng người có công tỉnh Thái Bình, thuộc thôn Huyền Sĩ, xã Minh Quang, huyện Vũ Thư, được thành lập năm 1970. Trải qua gần 50 năm hoạt động, với muôn vàn khó khăn, đội ngũ cán bộ ở Trung tâm luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thời gian qua, tập thể lãnh đạo và nhân viên Trung tâm luôn nỗ lực hết mình để nâng cao chất lượng chăm sóc người có công. Hiện nay Trung tâm đang chăm sóc 24 thương, bệnh binh. Trong đó có 22 thương binh hạng 1/4, 4 thương binh hạng 1/3, 24/26 thương binh có vết thương đặc biệt, 14 thương binh phải sử dụng xe lắc làm phương tiện đi lại. Phần nhiều các thương, bệnh binh có tuổi đời cao, thương tật nặng, vết thương thường xuyên tái phát, một số bệnh nhân chuyên khoa rất khó khăn trong công tác điều trị. 

Bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe cho các thương bệnh binh, Trung tâm cũng tạo điều kiện giúp đỡ, tạo việc làm cho con, cháu của họ. Đến nay, có 4 con thương binh nặng, 1 con thương binh nhẹ và 3 con liệt sĩ hiện công tác tại Trung tâm. Những thương binh có hoàn cảnh khó khăn, con cháu không có việc làm, trung tâm tạo mọi điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ. Đã có 5 trường hợp là con, cháu thương binh nặng tại Trung tâm được vào phục vụ trong quân đội, 6 trường hợp được nhận vào làm việc tại trung tâm, trực tiếp chăm sóc sức khoẻ, điều trị cho bố hoặc mẹ của mình.

Tính đến hết tháng 7, Trung tâm đã tổ chức tiếp đón hơn 1.000 đối tượng chính sách đến nghỉ điều dưỡng luân phiên. Trung tâm điều dưỡng người có công Thái Bình tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ nghỉ dưỡng, mua sắm thêm thiết bị phục hồi chức năng để các đối tượng đến với Trung tâm được hưởng thụ chế độ chăm sóc tốt nhất.  

Hầu hết số thương binh  tại đây đều cao tuổi, sức khoẻ ngày một suy giảm, bệnh tật luôn phát sinh, từ tính tình đến khẩu vị ăn cũng khác nhau. Do vậy, việc phục vụ ăn uống, chăm sóc, điều trị hàng ngày thường gặp những khó khăn, phức tạp. Tuy vậy, những cán bộ, nhân viên, đội ngũ thầy thuốc phục vụ tại trung tâm đã không quản ngại khó khăn, vất vả, ngày đêm hết lòng tận tuỵ với công việc được giao.

Ông Hoàng Văn Vinh, Quyền Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng và Phục hồi chức năng người có công tỉnh Thái Bình chia sẻ: “Để đảm bảo chăm sóc sức khoẻ, tạo tâm lý tốt nhất cho những người đến điều dưỡng, các cán bộ, nhân viên tại Trung tâm luôn tâm niệm coi thương, bệnh binh, người có công như người nhà, không quản ngại khó khăn để chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ...”.

Khuôn viên Trung tâm luôn khang trang, sạch sẽ.

Trung tâm cũng lên kế hoạch các hoạt động cụ thể, hợp lý sao cho các bcs cảm thấy gần gũi, thoải mái nhất, phù hợp với lứa tuổi và tình trạng sức khoẻ. Tại đây, cùng với các hoạt động chăm sóc sức khoẻ, các bác còn được tham gia các hoạt động văn hoá, thể thao như: Cầu lông, bóng bàn, đọc báo, xem phim, tổ chức tham quan du lịch… tạo ra không khí vui tươi, phấn khởi.

Đối với khu nhà ở của các thương binh tại Trung tâm đều được xây dựng khép kín, đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát. Bên cạnh đó, mỗi khu nhà còn có sân đón ánh nắng và khoảng vườn để trồng rau xanh. Đối với các khu nhà dành cho người có công đến điều dưỡng, từng khu sinh hoạt như: phòng nghỉ, nhà bếp, phòng ăn, khu vệ sinh, phòng sinh hoạt chung, phòng điều dưỡng... đều được bố trí một khoa học, đảm bảo vệ sinh, sạch sẽ, thoáng đãng đủ ánh sáng.

Hiện trung tâm có 20 phòng ở của thương binh theo mô hình hộ gia đình, công trình vệ sinh khép kín, có máy điều hoà nóng lạnh hai chiều, có đầy đủ các thiết bị, đồ dùng sinh hoạt. Đối với những thương binh nặng đang được nuôi dưỡng và phục hồi chức năng tại đây, trung tâm đã thực sự là tổ ấm thân thương, sâu nặng nghĩa tình. Còn đối với các cán bộ, nhân viên của trung tâm, không hề có ranh giới giữa thương binh và người phục vụ. Bởi lẽ, họ đã xác định: “Thầy thuốc và bệnh nhân gắn bó với nhau suốt cả cuộc đời”.

Chúng tôi ra về với niềm tin trọn vẹn: Dù còn không ít khó khăn, nhưng chắc chắn rằng các cán bộ, bác sĩ của Trung tâm sẽ luôn đoàn kết, đồng sức đồng lòng để phục vụ tốt nhất cho thương bệnh binh, để nơi đây thực sự là mái ấm đầy ắp tình thân của những người lính đã hy sinh một phần máu thịt cho đất nước.   

Những nỗ lực của tập thể cán bộ và nhân viên Trung tâm trong công tác chăm sóc, điều dưỡng người có công đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp, góp phần thể hiện tấm lòng tri ân của lớp người đi sau với thế hệ cha anh…

Trời về chiều, vẫn lất phất mưa, gió thoang thoảng quyện tình người sâu nặng nơi quê lúa.

Lê Sơn/Báo Tin Tức
Ngày 27/7 đã trở thành ngày có ý nghĩa lịch sử, chính trị, nhân văn sâu sắc
Ngày 27/7 đã trở thành ngày có ý nghĩa lịch sử, chính trị, nhân văn sâu sắc

Ưu đãi người có công với cách mạng là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Đây cũng là trách nhiệm và là sự ghi nhận, tôn vinh những cống hiến của họ đối với đất nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN