Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) đang điều tra vụ việc chị P.T.D.H (22 tuổi, quê Long An, tạm trú tại Hà Nội), tử vong sau 2 tháng hôn mê vì phẫu thuật thẩm mỹ tại một cơ sở trên địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội). CQĐT vẫn đang chờ kết quả giám định pháp y để có cơ sở điều tra, kết luận vụ việc cô gái trẻ tử vong sau khi phẫu thuật nâng mũi.
Trường hợp cơ quan điều tra phát hiện cơ sở thẩm mỹ này hoạt động trái phép, gây thiệt mạng cho bệnh nhân, CQĐT sẽ khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại Điều 129 hoặc Điều 315 Bộ luật hình sự (BLHS).
Theo đó, người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính sẽ bị phạt tù từ 1-5 năm; phạm tội làm chết 2 người trở lên sẽ bị phạt tù từ 5-12 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm. Ngoài ra, người vi phạm còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với nạn nhân và gia đình nạn nhân. Đây là trường hợp bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm theo quy định của Bộ luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
“Nếu bác sỹ phẫu thuật, đơn vị cho thuê nhà và những người có liên quan biết đây là hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ chui nhưng vẫn cố tình thực hiện, những người này còn tham gia các khâu, công đoạn trong hoạt động khám chữa bệnh cũng sẽ bị xử lý. Trường hợp cơ sở hoạt động thẩm mỹ có đăng ký hoạt động khám chữa bệnh nhưng việc khám chữa bệnh không đúng thủ tục, bác sỹ không đúng chuyên môn, không có máy móc thiết bị phù hợp, vi phạm quy định về khám chữa bệnh, phía CQĐT sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội Vi phạm quy định về khám chữa bệnh theo Điều 315”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Nhiều ý kiến luật sư cho rằng: Đối với người trực tiếp phẫu thuật thẩm mỹ, không đủ điều kiện hoặc là bác sỹ giả mạo giấy tờ để phẫu thuật thẩm mỹ, tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể xử phạt hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo điểm d khoản 8, Điều 38 Nghị định 117/2020, bác sỹ giả giấy tờ để phẫu thuật thẩm mỹ có thể bị phạt lên tới 40 triệu đồng. Ngoài ra, còn có thể bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 22-24 tháng…
Không chỉ ở Hà Nội, mới đây, tại TP Hồ Chí Minh cũng xảy ra vụ một nữ bệnh nhân tử vong sau khi đi nâng ngực tại một bệnh viện lớn. Nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng cần xem xét, siết chặt hơn nữa công tác quản lý đối với các hoạt động thẩm mỹ, kịp thời phát hiện, xử lý các cơ sở thẩm mỹ hoạt động trái phép, xử lý nghiêm minh các cán bộ buông lỏng quản lý, dung túng cho sai phạm nếu có.
Hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chỉ được thực hiện tại các cơ sở được thành lập hợp pháp, có đầy đủ máy móc thiết bị cần thiết, có bác sỹ phù hợp với chuyên ngành và thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ theo quy định của Luật khám chữa bệnh. Tuy nhiên, đối với người có nhu cầu phẫu thật thẩm mỹ phải tự bảo vệ bản thân mình. Bất kỳ phẫu thuật nào cũng phải do bác sỹ chuyên khoa thực hiện ở những cơ sở y tế được cơ quan quản lý cấp phép, không nên tìm đến những cơ sở y tế không rõ ràng để phẫu thuật. Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng cần siết chặt quản lý các cơ sở này.
Trước đó ngày 14/1/2022, chị P.T.D.H đến cơ sở thẩm mỹ có địa chỉ tại phường Tương Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) phẫu thuật nâng mũi. Theo người thân trong gia đình, sau khi làm phẫu thuật, chị H hôn mê và được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Quá trình điều trị ở Hà Nội không tiến triển, gia đình đã thống nhất đưa chị H về Bệnh viện Đa khoa Long An điều trị. Ngày 16/3, sau hơn 2 tháng trong tình trạng hôn mê, chị H đã tử vong.