Xử lý nghiêm việc mua bán máy móc cấm nhập khẩu

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo về kết quả kiểm tra việc máy móc, thiết bị cấm nhập khẩu được bán tràn lan.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo về kết quả kiểm tra, xác minh phản ánh của Đài Truyền hình Việt Nam về việc máy móc, thiết bị cấm nhập khẩu được bán tràn lan.

Trước đó, ngày 25/11/2015, Đài Truyền hình Việt Nam có phóng sự phản ánh tình hình nhiều loại máy móc, thiết bị, linh kiện cũ, phế liệu, phế thải thuộc diện cấm nhập khẩu được bán tràn lan tại các kho, bãi trên đoạn quốc lộ 1A từ ngã ba Thủ Đức đến ngã ba An Lạc thuộc quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kết quả xác minh, kiểm tra trên dọc quốc lộ 1A từ ngã ba Thủ Đức đến ngã ba An Lạc hiện có 185 cơ sở kinh doanh máy móc, thiết bị cũ. Đã kiểm tra 68 cơ cở và lập biên bản 66 cơ sở vi phạm.

Đã xử phạt 60 cơ sở với số tiền phạt là 735.625.000 đồng; tịch thu 426 đơn vị sản phẩm là hàng hóa nhập lậu, gồm: xe nâng, động cơ ô tô, xe cơ giới, máy nổ... ngoại nhập đã qua sử dụng, trị giá khoảng 194 triệu đồng. Phần lớn vi phạm là hàng nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ tiếng Việt (có 1.971 đơn vị sản phẩm máy móc thiết bị nông nghiệp, máy khoan, máy dập, máy thủy, động cơ xoay chiều, máy phát điện, máy công cụ... trị giá khoảng 42,1 tỷ đồng).

Trước tình hình trên, một trong các giải pháp mà Bộ Công Thương kiến nghị là chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường cả nước tăng cường kiểm tra cơ sở kinh doanh, kho chứa hàng, ki ốt bày bán các loại hàng hóa đã qua sử dụng thuộc diện cấm nhập khẩu. Truy xuất nguồn gốc, xác định hành vi vi phạm và xử lý nghiêm theo quy định. Tập trung vào mặt hàng điện tử, điện lạnh, điều hòa, máy giặt, đồ gia dụng, xe đạp và các mặt hàng thuộc diện cấm nhập khẩu.
Bộ Công an chỉ đạo công tác điều tra, nắm tình hình, lập danh sách, đối tượng, cơ sở kinh doanh, mua bán hàng cấm; phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường tổ chức kiểm tra đồng loạt các cơ sở có dấu hiệu vi phạm này. Tăng cường công tác nghiệp vụ, đẩy mạnh hoạt động điều tra, truy tố xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và sớm đưa các đối tượng vi phạm ra xử lý trước pháp luật.

Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng Hải quan tăng cường giám sát đối với các loại hàng hóa nhập khẩu đã qua sử dụng, mặt hàng thuộc diện cấm nhập khẩu, trọng điểm là mặt hàng máy móc, thiết bị, điện tử, điện lạnh, phụ tùng đã qua sử dụng... Chủ động trao đổi cung cấp thông tin với lực lượng Quản lý thị trường, Công an về các doanh nghiệp nhập khẩu số lượng lớn để kịp thời kiểm tra, xử lý theo quy định.

UBND các tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng tập trung kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu và kinh doanh hàng cấm nhập khẩu. Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật trong kinh doanh và công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn.

Xét báo cáo và kiến nghị của Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng giao các Bộ: Công Thương, Công an, Tài chính căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao để xử lý các kiến nghị trên theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp tỉnh, cơ quan chức năng tập trung triển khai thực hiện; bảo đảm quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu, mua bán các loại hàng hóa thuộc diện cấm nhập khẩu, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

TTXVN/Tin Tức
Ngăn chặn nhập “rác thải” công nghệ
Ngăn chặn nhập “rác thải” công nghệ

Thời gian qua, việc nhập khẩu máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát khiến Việt Nam đang có nguy cơ trở thành “bãi rác” công nghệ của các nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN