Vụ trục lợi tiền quỹ bảo hiểm: Hội đồng xét xử bác đơn kháng cáo của Tô Thanh Huyền

Ngày 27/12, TAND tỉnh Hòa Bình mở phiên tòa phúc thẩm xét xử theo đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo trong vụ trục lợi tiền quỹ bảo hiểm.

Ngày 27/12, Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình mở phiên tòa phúc thẩm xét xử theo đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin được hưởng án treo của các bị cáo Tô Thanh Huyền (sinh năm 1963, nguyên Phó Trưởng khoa Khoa Nội tổng hợp), Nguyễn Thị Thanh Hải (sinh năm 1971, nguyên Trưởng khoa Sơ sinh, Nguyễn Thanh Hường (sinh năm 1980), nguyên Phó Trưởng khoa Khoa Sơ sinh) và Trần Thị Lan Anh (sinh năm 1980, nguyên Điều dưỡng trưởng thuộc Khoa Sơ sinh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình) về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 356, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tại phiên tòa phúc thẩm, sau khi nghiên cứu, xem xét toàn diện nội dung vụ án, Hội đồng xét xử đã bác đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Tô Thanh Huyền. Mặc dù bị cáo đã cung cấp thêm các tình tiết giảm nhẹ mới như: được Bộ Y tế tặng Bằng khen, chồng bị cáo đang bị bệnh hiểm nghèo phải điều trị, cần người chăm sóc. Tuy nhiên, với cương vị là người đứng đầu khoa, bị cáo đã lợi dụng chức vụ của mình, tự lập khống và đồng ý cho các nhân viên làm khống hồ sơ bệnh án để nâng số ngày điều trị, gây thiệt hại cho Bảo hiểm xã hội tỉnh Hòa Bình. Do đó, Hội đồng xét xử không chấp nhận đơn kháng cáo của bị cáo Huyền và giữ nguyên mức hình phạt 15 tháng tù giam như bản án sơ thẩm đã tuyên, được quy định tại khoản 1 Điều 356, Bộ luật hình sự 2015.

Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hải, sửa một phần bản án sơ thẩm, giảm mức hình phạt từ 15 tháng tù giam xuống còn 12 tháng tù giam, được quy định tại khoản 1 Điều 356, Bộ luật hình sự 2015; chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thanh Hường và Trần Thị Lan Anh, sửa một phần bản án sơ thẩm, tuyên phạt Nguyễn Thanh Hường mức án 12 tháng tù, Trần Thị Lan Anh 14 tháng tù, cả hai đều được hưởng án treo, theo quy định tại khoản 1, Điều 356 và áp dụng Điều 56, Bộ luật hình sự 2015. 

Theo bản án sơ thẩm, trong thời gian từ tháng 1-12/2017, các bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình trong việc khám, chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình để bàn bạc, thống nhất lập, nâng khống số ngày điều trị trong các hồ sơ bệnh án nhằm lấy thuốc và vật tư y tế rồi đem bán để chi tiêu cho mục đích cá nhân.

Trong đó, tại Khoa Sơ sinh, Nguyễn Thị Thanh Hải đã chỉ đạo Nguyễn Thanh Hường ra y lệnh kéo dài 214 ngày điều trị của 55 hồ sơ bệnh án đã ra viện, Trần Thị Lan Anh đã lập phiếu chăm sóc với 82 ngày khai khống của 38 hồ sơ bệnh án. Ngoài ra, Trần Thị Lan Anh là người trực tiếp thu gom thuốc mang đi bán cho người khác. Hậu quả là gây thiệt hại cho Bảo hiểm xã hội tỉnh Hòa Bình trên 116 triệu đồng.

Tại Khoa Nội tổng hợp, Tô Thanh Huyền đã trực tiếp lập, nâng khống 7 hồ sơ bệnh án với 74 ngày. Ngoài ra, bị cáo còn ra chỉ định cận lâm sàng và ra y lệnh để cho các đồng phạm là điều dưỡng viên Bùi Thị Diệu Thuần lập, nâng khống 42 ngày trong 4 hồ sơ bệnh án; Nguyễn Thị Thanh Thảo nâng 4 ngày trong 1 hồ sơ bệnh án; Phạm Thị Bắc lập, nâng khống 2 ngày trong một hồ sơ bệnh án; Đồng Thu Hoài lập, nâng khống 14 ngày trong một hồ sơ bệnh án. Sau khi thực hiện hành vi gian dối, Nguyễn Thị Thanh Thảo và Phạm Thị Bắc đã lấy thuốc và trực tiếp mang đi bán cho người khác. Việc làm này đã gây thiệt hại trên 157 triệu đồng cho Bảo hiểm xã hội tỉnh Hòa Bình.

Với hành vi phạm tội nêu trên, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình đã tuyên phạt bị cáo Tô Thanh Huyền 15 tháng tù giam; Nguyễn Thị Thanh Hải 15 tháng tù giam; Nguyễn Thanh Hường 12 tháng tù giam; Trần Thị Lan Anh 14 tháng tù giam. Các bị cáo Nguyễn Thị Thanh Thảo, Phạm Thị Bắc, Bùi Thị Diệu Thuần và Đồng Thu Hoài đều bị tuyên phạt mức án 12 tháng tù nhưng được hưởng án treo.

Cho rằng mức án trên là quá nặng, các bị cáo Tô Thanh Huyền, Nguyễn Thị Thanh Hải, Nguyễn Thanh Hường, Trần Thị Lan Anh đã làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin được hưởng án treo.

Vũ Hà (TTXVN)
Vẫn còn nhiều hình thức trục lợi bảo hiểm y tế
Vẫn còn nhiều hình thức trục lợi bảo hiểm y tế

Tình trạng lạm dụng, sử dụng quá mức cần thiết các dịch vụ y tế, thậm chí là tìm cách trục lợi bảo hiểm y tế (BHYT) vẫn còn diễn ra ở một số cơ sở y tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN