Xét xử phúc thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Trương Mỹ Lan cam kết khắc phục hậu quả

Ngày 14/4, phiên tòa xét xử phúc thẩm giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (Ngân hàng SCB) kết thúc phần tranh tụng và cho phép các bị cáo được nói lời sau cùng trước khi bước vào phần nghị án của Hội đồng Xét xử.

Chú thích ảnh
Bị cáo Trương Mỹ Lan.

Bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) là người đầu tiên nói lời sau cùng. Trải qua phiên tòa thứ 4 của 2 giai đoạn vụ án, bị cáo Lan dành nhiều thời gian để cảm ơn Hội đồng xét xử, chủ tọa phiên tòa đã điều hành rất khoa học, lắng nghe, thấu hiểu các bị cáo; gửi lời cảm ơn tới Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, cơ sở giam giữ... đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho bị cáo trong quá trình giải quyết vụ án.

Lan cũng biết ơn Chính phủ đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về tổ chức thi hành án, thu hồi tài sản trong vụ án Vạn Thịnh Phát và cho rằng quyết định trên rất có ý nghĩa đối với bị cáo. Lan cũng gửi lời xin lỗi tới người dân có liên quan đã mua trái phiếu doanh nghiệp đã vất vả 2 năm nay và cam kết không để họ bị thiệt hại.

Nói về vụ án, Trương Mỹ Lan một lần nữa thỉnh cầu Hội đồng Xét xử xem xét lại khách quan, toàn diện vụ án về số liệu, hành vi phạm tội. Từ những nỗ lực khắc phục hậu quả, bị cáo Lan xin Hội đồng Xét xử giảm nhẹ, giảm sâu hình phạt cho các bị cáo trong vụ án. Trong đó, Lan đặc biệt mong Hội đồng Xét xử giảm án cho bị cáo Chu Lập Cơ (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Times Square, chồng của Trương Mỹ Lan) vì Cơ bị xét xử về tội “Rửa tiền” nên uy tín, đối với các đối tác nước ngoài đã bị ảnh hưởng.

Lan cho biết, hậu quả xảy ra trong vụ án “là ngoài mong muốn, là một tai nạn”. Trong suốt hơn 10 năm tham gia tái cơ cấu Ngân hàng SCB và từ lúc bị tạm giam tới nay, bị cáo đã tìm cách liên hệ với đối tác để có phương án giải quyết tốt nhất... Vì vậy, Lan xin Hội đồng Xét xử ghi nhận nỗ lực và xem xét đánh giá tổng thể để có mức hình phạt phù hợp với bị cáo.

Trước thông tin này, chủ tọa phiên tòa cho biết, trong suốt quá trình diễn ra phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng Xét xử đánh giá cao bị cáo Lan đã rất nỗ lực hợp tác để khắc phục hậu quả cho các bị hại. Hiện Thủ tướng đã ký quyết định thành lập và cử Phó Thủ tướng Thường trực làm trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về tổ chức thi hành án, thu hồi tài sản trong vụ án Vạn Thịnh Phát nên trong thời gian thi hành án, bị cáo có thể liên hệ cơ quan có thẩm quyền để đưa ra phương án tốt nhất để bồi thường, khắc phục hậu quả vụ án. Nếu quá trình thi hành án, bị cáo có thiện chí khắc phục thì sẽ có chính sách xem xét lại theo hướng có lợi cho bị cáo.

Khi nói lời sau cùng, bị cáo Trương Huệ Vân (cựu Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn quản lý bất động sản Windsor - WMC, cháu ruột bị cáo Trương Mỹ Lan) gửi lời cảm ơn chân thành đến các luật sư đồng hành, báo chí theo dõi sát sao phiên tòa... Bị cáo Vân cho rằng đây là một vụ án đặc biệt, có tính chất và hậu quả nghiêm trọng nên rất mong muốn có một cơ chế đặc biệt, linh hoạt để giải quyết triệt để hậu quả, nhằm bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan. Bị cáo mong Hội đồng Xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt để bị cáo sớm được trở về với gia đình, chăm sóc hai con.

Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) trình bày, bị cáo làm công hưởng lương, làm việc theo sự phân công của cấp trên; những sai phạm của bị cáo xuất phát từ quá trình tham gia đề án tái cơ cấu Ngân hàng SCB. Văn cho biết, trong suốt thời gian qua, bị cáo luôn tự nhìn lại nhân phẩm, đạo đức của chính mình và những điều đó giúp bị cáo có sự ăn năn hối cải, nên Văn xin Hội đồng Xét xử cho bị cáo và các bị cáo khác không bị cách ly quá lâu với xã hội bởi vì bị cáo còn trách nhiệm với gia đình. Văn cũng xin hội đồng Xét xử tạo điều kiện cho Trương Mỹ Lan cùng các bị cáo khác có cơ hội làm lại...

Các bị cáo còn lại khi nói lời sau cùng đều xin Hội đồng Xét xử giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về với gia đình, có cơ hội chăm con, phụng dưỡng cha mẹ già.

Sau khi nghe các bị cáo nói lời sau cùng, phiên tòa tạm nghỉ. Hội đồng Xét xử thông báo nghị án kéo dài đến ngày 21/4 sẽ tuyên án.

Trước đó, trong phiên sơ thẩm giai đoạn 2 của vụ án, bị cáo Trương Mỹ Lan bị Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phạt tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (hơn 30.000 tỷ đồng), 12 năm tù tội “Rửa tiền” (hơn 445.000 tỷ đồng), 8 năm tù tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” (hơn 106.000 tỷ đồng); tổng hợp hình phạt mà bị cáo Lan phải lãnh là án chung thân. Đồng thời, tòa buộc bị cáo Lan bồi thường hơn 30.000 tỷ đồng, tương ứng với mỗi trái phiếu doanh nghiệp có mệnh giá 100.000 đồng, cho hơn 35.000 người dân.

Tại phiên phúc thẩm giai đoạn 2, Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, cấp sơ thẩm xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan ở cả 3 tội danh trên là đúng người, đúng tội, không oan sai. Tuy nhiên, xét tình tiết giảm nhẹ, đại diện Viện Kiểm sát Cấp cao cho biết hiện bị cáo Lan đã thực hiện khắc phục được khoảng 1/4 số tiền liên quan đến hành vi lừa đảo trái phiếu, vì vậy có thể cân nhắc giảm nhẹ hình phạt chung thân đối với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tin, ảnh: Hồng Giang (TTXVN)
Xét xử phúc thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Tạm dừng phiên tòa để làm rõ các khoản tiền liên quan
Xét xử phúc thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Tạm dừng phiên tòa để làm rõ các khoản tiền liên quan

Ngày 9/4, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tiếp tục phiên tòa xét xử phúc thẩm giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (Ngân hàng SCB) với phần xét hỏi bổ sung của Hội đồng xét xử cùng phần tranh luận, bào chữa của luật sư và các bị cáo. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN