Vụ kiện liên quan đến kịch bản “Ngày xưa” - vở diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam do đạo diễn Việt Tú xây dựng và Tuần Châu là chủ đầu tư.
Trong đơn khởi kiện, Tuần Châu đưa ra 3 yêu cầu gồm: Buộc DS phải chuyển giao quyền chủ sở hữu, quyền tác giả đối với kịch bản vở diễn "Ngày xưa" cho mình; yêu cầu DS phải chấm dứt việc quảng bá, quảng cáo, giới thiệu, viết bài hoặc mọi hoạt động quảng cáo, truyền thông khác liên quan đến việc sử dụng và khai thác vở diễn "Ngày xưa"; buộc DS bồi thường hơn 6 tỷ đồng là khoản tiền Tuần Châu phải bỏ ra để xây dựng vở diễn "Tinh hoa Bắc Bộ" thay thế và tiền thuê luật sư hỗ trợ.
Hội đồng xét xử xác định đối tượng tranh chấp trong vụ việc này liên quan đến vở diễn “Ngày xưa” là đối tượng sở hữu trí tuệ. Tại tòa, DS trình bày chứng cứ lập vi bằng chứng minh kịch bản vở diễn “Ngày xưa” hình thành năm 2010. Tuần Châu không phải là người trực tiếp sáng tạo tác phẩm, đạo diễn Nguyễn Việt Tú là tác giả duy nhất. Theo hợp đồng ký kết giữa hai bên năm 2015, Tuần Châu là chủ sở hữu tác phẩm. Việc DS đăng ký quyền sở hữu tác giả là không đúng. Do đó, Tòa quyết định chấp nhận một phần đơn khởi kiện của Tuần Châu, yêu cầu DS chuyển giao sở hữu kịch bản vở diễn “Ngày xưa” cho Tuần Châu. Ông Nguyễn Việt Tú có các quyền nhân thân như quyền đặt tên tác phẩm, quyền đứng tên tác giả, quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm.
Tòa cho rằng, theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, việc đạo diễn Việt Tú cung cấp một số thông tin cho báo chí về vở diễn không phải là công bố tác phẩm, không ảnh hưởng tới quyền công bố theo hợp đồng nên không xâm phạm quyền sở hữu. Việc Tuần Châu yêu cầu phải chấm dứt hành vi này là không hợp lý và không có căn cứ.
Về khoản yêu cầu DS bồi thường hơn 6 tỷ đồng, Hội đồng xét xử cho rằng, trong Hợp đồng nguyên tắc số 0111, các bên không được chuyển nhượng tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào cho bên thứ ba. Tuần Châu lấy lý do sau các buổi trình diễn vở diễn “Ngày xưa” (sau được gọi là “Thuở ấy xứ Đoài”) không chạm được vào trái tim khán giả để đơn phương chấm dứt hợp đồng, rồi ký kết với Công ty Sen Vàng để xây dựng vở diễn “Tinh hoa Bắc Bộ” thay thế cho vở “Ngày xưa”, Tòa nhận định đây là lựa chọn kinh doanh của Tuần Châu, không phải lỗi của DS. Do đó, Tòa bác yêu cầu buộc DS phải bồi thường hơn 6 tỷ đồng.
Tòa cũng không đồng ý với yêu cầu của Tuần Châu đòi bồi thường hơn 300 triệu đồng là chi phí mời luật sư. Theo Hội đồng xét xử, tại phiên tòa đã làm rõ việc DS đã 2 lần gửi email thông báo cho Tuần Châu trước khi đăng ký quyền tác giả, sở hữu tác phẩm, nhưng phía Tuần Châu không phản hồi. Như vậy, Tuần Châu cũng có một phần lỗi nên Tòa không chấp nhận yêu cầu bồi thường chi phí luật sư.
Đối với yêu cầu phản tố của bị đơn là DS đề nghị chấp nhận vở diễn “Tinh hoa Bắc Bộ” là tác phẩm phái sinh của “Ngày xưa”, đồng thời đề nghị Tuần Châu bồi thường hơn 6,3 tỷ đồng cùng hơn 660 triệu đồng (là các khoản thanh toán lãi chậm trả qua các đợt thanh toán, số tiền 10% doanh thu tiền bán vé…), Tòa đã chấp nhận một phần yêu cầu phản tố này. Cụ thể, Hội đồng xét xử đã căn cứ vào các công văn trả lời của Cục Bản quyền tác giả và trình bày của một số người liên quan từng làm việc với đạo diễn Việt Tú… xác định vở diễn “Tinh hoa Bắc Bộ” và vở diễn “Ngày xưa" có nhiều điểm giống nhau về câu chuyện, trang phục, bối cảnh… “Tinh hoa Bắc Bộ” là vở diễn có sau, sử dụng trang phục, âm thanh… của vở có trước cùng một loại hình nên không được coi là tác phẩm độc lập. Do vậy, Tòa xác định vở diễn “Tinh hoa Bắc Bộ” là tác phẩm phái sinh từ vở “Ngày xưa”.
Về nội dung phản tố yêu cầu bồi thường, Tòa không chấp nhận yêu cầu của DS đòi Tuần Châu bồi thường hơn 6,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, Tòa chấp nhận và tuyên buộc Tuần Châu phải bồi thường những khoản chậm thanh toán và doanh thu 10% từ vở diễn cho DS với tổng số tiền hơn 660 triệu đồng.
Sau khi bản án sơ thẩm tuyên, đạo diễn Việt Tú cho rằng cơ quan tố tụng đã nhận thức tầm quan trọng về quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời khẳng định chưa bao giờ có ý định chiếm đoạt một quyền gì về sở hữu trí tuệ không thuộc về mình. Đối với những yêu cầu phản tố liên quan tới vấn đề tài chính nhưng không được Tòa chấp nhận, đạo diễn Việt Tú cho rằng ông “không quan tâm”. Điều mà ông đi tìm kiếm đó là sự tôn trọng với bản quyền sáng tạo của người nghệ sĩ, đặt ra án lệ cho mọi nghệ sĩ sáng tạo trong nền công nghiệp sáng tạo là phải tôn trọng sự sáng tạo của người khác.
Về phía đại diện Công ty Tuần Châu bày tỏ sự băn khoăn về việc tại sao Tòa lại giải quyết vấn đề tác phẩm phái sinh hay không phái sinh trong vụ án này vì đã có một vụ án khác đang thụ lý giải quyết vấn đề này. Hậu quả của việc tuyên chấp nhận yêu cầu phản tố trong vụ án này có làm chấm dứt vụ án mà Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đang giải quyết hay không? Đối với những yêu cầu không được chấp nhận, đại diện Tuần Châu tại Tòa cho rằng quyền quyết định kháng cáo hay không kháng cáo thuộc về Công ty Tuần Châu.