Người dân Tung Chung Phố quen với hình ảnh người cán bộ “quân hàm xanh”, thượng tá Trần Xuân Khánh đi từng nhà, gặp từng người để vận động các hộ dân tham gia trồng cây quýt. Ngoài những lúc phải có mặt ở trụ sở xã để giải quyết công việc hành chính, thượng tá Khánh cần mẫn đi địa bàn, lên đồi để hướng dẫn người dân trồng và chăm sóc vườn quýt.
Cõng cây quýt lên đỉnh Dì Thàng Tung Chung Phố là xã biên giới với 9 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm đa số với hơn 38%. Gần 20 năm công tác ở hầu hết các đồn biên phòng trên tuyến huyện Mường Khương, năm 2007, thượng tá Trần Xuân Khánh được điều động về làm Phó Bí thư thường trực xã Tung Chung Phố. Dù đã làm Phó Bí thư xã Tả Ngài Chồ, đã quen với cơ sở, nhưng anh vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Xã giáp biên giới nên tình hình an ninh chính trị còn nhiều phức tạp, nhiều thôn vẫn “trắng” đảng viên. Cộng thêm trình độ canh tác của bà con lạc hậu, đời sống người dân nhiều thiếu thốn...
Thượng tá Trần Xuân Khánh thăm vườn quýt và hướng dẫn người dân phòng trừ sâu bệnh để đạt kinh tế cao. |
Thượng tá Trần Xuân Khánh cho biết: “Về Tung Chung Phố, việc đầu tiên tôi làm là vận động cán bộ địa phương từng bước thay đổi lề lối làm việc. Rồi nghiên cứu các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, gần gũi nắm bắt tâm tư của người dân để tiến tới xóa đói giảm nghèo”. Để hiểu nhân dân và được nhân dân tin tưởng, anh Khánh luôn “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng địa phương) với bà con với phương châm “gần dân, hiểu dân, trọng dân và có trách nhiệm với dân”.
Trăn trở với cây thoát nghèo cho bà con Tung Chung Phố, thượng tá Khánh đã tìm hiểu, thấy nhiều nơi cùng thổ nhưỡng trồng cây quýt mang lại kinh tế cao nên anh quyết tâm đưa về trồng thử. Năm 2009, thượng tá Khánh đã “cõng” cây quýt về đỉnh Dề Thàng, nhưng người dân còn lạ lẫm với cây này nên ít người mặn mà nhận trồng. Ông Pờ Sí Hòa ở thôn Dề Thàng là đảng viên nên tiên phong đăng ký trồng.
Ông Hòa bàn bạc với vợ con bán con trâu được 30 triệu đồng để có tiền mua 1.000 cây quýt giống, trồng trên 5 ha đất. Năm 2015, sau 5 năm trồng, không ngờ cây trồng này lại bén duyên với đất, vườn quýt nhà ông Hòa sai trĩu quả. Thu hoạch, trừ chi phí, gia đình ông để dành được gần 200 triệu đồng tiền lãi. Sau vụ đầu, gia đình ông Hòa bán thêm con trâu, cộng thêm tiền vốn tiết kiệm được để mua 3.000 cây quýt giống tiếp tục trồng. Thấy hiệu quả kinh tế cao, người dân đua nhau đăng ký với chính quyền, đầu tư để trồng cây quýt.
Thượng tá Khánh cho biết: “Toàn xã hiện có 100 hộ trồng 120 ha quýt, 7 ha đã cho thu hoạch. Giá quýt bán tại vườn dao động từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Thu hoạch tới đâu có người mua tới đó. Thời gian tới, xã chủ trương mở rộng thêm diện tích trồng cây quýt để giúp dân xóa đói giảm nghèo. Tung Chung Phố không những thoát nghèo mà còn có cơ hội làm giàu”. Anh Khánh dẫn chúng tôi thăm vườn quýt nhà ông Hòa sai chi chít quả. Bứt mấy quả quýt mời khách ăn, anh Khánh nói sẽ đăng ký thương hiệu “Quýt Mường Khương”.
Gần 10 năm từ ngày thượng tá Trần Xuân Khánh được tăng cường về xã, Tung Chung Phố đã có nhiều thay đổi. Con đường đi về các thôn đã được mở rộng, trải nhựa. Những bãi đất hoang đã thành ruộng trồng ngô, lúa và rau màu. Tỷ lệ hộ nghèo từ 78% năm 2010 đến nay giảm xuống còn gần 40%. Con số tưởng chừng đơn giản nhưng đó là nỗ lực không ngừng của anh Khánh và chính quyền, nhân dân địa phương.
Xóa thôn trắng đảng viên
Thượng tá Trần Xuân Khánh gắn bó với người và đất Tung Chung Phố như quê hương ruột thịt, anh luôn trăn trở với công tác phát triển Đảng ở xã vùng cao biên giới này. Theo anh Khánh, không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động của Đảng bộ, cần bồi dưỡng và kết nạp thêm nhiều đảng viên người dân tộc thiểu số. Đảng viên sẽ là người đi đầu trong phong trào, vận động gia đình và người thân, dân bản chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; giúp đỡ lẫn nhau cùng vươn lên làm kinh tế xóa đói giảm nghèo...
Năm 2011, một nửa thôn, bản của Tung Chung Phố (hầu hết là các thôn phát triển khá, nhiều đảng viên) đều được tách ra, để sáp nhập về thị trấn Mường Khương. Các chi bộ nòng cốt của Đảng bộ cũng chuyển đi, chỉ còn lại 3 chi bộ trên 10 thôn. Phó bí thư Trần Xuân Khánh suy nghĩ “cần phải tìm nguồn phát triển Đảng”, rồi tham mưu với cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể phát động các phong trào thi đua, qua đó phát hiện những quần chúng ưu tú để bồi dưỡng, giới thiệu cho Đảng. Từ Séo Tủng tới Tả Chư Phùng, Làn Tiểu Hồ, Dì Thàng... ở đâu có phong trào tốt, cách làm hay anh đều đi đến và ghi nhận việc làm của những hạt nhân ưu tú.
Anh Hầu Xuýnh Củi, Chủ tịch UBND xã Tung Chung Phố, sinh năm 1989, là một trong những thanh niên người địa phương được anh Khánh dìu dắt từ những ngày đầu. Đến nay, anh Củi đã trở thành một trong những cán bộ trẻ, dám nghĩ, dám làm của xã. Thượng tá Trần Xuân Khánh cho biết: “Từ năm 2011 đến nay, Đảng bộ xã Tung Chung Phố đã kết nạp thêm 48 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên lên 72 đảng viên và 12 chi bộ (10 chi bộ thôn, 2 chi bộ nhà trường), không còn bản trắng đảng viên. Điểm đáng mừng là chất lượng sinh hoạt ở các chi bộ đều được nâng lên”.
Đại tá Nguyễn Trọng Ngữ, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Lào Cai khẳng định: “Cán bộ tăng cường là những người gắn bó với địa bàn biên giới, thường xuyên thực hiện “3 bám, 4 cùng”, nên rất hiểu phong tục, tập quán, điều kiện canh tác sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân. Cán bộ biên phòng tăng cường tham mưu giúp cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh có nhiều thuận lợi. Bằng những việc làm thiết thực, lực lượng bộ đội biên phòng tăng cường đã và đang góp phần tiếp tục xây dựng hình ảnh người chiến sĩ biên phòng đẹp trong lòng đồng bào các dân tộc vùng cao biên giới”.
Bài cuối: Vượt gian khó thực hiện nhiệm vụ