Dù đã có quy định trước đó, nhưng các loại máy móc hết hạn sử dụng (date) vẫn tràn vào trong nước vì những “chiêu” lách luật của nhiều doanh nghiệp.
Khó quản lý
Rất nhiều vi phạm về nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng bị phát hiện và xử lý thời gian qua.
Mới đây, các cơ quan chức năng đã bắt được hai xe tải chở thiết bị máy, động cơ điện đã qua sử dụng của Công ty TNHH một thành viên Dũng Phương (cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn), đang trên đường vận chuyển từ Lạng Sơn về Bắc Ninh. Hai xe tải này chở một lượng lớn động cơ điện, máy móc thiết bị và tời kéo ngang đã qua sử dụng. Lô hàng này đã được được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy phép nhập khẩu và mở tờ khai hải quan tại cửa khẩu Hữu Nghị; tuy nhiên, khi lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra thì phát hiện công ty này đã nhập khẩu nhiều chủng loại máy móc, thiết bị, động cơ cũ không còn giá trị sử dụng, phần lớn đều sai về chủng loại và nguồn gốc sản xuất so với giấy tờ đăng ký. Nhiều mặt hàng không có nhãn mác, đa phần là hàng thải công nghiệp của Trung Quốc.
Sử dụng máy móc, trang thiết bị mới, hiện đại sẽ giúp doanh nghiệp có nhiều sản phẩm tốt, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. |
Trước đó, cũng đã có nhiều vụ nhập máy móc, thiết bị y tế hết date đã bị phát hiện và xử lý thời gian qua, khiến nhiều người lo ngại về tình trạng các nước lân cận tuồn “rác thải” công nghệ lạc hậu vào Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp vì muốn giảm chi phí đầu tư còn tìm cách “lách” luật để có thể nhập khẩu các loại máy móc, dây chuyền công nghệ đã quá cũ, không đảm bảo chất lượng với chi phí rẻ (như máy móc cũ của Trung Quốc) nhưng khi mang về nước hiệu quả sử dụng không cao, thường xuyên hỏng hóc, thậm chí còn phải phá dỡ thành phế liệu.
Theo một chuyên gia cho biết, nếu là máy móc đã qua sử dụng của một số nước phát triển như Đức, Nhật Bản, thì về Việt Nam vẫn còn giá trị sử dụng cao. Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp đã tự hại mình khi “tham rẻ” nhập các loại máy móc, thiết bị của Trung Quốc, thường gặp phải máy móc cũ đã được tân trang lại. Như trường hợp một doanh nghiệp nhập thiết bị giải nhiệt gió của Trung Quốc rẻ hơn khoảng hơn 100 triệu đồng so với hàng liên doanh hoặc của các nước tiên tiến. Tuy nhiên, khi lắp đặt sử dụng, thì chưa hết bảo hành thiết bị này đã bị hỏng hóc liên tục; trong năm đầu đã phải bảo dưỡng 2 lần, mất hơn 50 triệu đồng; đặc biệt do là phải mời chuyên gia từ nước ngoài về mới sửa chữa được, gây tốn kém rất lớn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất.
Theo TS Nguyễn Khắc Kinh, Chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam: “Việc sử dụng máy móc, thiết bị cũ không chỉ gây tổn hại kinh tế của doanh nghiệp, mà còn là tác nhân gây ô nhiễm môi trường, vì máy móc đã bị các nước thải loại thường còn ít giá trị sử dụng, nên sẽ thải ra nhiều phế phẩm, chất độc hại. Để xử lý các chất thải đó đúng quy trình sẽ rất tốn kém nên nhiều doanh nghiệp thường trốn xử lý gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường”.
Tăng cường kiểm soát
Theo ông Đỗ Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ KH&CN, trên thực tế nhiều máy móc thiết bị dây chuyền công nghệ, tuy đã qua sử dụng nhưng vẫn có thể sử dụng để sản xuất và kinh doanh hiệu quả trong điều kiện các doanh nghiệp Việt Nam còn có khó khăn về vốn đầu tư. Chính vì vậy, Bộ KH&CN đã phối hợp với các bộ, ngành, triển khai xây dựng Thông tư 23 thay cho thông tư 20 trước đó, nhằm quản lý nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng để vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhưng vẫn ngăn chặn được việc nhập khẩu các máy móc thiết bị dây truyền công nghệ lạc hậu vào Việt Nam.
Trước đó, đã có Thông tư 20 quy định việc nhập khẩu các máy móc thiết bị dây truyền công nghệ đã qua sử dụng với các quy định: tuổi máy móc, thiết bị không quá 5 năm, chất lượng còn lại phải trên 80%. Tuy nhiên do gặp phải nhiều ý kiến trái chiều của một số doanh nghiệp nên Thông tư này đã phải tạm dừng. Trong Thông tư 23 vừa ban hành có “nới” rộng một chút về quy định điều kiện tuổi thiết bị lên không vượt quá 10 năm; tuy nhiên lại quy định chặt hơn về chất lượng khi máy móc, thiết bị đó phải được sản xuất theo tiêu chuẩn phù hợp với quy định của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia (QCVN) hoặc Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN) hoặc phù hợp với Tiêu chuẩn của các nước G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
“Quy định tiêu chí về áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn khi sản xuất thiết bị, sẽ giải quyết được một số ý kiến lo ngại có thể để lọt máy móc, thiết bị đã qua sử dụng từ Trung Quốc kém chất lượng nhưng vẫn đáp ứng về thời gian dưới 10 năm”, ông Nam cho biết.
Theo Bộ KH&CN, để kiểm soát chặt hơn, tránh để lọt các máy móc, thiết bị đã quá cũ, tại các cửa khẩu, doanh nghiệp phải nộp giấy xác nhận của chính nhà sản xuất hoặc chứng thư giám định của tổ chức giám định. Tổ chức giám định sẽ xem xét hồ sơ giấy tờ kỹ thuật của thiết bị, đối chiếu tiêu chuẩn sản xuất với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn các nước G7 để ra quyết định có cho nhập khẩu hay không.
Bộ trưởng Nguyễn Quân khuyến cáo, các doanh nghiệp hãy cân nhắc trước khi nhập thiết bị đã qua sử dụng. Nếu dùng máy cũ sẽ không thể tạo ra sản phẩm mới có chất lượng tốt, giá thành hợp lý. Khi đó việc nhập thiết bị cũ chính là doanh nghiệp đang tự hại mình. Chúng ta nên nhập thiết bị mới của các nước phát triển mới có được các sản phẩm tiên tiến, chất lượng tốt, có như vậy mới đủ sức cạnh tranh trong điều kiện Việt Nam sẽ hội nhập sâu, tham gia các hiệp định thương mại tự do và TPP.