"Liều thuốc" nào cho tình trạng lấn chiếm vỉa hè? - Bài 2

Đối với các cửa hàng lấn chiếm vỉa hè, để “tồn tại” sai quy định hầu như ai khi được hỏi đều cho biết họ phải đóng “phí”, nhưng mức phí cụ thể thì không ai nói ra. Một chủ cửa hàng quán ẩm thực trên phố Trần Hưng Đạo trả lời lấp lửng: “Phí đi đêm khoảng vài triệu/tháng”.

LÚNG TÚNG TRONG XỬ LÝ

Từ năm 2014 đến nay, thành phố Hà Nội đã triển khai “Năm trật tự văn minh đô thị”, trong đó có nội dung chống lấn chiếm vỉa hè, trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Tuy nhiên, sau nhiều lần ra quân, việc lấn chiếm vẫn tái diễn ở nhiều mức độ khác nhau.

Bắt cóc bỏ đĩa 

Hoàn Kiếm là một trong những quận của Hà Nội tình trạng lấn chiếm vỉa hè diễn ra phức tạp nhất. Ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: “Chống lấn chiếm vỉa hè được quận coi đây là cuộc "cách mạng" nhằm tạo chuyển biến rõ nét về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường trên địa bàn. Để triển khai, UBND quận Hoàn Kiếm đã tổ chức họp với 115 điểm trông giữ phương tiện, 79 tòa nhà có tầng hầm để thông báo chấn chỉnh các vi phạm về trật tự đô thị. Quận Hoàn Kiếm đã thống kê 226 điểm phức tạp về trật tự đô thị, lấn chiếm vỉa hè và giao cụ thể cho UBND phường xử lý. Ví dụ, tại ngã tư phố Tràng Thi, Phủ Doãn là địa bàn phức tạp giáp ranh 3 phường: Hàng Bông, Hàng Trống, Trần Hưng Đạo nơi có nhiều hàng ăn... quận đã giao mỗi phường cắm chốt một ngày nên các vi phạm đã được xử lý quyết liệt.

Việc lấn chiếm vỉa hè vẫn thường xuyên diễn ra trong khu phố cổ Hà Nội.

Tuy nhiên, không chỉ Hoàn Kiếm, tình trạng lấn chiếm vỉa hè diễn ra thường xuyên ở các quận huyện khác. Ông Phạm Tuấn Long cũng thừa nhận, ngoài giờ hành chính, một số phường chưa duy trì thường xuyên nên lại tái vi phạm, nhất là các tụ điểm bán hàng ăn uống, bia hơi... Tình trạng này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về hiệu quả việc xử lý vi phạm: “Do địa phương quản lý lỏng lẻo, do phương thức quản lý chưa đáp ứng thực tiễn hay có sự bảo kê nào đó?”
Với nhiều người bán hàng rong, lý do được họ đưa ra là “mưu sinh”. Do kinh tế khó khăn và làm nông có thời vụ nên họ tranh thủ lên Hà Nội bám vỉa hè mưa sinh. Biết là sai nhưng vẫn phải “lách” để tồn tại”.

Đối với các cửa hàng lấn chiếm vỉa hè, để “tồn tại” sai quy định hầu như ai khi được hỏi đều cho biết họ phải đóng “phí”, nhưng mức phí cụ thể thì không ai nói ra. Một chủ cửa hàng quán ẩm thực trên phố Trần Hưng Đạo trả lời lấp lửng: “Phí đi đêm khoảng vài triệu/tháng”. Tuy nhiên, với một số chủ cửa hàng bày bán hàng rong, quần áo thì trả lời kinh doanh nhỏ lẻ thì lấy đâu tiền “nộp phí”. “Đương nhiên phải để gọn vào khi có họ qua. Còn những lần vào chiến dịch thì chuyện bị tịch thu rồi lên công an phường xin lại là chuyện thường”, chủ cửa hàng kinh doanh phố Đội Cấn cho biết.

Lực lượng mỏng

Lý giải tình trạng vi phạm vỉa hè nhiều nơi vẫn tái diễn như phố Tô Hiệu, đường Phan Văn Trường, ông Vũ Quý Trung, Phó phòng quản lý đô thị quận Cầu Giấy cho biết: “Lực lượng chức năng quản lý vỉa hè địa phương mỏng, chỉ hơn chục người, trong khi việc tái lấn chiếm diễn ra thường xuyên. Khi thấy lực lượng chức năng, họ “chạy dạt” hoặc thu xếp gọn lại. Khi khuất bóng lại lấn chiếm”.

Theo ông Bùi Ngọc Tân, trưởng phòng tham mưu Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, do liên quan đến vấn đề mưu sinh của nhiều hộ dân nên trước khi ra quân chấn chỉnh, lực lượng chức năng đều phải tuyên truyền, phát trên loa phát thanh phường để người dân tự giác chấp hành. Do đã thành thói quen và gắn liền với cuộc sống của người dân, nên phải làm từng bước. 

“Tình trạng cứ ra quân dẹp thì ngăn nắp nhưng sau đó người dân vẫn tái lấn chiếm một phần do ý thức người dân, một phần do một số địa phương chưa làm triệt để. Bên cạnh đó, bề rộng của các tuyến đường không đồng nên các quận huyện đều tiến hành giao cho phường xây dựng các mô hình phù hợp với từng địa bàn như kẻ vạch sơn, ký cam kết, vận động xếp gọn... Với những tuyến phố có vỉa hè rộng, tình hình cải thiện đáng kể. Tuy vậy, những nơi có vỉa hè rộng dưới 2 m và tại những khu vực chợ, bệnh viện, bến xe, ga tàu, trường học... tình hình tái lấn chiếm vỉa hè vẫn phức tạp. Khó có thể bố trí lực lượng chức năng chốt thường xuyên tại một chỗ”, ông Bùi Ngọc Tân cho biết.

Tại quận Hoàn Kiếm, ông Phạm Tuấn Long cho biết: “Quận xác định năm 2016 phải dành vỉa hè cho người đi bộ và các phường đang xử lý quyết liệt khu vực vi phạm. Không có tình trạng tiêu cực bỏ qua các vi phạm lấn chiếm vỉa hè các hộ kinh doanh. Việc xử lý được đảm bảo công khai bằng cách xử lý xong sẽ phát thanh thông báo lên loa phường để mọi người thấy được sự công bằng, giáo dục cho người khác. Tuy nhiên, nhân lực để bố trí chốt tại các điểm nóng vi phạm vỉa hè còn ít khiến việc duy trì tái lấn chiếm chưa thường xuyên”. 

Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cũng tỏ ra lúng túng trước bài toán lựa chọn giữa tăng nguồn thu thuế từ hoạt động kinh doanh hay phố phường phong quang, sạch đẹp. Bất cập là ở chỗ muốn người dân đóng thuế thì phải để họ kinh doanh, mà kinh doanh thì lấn chiếm vỉa hè. Lãnh đạo một số phường thuộc quận Hoàn Kiếm khi họp về triển khai năm trật tự đô thị cũng thừa nhận, một bên vận động  thu thuế hàng năm từ các hộ kinh doanh trên địa bàn theo đúng yêu cầu khoảng từ 15 - 20 tỉ đồng, nhưng  một bên lại ban hành những quy định cấm sử dụng vỉa hè sẽ chẳng khác nào vừa đá bóng, vừa thổi còi.
Bài và ảnh: XC
"Liều thuốc" nào cho tình trạng lấn chiếm vỉa hè - Bài 1
"Liều thuốc" nào cho tình trạng lấn chiếm vỉa hè - Bài 1

Việc chiếm dụng vỉa hè làm nơi kinh doanh đã diễn ra tại nhiều tuyến phố Hà Nội trong thời gian dài vừa qua, gây cản trở giao thông và mất mỹ quan đô thị. Để giải quyết tình trạng này cần có những giải pháp quyết liệt và hiệu quả hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN