Xét xử vụ án vi phạm quy định về đấu thầu tại Sở Y tế Quảng Ninh

Ngày 23/10, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã xét xử sơ thẩm 16 bị cáo trong vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Sở Y tế Quảng Ninh. Thẩm phán Đặng Phúc Lâm làm chủ tọa phiên tòa.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phân công Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án; chuyển Cục Thi hành án dân sự tỉnh số tiền thu giữ trong vụ án để phục vụ việc xét xử.

Chú thích ảnh
Đại diện Viện Kiểm sát đọc cáo trạng tại phiên tòa. 

Cáo trạng xác định, Nguyễn Thị Thanh Nhàn là người thành lập, xây dựng và điều hành toàn bộ hoạt động của Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế AIC (Công ty AIC), các công ty thành viên và công ty do Nhàn thành lập để phục vụ cho việc đấu thầu. Quá trình tham gia dự thầu 6 gói thầu mua sắm trang thiết bị thuộc Dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị cho Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ninh, Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC) với vai trò chủ mưu, đứng đầu chỉ đạo và trực tiếp thực hiện các hành vi vi phạm quy định về đấu thầu.

Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã chỉ đạo Trương Thị Xuân Loan, Trưởng Ban Quản lý dự án 3 (Công ty AIC) thực hiện hành vi thông thầu với chủ đầu tư là Sở Y tế Quảng Ninh; chỉ đạo Đỗ Văn Sơn, Kế toán trưởng (Công ty AIC) thực hiện hành vi gian lận; giao Nguyễn Hồng Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC và Trương Thị Xuân Loan chỉ đạo, điều hành nhân viên lập hồ sơ “quân đỏ”, “quân xanh”; giao Nguyễn Thị Thu Phương, Trưởng bộ phận Thư ký tài chính (Công ty AIC) chỉ đạo, điều hành các công ty do Nhàn thành lập thực hiện thỏa thuận liên danh dự thầu, lập hồ sơ dự thầu làm “quân xanh” để Công ty AIC tham gia dự thầu. Công ty AIC trúng 4 gói thầu, Công ty Cổ phần Mopha trúng hai gói thầu mua sắm trang thiết bị Bệnh viện Sản - Nhi với tổng giá trị hơn 232 tỷ đồng. Nguyễn Thị Thanh Nhàn và các đồng phạm gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 50,6 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Thị Quyên, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn định giá Cimeico (Công ty Cimeico) được nhờ thẩm định giá tài sản để Sở Y tế Quảng Ninh làm cơ sở lập dự toán thực hiện mua sắm trang thiết bị. Quyên đã lập chứng thư thẩm định giá đối với danh mục 44 loại thiết bị y tế cần thẩm định không đúng quy định của pháp luật. Sau đó, Quyên gửi các chứng thư thẩm định giá cho cơ quan chuyên môn của tỉnh Quảng Ninh để hoàn thiện hồ sơ. Tại Cơ quan điều tra, Nguyễn Thị Quyên đã khai nhận hành vi phạm tội. Cáo trạng nhận định, Nguyễn Thị Quyên đã thông đồng, sử dụng báo giá do chủ đầu tư cung cấp, phát hành chứng thư thẩm định giá gói thầu số 7 không đúng tiêu chuẩn thẩm định giá, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền 26,7 tỷ đồng.

Để Công ty AIC trúng thầu còn có sự giúp sức của các bị cáo thuộc Công ty AIC và các công ty có liên quan; bên cạnh đó là hành vi tạo điều kiện của các bị cáo thuộc Sở Y tế Quảng Ninh và hành vi thiếu trách nhiệm của các bị cáo thuộc cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình thực hiện kế hoạch đấu thầu. Trong đó, bị cáo Lương Văn Tám, Giám đốc Ban Quản lý dự án (Sở Y tế Quảng Ninh) trực tiếp điều hành lĩnh vực tài chính - kế toán, vì thiếu trách nhiệm chưa thực hiện đầy đủ nhiệm vụ; tin tưởng cấp dưới nên ký hợp đồng, thanh lý, quyết toán việc cấp chứng thư thẩm định giá các gói thầu mà không yêu cầu phải có báo cáo kết quả thẩm định giá; chấp nhận kết quả thẩm định giá không có căn cứ, dẫn đến việc xác định giá gói thầu không đúng thực tế, gây thiệt hại cho Nhà nước tại 6 gói thầu với số tiền hơn 50,6 tỷ đồng.

Trong vụ án xảy ra tại Sở Y tế Quảng Ninh, quá trình điều tra xác định, nguyên Trưởng Phòng Kế hoạch - Đầu tư Phạm Trọng Hiệu cùng cấp phó là Nguyễn Đức Quang có vai trò quan trọng, là đầu mối, trực tiếp tham mưu cho lãnh đạo Sở Y tế Quảng Ninh quyết định mọi vấn đề của dự án. Tuy nhiên, ông Hiệu và Quang đã chết nên không xem xét trách nhiệm hình sự. Một số nguyên lãnh đạo Sở Y tế, Sở Tài chính Quảng Ninh, cán bộ có liên quan đến dự án nhưng không có yếu tố vụ lợi. Vì vậy, không có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự.

Theo kết luận điều tra, nguyên Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh Nguyễn Quốc Hùng là người đại diện đơn vị sử dụng tài sản, là thành viên tổ chuyên gia; tuy nhiên, ông Hùng không tham gia lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu vì không có chuyên môn. Quá trình điều tra, Bộ Công an xác định, ông Hùng và 14 thành viên ký biên bản thông qua danh mục trang thiết bị điều chỉnh, bổ sung về số lượng so với quyết định đã được phê duyệt trước đó thực tế không có chuyên môn về thiết bị, chỉ ký với mong muốn bệnh viện mua được thiết bị mới để đưa vào sử dụng. Kết luận điều tra không tìm thấy căn cứ chứng minh ông Hùng và những thành viên trong Hội đồng có hành vi thông đồng với nhà thầu, vụ lợi cá nhân. Do đó, không có căn cứ xử lý hình sự với ông Nguyễn Quốc Hùng.

Quá trình điều tra, bị cáo Đỗ Văn Sơn bỏ trốn, đến ngày 22/6/2023 ra đầu thú và thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội; tích cực hợp tác trong quá trình giải quyết vụ án; tích cực vận động gia đình nộp số tiền 50 triệu đồng để khắc phục hậu quả nên được xem xét khi quyết định hình phạt. Nguyễn Thị Thu Phương bỏ trốn và bị truy nã, đến ngày 28/7/2023 ra đầu thú nhưng quá trình điều tra, bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội.

Các bị cáo trong vụ án đã khắc phục hậu quả với số tiền hơn 700 triệu đồng.

Trong vụ án này, ngoài Nguyễn Thị Thanh Nhàn còn có ba bị cáo khác đang bỏ trốn, gây khó khăn cho việc xét xử vụ án gồm: Nguyễn Hồng Sơn, cựu Phó tổng Giám đốc AIC; Trương Thị Xuân Loan, Trưởng Ban Quản lý dự án 3 thuộc AIC và Nguyễn Thị Tích, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mopha. Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã quyết định truy nã, phát thư kêu gọi ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước; đồng thời, áp dụng đầy đủ các biện pháp để đảm bảo thực hiện quyền bào chữa theo quy định; trường hợp không ra đầu thú coi như từ bỏ quyền bào chữa và bị truy tố, xét xử.

Cuối năm 2022, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội xác định, Nguyễn Thị Thanh Nhàn là chủ mưu vụ án "Vi phạm quy định đấu thầu, đưa nhận hối lộ" xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và tuyên phạt 30 năm tù. Đến giữa tháng 4/2023, Nguyễn Thị Thanh Nhàn tiếp tục bị Bộ Công an khởi tố trong vụ án mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm Công nghệ sinh học Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là vụ án thứ ba bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị điều tra liên quan đến đấu thầu. Các bị cáo Nguyễn Thị Tích (cựu Trưởng phòng Hồ sơ pháp chế của Công ty AIC, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mopha) bị tuyên án 4 năm tù; Đỗ Văn Sơn (cựu Kế toán trưởng Công ty AIC) bị tuyên án 6 năm tù cùng về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai.

Phiên tòa dự kiến diễn ra từ 23 - 25/10. Đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận và xã hội quan tâm.

Tin, ảnh: Đức Hiếu (TTXVN)
Bắt tạm giam các bị can trong vụ án tại Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh, Công ty AIC
Bắt tạm giam các bị can trong vụ án tại Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh, Công ty AIC

Thông tin từ Bộ Công an ngày 22/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu) đã khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Ban Quản lý dự án Công trình xây dựng Y tế thuộc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh, Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (Công ty AIC) và các đơn vị liên quan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN