Kỷ niệm 45 năm ngày Quân tình nguyện Việt Nam giúp nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, xây dựng cuộc sống mới (7/1/1979-7/1/2023 ):

Những nẻo đường Campuchia - Bài cuối

Khi ấy, tôi cũng không ngờ đến tận 25 năm sau, tôi mới quay lại Campuchia. Năm 2008, tôi dẫn đầu đoàn của Thông tấn xã Việt Nam thăm AKP.

Chú thích ảnh
Tổng Giám đốc TTXVN Đào Tùng và Tổng Giám đốc SPK Chey Saphon (Phnom Penh, 1979).

Tôi cứ lang thang một mình suốt cả buổi trưa bên đồi Bà Pênh, đi dọc theo các con phố và cảm nhận sự thay đổi của đất nước này. Sau bao thay đổi về mọi mặt, Campuchia đã khác xưa nhiều. Đầu tiên là ở những người bạn làm Thông tấn xã, hãng Thông tấn mà chúng tôi sang thăm là AKP chứ không còn là SPK nữa và nằm trong Bộ Thông tin của Chính phủ Campuchia! Những hoài niệm, bâng khuâng về SPK những ngày mở đầu và những gì mà cơ quan Thông tấn non trẻ đã góp phần trong những tháng năm lịch sử. Những người quen biết cũ ở SPK trước đây con rất ít, người đã về nghỉ, người chuyển sang các lĩnh vực khác. Bà Tổng Giám đốc Kít Kimhuôn, người gày gò, nụ cười hiền lành vẫn giữ nguyên tấm lòng đôn hậu khi nói về các chuyên gia của Thông tấn xã Việt Nam ngày trước. Khi chúng tôi ở đây, bà Kimhuôn mới là một phụ nữ biết tiếng Pháp và gia nhập cơ quan Thông tấn xã sau ngay đất nước giải phóng. Dù vậy, với những cán bộ tôi được gặp, vẫn vẹn nguyên những kỷ niệm về cán bộ, chuyên gia Việt Nam. Có người còn nhớ tên những chuyên gia đã từng dạy họ làm tin, chụp ảnh, biên tập tiếng Anh, tiếng Pháp hoặc kèm cặp về kỹ thuật...

Cảnh vật cũng khác xưa nhiều. Khu điện đài anh em ngày ấy gọi là Vườn Chuối, gần ga xe lửa, nay đã là một khách sạn cao tầng. Khu nhà gần chợ Mao Trạch Đông, nơi chúng tôi ở trước đây cũng đang quây kín để xây một cao ốc. Nhiều phố mới hình thành, nhiêu công trình mới xây, có nơi chẳng còn dấu vết của Phnôm Pênh ngày trước nữa.

Cùng với Trần Chí Hùng, Trưởng phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Campuchia, chúng tôi thăm nhiều nơi trong thành phố. Cách đây gần 30 năm, Trần Chí Hùng là một sinh viên mới ra trường. Mấy chục năm gắn bó với đất nước này, giờ anh đã là một cán bộ giàu kinh nghiệm và gắn bó với Campuchia lâu nhất. Gần như suốt thời gian công tác Hùng có mặt ở địa bàn này. Chúng tôi thăm Đài Độc Lập, các khu phố lớn. Mấy anh em đến viếng tượng đài các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam đã ngã xuống trên mảnh đất này. Vào thời khắc ấy,tôi nhớ lại tất cả những hy sinh, gian khổ mà những người cán bộ, chiến sĩ Việt Nam đã chịu đựng. Hàng trăm ngàn người đã ngã xuống, vĩnh viễn nằm lại ở đây, hàng trăm ngàn người bị thương trên chiến trường này. Cái giá phải trả thật là to lớn, nhưng đấy là điều mà người Việt Nam có thể tự hào!

Cùng với Trần Chí Hùng và anh bạn Chăn Duon, Phó Tổng giám đốc AKP, chúng tôi đã có một chuyến đi bằng đường bộ từ Phnom Pênh lên Xiêm Riệp để tận mắt chúng kiến sự đổi thay ở đây và cũng là ôn lại chặng đường ngày trước đã từng qua. Trong đoàn còn có các anh Nguyễn Anh Tuấn, khi đó là Trưởng ban Biên tập tin thế giới, Mai Quang Huy, Trưởng ban Thư ký, Đinh Đăng Quang, Phó Giám đốc Trung tâm kỹ thuật và Vũ Xuân Bân, khi đó là Trưởng ban Biên tập tin trong nước, một người đã gắn bó với Campuchia từ trong kháng chiến chống Mỹ, trong chiến tranh biên giới Tây Nam và có mặt trong đoàn chuyên gia giúp bạn từ rất sớm. Câu chuyện dọc đường gợi nhớ về những ngày xưa và những đổi thay của hiện tại.

Chú thích ảnh
Phó Tổng Giám đốc TTXVN Đỗ Phượng và cháu Chey Beaupha (Phnom Pênh, 1979).

Xiêm Riệp nhắc tôi nhớ nhiều điều. Bây giờ đây đã là một trung tâm du du lịch lớn. Nhiều chuyến bay từ các nước đến thẳng đây. Angko tấp nập khách. Cả thành phố đang thay đổi từng ngày. Khi thăm lại Angko, Biển Hồ, tôi lại nhớ những ngày đầu tiên đến đất Xiêm Riêm, nhớ đế những người bạn Việt Nam, những người bạn Campuchia ngày ấy. Tôi nhớ đên tướng Kim Tuấn, Tư lệnh Quân đoàn 3 mà tôi có dịp được gặp, người đã lãnh đạo cánh quân giải phóng vùng Đông Bắc, trong đó có Xiêm Riệp, đã ngã xuống ngay trên mảnh đất này! Ngồi trên những bậc đá đông nghẹt khách du lịch từ khắp mọi vùng đến thăm Angko tôi tự hỏi không biết những người lính giữ khu thành cổ ngày trước giờ ai còn, ai mất, số phận của họ ra sao? Rồi những cô gái như Phon-- ni, Lệ… Gần 30 năm trôi qua, cuộc sống của họ ra sao? Rất tiếc, khi tôi hỏi thăm ở Xiêm Riệp, không có ai biết  gì về họ. Thời gian đã quá dài cho những thay đổi.

Điều còn lại mãi vẫn là tình người. Trong buổi tiếp chúng tôi, ông Phó Tỉnh trưởng khi thông báo về những đổi thay ở  Xiêm Riệp, những kế họach kinh tế xã hội cho tương lai, dành nhiều thời gian để nói về những người lính Việt Nam đã cứu ông, những chuyên gia đã sang giúp Xiêm Riệp phát triển, cả về những kỷ niệm khi ông sang học ở Việt Nam, mảnh đất mà ông coi là quê hương thứ hai quê hương của những người bạn mà ông luôn coi là những ân nhân. Khi kể về những điều đó, ông không cầm được nước mắt, giọng nói như nghẹn lại, một sự xúc dộng chân thành từ trái tim. Những giọt nước mắt tự nhiên và lắng đong ấy đã nói lên rất nhiều điều. Những sự hy sinh của người Việt Nam trên mảnh đất này không uổng phí. Những tình cảm tốt đẹp sẽ còn mãi trong lòng người dân Campuchia hiện tại và cả những năm tháng sau này. Tôi tin là như vậy.

Vào dịp kỷ niệm 40 năm quân tình nguyện Việt Nam giúp nhân dân Campuchia lật đổ chế độ Pol Pôt (1979-2019 ), tôi nhận được bức thư khá đặc biệt từ đại tướng Chey Beaupha, Phó Tổng thư ký Ủy ban phòng chống ma túy Campuchia, con gái của cố Tổng Giám đốc Thông tấn xã SPK Chey Saphon, cùng lời nhắn :“Con nhờ chú đọc lá thư này cho các cô các chú chuyên gia TTXVN giúp SPK những ngày đầu tiên. Con cảm ơn chú rất nhiều! Beaupha ”

Chú thích ảnh
Đại tướng Chey Beaupha: “Thương nhớ các cô chú cán bộ, phóng viên TTXVN rất nhiều và mãi không bao giờ quên được những ký ức lịch sử này" (2019).

Mở đầu bức thư, Chey Beaupha viết:

Sắp tới ngày 7/1/1979 - 7/1/2019, nhanh quá cô chú nhỉ! Mới ngày nào cháu vẫn là cô bé, vậy mà đã 40 năm trôi qua kể từ ngày đất nước Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot. Và cháu cũng đã gần 50 tuổi rồi.

Lúc này đây, cháu đang ngồi nhớ lại những kỷ niệm từ những ngày đất nước còn rất khó khăn và để có được những thay đổi và phồn vinh như ngày hôm nay... cháu chắc viết mãi cũng không hết những công ơn mà các cô chú chuyên gia TTXVN đã hy sinh cho đất nước Campuchia.

Sáng nay, cháu dậy sớm viết thư cho các cô chú. Sắp xong rồi nhưng đến khi cháu viết đến gần cuối, nước mắt cứ chảy ra. Cháu nhớ đến Ba cháu và hiểu được tình cảm của sự mất mát, chia lìa. Không biết lúc đó cô chú chuyên gia TTXVN nhớ nhà và vợ con như thế nào vì thời đó mỗi lá thư viết về cho gia đình cả tháng vẫn chưa tới nơi và có lá thư chưa tới tay người nhận, người viết đã hy sinh...

Khi đọc bức thư của Chey Beaupha gửi, ký ức đưa tôi và các chuyên gia của TTXVN trở về thời gian 40 năm trước. Sau khi Phnom Pênh giải phóng, gia đình Tổng Giám đốc Chey Saphon ở gần nơi cơ quan làm việc, cạnh ga xe lửa thành phố.

Chey Beaupha, cô con gái đầu của ông, khoảng 8 tuổi, một số lần được theo cha sang cơ quan hay đến các cuộc gặp gỡ. Hình ảnh cô bé nhanh nhẹn, trong bộ váy áo hồng, cặp mắt thông minh, hiếu động, đem lại cảm giác rất ấm áp cho một thành phố đang hồi sinh. Chey Beaupha vì thế trở nên thân quen với các chuyên gia của TTXVN sang giúp cho SPK thời kỳ ấy.

Theo lời Chey Beaupha trong thư, những hình ảnh, kỷ niệm về những bác, những cô chú chuyên gia TTXVN trong những ngày gian khó ấy để lại những dấu ấn sâu sắc với cô. Chey Beaupha đã thấy các chuyên gia Việt Nam hết lòng cùng với cha cô xây dựng thông tấn xã SPK từ đầu. Họ giúp đỡ các đồng  nghiệp Campuchia về nghiệp vụ viết tin, chụp ảnh, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo con người trong hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn trăm bề. Các chuyên gia Việt Nam cùng các đồng nghiệp đi đến nhiều vùng khó khăn nguy hiểm để viết tin chụp ảnh; không nề hà công việc gì, cả tăng gia sản xuất, trồng rau để bảo đảm đời sống.

Chey Beaupha nhớ lại:

Các cô chú không chỉ mang theo các trang thiết bị, nhân lực, mà ngay cả lương thực, thực phẩm như gạo, rau quả... từ Việt Nam sang Campuchia để sử dụng. Các cô chú tự mang hạt giống rau sang để trồng (bên hông nhà cháu cũng có một vườn rau cô chú có nhớ không ạ? Nào là rau cải, su hào, thì là... Cháu nhớ những củ su hào bé tý vì trồng ở vùng khác khí hậu nhưng vẫn thấy ngon cô chú nhỉ). Ba mẹ cháu luôn kể về tình cảm và sự tận tâm của các bác, các chú nguyên là lãnh đạo và cán bộ, phóng viên TTXVN ngày ấy!

Thời gian qua đi. Năm 1981, Tổng Giám Chey Saphon chuyển sang công tác khác. Công việc sau cùng của ông là Thượng nghị sỹ, rồi trở thành Cố vấn, trước khi qua đời năm 2014, thọ 84 tuổi.

Chey Beaupha cũng lớn lên. Cô học ở Campuchia, rồi sang Việt Nam ở Đại học Y TP Hồ Chí Minh. Tốt nghiệp, cô trở về Campuchia công tác. Cô đã trải qua những công việc khác nhau, hiện là Phó Tổng Thư ký Ủy ban Phòng, chống ma túy quốc gia, mang quân hàm Đại tướng khi chưa tròn 50 tuổi.

40 năm đã qua với nhiều đổi thay. Nhưng những kỷ niệm tốt đẹp về các cán bộ, phóng viên TTXVN làm chuyên gia cho SPK thuở ban đầu ấy vẫn còn mãi với Chey Beaupha và gia đình cô. Cô vẫn còn nhớ tên rất nhiều người, và kể lại những lần cô có dịp cùng cha gặp mặt. Một tình cảm rất sâu nặng và một trí nhớ tuyệt vời. Cô rất tích cực tham gia vào các hoạt động xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước, trong đó có việc quan tâm tìm kiếm hài cốt quân tình nguyện Việt Nam.

Tình cảm ấy có thể thấy qua những dòng tâm sự của Chey Beaupha:

Cháu biết các cô các chú người còn, người đã ra đi. Một số cô chú đã có tuổi, sức khỏe cũng không được tốt lắm... Biết các cô chú sắp có cuộc họp mặt các cựu chuyên gia TTXVN đã làm nhiệm vụ cao cả trên đất nước Campuchia, cháu xin được gửi lá thư này tới tất cả các cô chú. Cầu chúc cho các cô chú, các chiến sỹ cầm bút dũng cảm, luôn có thật nhiều sức khỏe để lại viết thật nhiều bài báo hay.

Thương nhớ các cô chú rất nhiều và mãi không bao giờ quên được những ký ức lịch sử này. Ước một ngày nào đó cháu sẽ có dịp được gặp lại những gương mặt thương yêu.

Thương nhớ các cô chú!!!

Cháu Chey Beaupha, con gái của ba Chey Saphon - Tổng giám đốc đầu tiên của SPK".

Tình cảm sâu nặng ấy đối với những chuyên gia TTXVN, những người bạn Việt Nam của Chey Beaupha và những người như cô sẽ còn mãi với thời gian. Những tình cảm ấy luôn luôn là một cơ sở vô cùng quý báu cho việc gìn giữ, xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia trong hiện tại và cả trong tương lai.

Tháng 1/2019, tại cuộc gặp mặt các cán bộ, chuyên gia, phóng viên TTXVN  giúp thông tấn xã SPK-AKP nhân 40 năm quân tình nguyện Việt Nam giúp nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pốt - Ieng Xary, tôi cũng thay mặt cán bộ, phóng viên phát biểu một số ý kiến.

Trong phát biểu của mình, tôi nêu rõ:

40 năm là một cột mốc đáng nhớ và là dịp nhìn lại những cố gắng chung của nhiều lớp cán bộ, phóng viên TTXVN trong công việc rất có ý nghĩa cao cả này. Khoảng cuối năm 1978, cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam đứng trước một tình thế mới khi Việt Nam quyết định  giúp nhân dân Campuchia lật đổ Khơ Me Đỏ, xây dựng một chế độ mới. Ngay khi ấy, Ban lãnh đạo TTXVN đã có kế hoạch giúp bạn thành lập TTX SPK . Đoàn S78 thuộc TTXVN đã triển khai nhiều công việc, vừa giúp Tổng Giám đốc SPK Chey Saphon chuẩn bị cho SPK tuyên bố thành lập, vừa gấp rút triển khai  lực lượng phóng viên khi chiến dịch lớn đã cận kề.

Ngày 2/12/1978, Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia thành lập. Sau đó một ngày, 3/12, TTX SPK tuyên bố ra đời, kịp thời truyền đi những thông điệp quan trọng vào thời điểm lịch sử với nhân Campuchia và thế giới về một sự nghiệp chính nghĩa và nhân văn - Lật đổ chế độ Pol Pốt, giúp nhân dân Campuchia đứng lên giành lại quyền sống của mình trước nguy cơ diệt chủng. Những chuyên gia TTXVN  đã giúp bạn SPK làm rất tốt nhiệm vụ ngay từ bước khởi đầu ấy, cũng như các hoạt động sau này.

Cùng thời điểm ấy, TTXVN đã triển khai lực lượng đi cùng 5 cánh quân lớn trong chiến dịch giải phóng Campuchia. 5 tổ phóng viên  gồm các phóng viẻn tin, ảnh, lái xe đã theo sát các mũi tiến quân ngay từ đầu chiến dịch, trong đó các phóng viên đã từng tham gia chiến trường từ kháng chiến chống Mỹ, nhiều đồng chí đã tham gia trong chiến tranh biên giới Tây Nam trước đó. Các tổ phóng viên có nhiệm vụ làm thông tin cho TTXVN và cho cả SPK, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình; trong đó, tổ phóng viên đi cùng binh đoàn Cửu Long - Quân đoàn 4 đã có mặt ở Phnom Pênh đúng ngày 7/1/1979, kịp thời có thông tin, hình ảnh về sự kiện lịch sử này.

Sau ngày 7/1/1979, việc giúp đỡ TTX SPK chuyển sang một giai đoạn mới, với quy mô lớn và toàn diện trong bối cảnh của tình hình mới. TTXVN đã đưa sang Phnom Pênh cùng một lúc ngay sau khi giải phóng cả trăm cán bộ, phóng viên, giúp bạn xây dựng TTX SPK về mọi mặt: Bảo đảm thông tin trong điều kiện mới, gồm cả thông tin trong nước, thông tin đối ngoại, thông tin ảnh; xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật; đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, kỹ thuật viên... và xây dựng mô hình một cơ quan thông tấn phù hợp với điều kiện của CPC. Về công tác đào tạo, điều đáng nói là : Không chỉ đào tạo cho SPK. Nhiều trí thức, sinh viên được tuyển và đào tạo tại SPK khi ấy sau đó đã trở thành những cán bộ cao cấp, giữ những vị trí quan trọng trong các cơ quan chính phủ Campuchia. Nhiều thiết bị, máy móc cần thiết đã được chuyển sang giúp bạn, trong đó có những thiết bị mà chính TTXVN cũng rất cần nhưng vẫn san sẻ cho SPK. Có thể nói, trong lịch sử báo chí thế giới,  hiếm có sự giúp đỡ nào vô tư và hiệu quả như vậy trong điều kiện đặc biệt khó khăn .

Cán bộ, phóng viên của đoàn chuyên gia S78 ngày ấy làm việc quên mình, bất chấp những khó khăn, nguy hiểm rình rập. Thành phố Phnom Pênh hoang vắng, không điện nước, không  còn cơ sở cho cuộc sống bình thường. Quân Pol Pốt còn lẩn quất. Anh chị em trong đoàn tự tổ chức cuộc sống của mình, ngày triển khai công việc, đêm cầm súng canh gác, bảo vệ cơ quan, sẵn sàng chiến đấu. Ăn uống kham khổ, chỉ có gạo, rất hiếm rau xanh, thực phẩm. Việc tiếp tế từ Sài Gòn sang rất hạn chế. Khối lượng công việc lớn, phức tạp, khẩn trương. Các tổ phóng viên đi theo các quân đoàn thì chấp nhận sự gian khó hy sinh cùng với các chiến sĩ trên những địa bàn khó khăn, ác liệt.

Chú thích ảnh
Cán bộ, phóng viên đoàn chuyên gia S78-TTXVN gặp mặt kỷ niệm nhân 40 năm TTXVN giúp Campuchia xây dựng TTX SPK, quân tình nguyện Việt Nam giúp dân Campuchia lật đổi chế độ Pol Pốt, xây dựng cuộc sống mới (7/1/1979-7/1/2019).

Không thể nói hết trong phát biểu ngắn những gì TTXVN đã làm để giúp SPK trước đây, sau là AKP, phát triển. Trong 10 năm 1978-1988 , thời gian đoàn chuyên gia của chúng ta chính thức hoạt động, từ chỗ "làm giúp", "cùng làm", rồi "giúp làm", với gần 200 chuyên gia trên các lĩnh vực; nhiều đồng chí ở dài ngày, có người gần như gắn bó với địa bàn cả cuộc đời công tác của mình. Thời gian sau khi đoàn chuyên gia dừng họat động, các chuyên gia biệt phái và cơ quan thường trú của TTXVN tiếp tục giúp đỡ, hợp tác với các đồng nghiệp Campuchia đến những năm sau này. Sự phát triển của SPK- AKP là có sự đóng góp vô tư, chí tình, rất có hiệu quả của các lớp chuyên gia TTXVN, điều mà chúng ta có thể tự hào.

Nhiều đồng chí lãnh đạo, cán bộ, phóng viên đã đóng góp cho công tác này từ những ngày đầu, nay đã đi xa: Các Tổng giám đốc Đào Tùng, Đỗ Phượng, các Phó Tổng giám đốc Trần Thanh Xuân, Hoàng Tư Trai, Lê Chân, Đỗ Văn Ba, Phạm Dân, Nguyễn Đức Giáp; các trưởng đoàn chuyên gia Trần Hữu Năng, Phạm Quế Lâm; các liệt sĩ Nguyễn Năng Phát, Nguyễn Đình Thuỷ; các cán bộ, phóng viên lâu năm như các bác Hoàng Quang Sinh, Nguyễn Bá Ngạc, Hồng Sĩ, Nguyễn Kim Cang, Lê Khắc Tịnh, Nguyễn Văn Tường, Văn Sắc, Trần Ấn; các cán bộ kỹ thuật như Nguyễn Danh Bưởi, Võ Phương Đông; các đồng chí lái xe như Phạm văn Thu, Mai Viết Quá, Bùi Lương Duyên... và các đồng chí khác.

Chú thích ảnh
Cuộc gặp nghĩa tình của cựu chuyên gia đoàn S78 với các đồng nghiệp SPK năm xưa - Chhem Chanty, Kong Nakry, Long Mary, Chan Kolap - nhân các bạn có chuyến thăm Hà Nội 10/2023.

Sự nghiệp giúp đỡ Campuchia của TTXVN có sự tham gia trực tiếp của các đồng chí  lãnh đạo ngành; hàng chục đồng chí sau khi làm nhiệm vụ giúp bạn đã trở thành những cán bộ chủ chốt ở cơ quan và nhiều đơn vị trong ngành, như ở các Ban Biên tập Tin trong nước, Kinh tế, Thế giới,  Đối ngoại, Trung tâm kỹ thuật Thông tấn, Cơ quan đại diện phía Nam, miền Trung Tây Nguyên, các báo Tin tức, báo Ảnh Việt Nam, báo VietnamNews, Le Courrier du Vietnam, Nhà xuất bản Thông tấn... Điều đó cho thấy, việc thực hiện nhiệm vụ giúp bạn trong những giai đoạn khó khăn, cần đến những hy sinh, phấn đấu cũng là môi trường tốt cho việc rèn luyện và đào tạo cán bộ của ngành.

Xin ghi lại đây bài thơ Điều Không Nhìn Thấy để nói lên những tâm tư của tôi và bè bạn về những năm tháng không quên ấy.

ĐIỀU KHÔNG NHÌN THẤY
(Gửi một người bạn đi du lịch Angkor)

Em chiêm ngưỡng cả ngàn đền đài cung điện
Những vẻ đẹp vĩnh hằng thách thức thời gian

Em sẽ không gặp điều anh từng thấy
Angkor tiêu điều xơ xác tan hoang

Em  dạo bước những nẻo đường lát đá
Cùng bạn bè trong buổi sáng bình yên
Sẽ không ai còn phập phồng lo sợ
Sau mỗi bức tượng kia nhả đạn lính áo đen

Em gặp thần Bay On bốn mặt
Nụ cười trên môi đón đợi con người
Em đâu biết dưới chân tượng ấy
Trận đánh năm xưa máu thẫm đất này

Những vạt rừng hoa Nacrin đang nở
Thốt nốt hương thơm đến nao lòng
Lại là nơi từng nồng mùi xác chết
Lính Pol Pot giết người vô tội hằng đêm

Em sẽ không bao giờ còn nghe tiếng
Cô gái Pho-ni nghẹn ngào nước mắt rơi
"Sao bộ đội Việt Nam không sớm hơn chút nữa
Cả phum em khỏi chết bao người ..."

Bạn bè anh ngã xuống mùa khô ấy
Hồn vẫn đâu đây giữa những đền đài
Máu họ đổ để Angkor sống lại
Điệu Saricakeo vang giữa đất trời

Rất nhiều điều đang chìm vào dĩ vãng
Năm tháng trôi trên thành quách bao đời
Xin hãy nhớ những gì không còn thấy
Những tâm tư đá cũng nghẹn lời.

Trần Mai Hưởng
Những nẻo đường Campuchia - Bài 5
Những nẻo đường Campuchia - Bài 5

Cần nói thêm rằng, trước thời điểm ấy, lực lượng đoàn chuyên gia của TTX - đoàn S78 - được tăng cường rất lớn, lên đến hàng trăm người. Lực lượng phóng viên tin, ảnh rất hùng hậu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN