Cụ thể, đối với chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh, cá nhân phải chủ động tìm hiểu các quy định pháp luật, kiến thức, kỹ năng cơ bản về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; chủ động liên hệ, phối hợp với Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy; tích cực tham gia các buổi tuyên truyền, huấn luyện về phòng cháy chữa cháy do cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, địa phương tổ chức; thường xuyên tự kiểm tra để kịp thời phát hiện và khắc phục ngay những nguyên nhân, nguy cơ gây cháy, nổ trong phạm vi quản lý của mình; tự giả định tình huống, cách xử lý khi có sự cố về cháy, nổ xảy ra và phổ biến cho thành viên trong gia đình, người làm việc tại cơ sở; tự trang bị các phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại chỗ, thực hiện tốt công tác kiểm tra bảo quản, bảo dưỡng đảm bảo các phương tiện này luôn hoạt động tốt; phải sử dụng thành thạo các trang thiết bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đã trang bị...
Đối với chủ hộ gia đình, cá nhân sử dụng nhà ở riêng lẻ, cần duy trì các biện pháp an toàn phòng cháy chữa cháy. Tài sản, vật tư, chất cháy phải được bố trí, sắp xếp gọn gàng, không cản trở lối và đường thoát nạn, bảo đảm việc sơ tán người và tài sản nhanh chóng, an toàn khi xảy ra cháy; bố trí nơi để chìa khóa, dụng cụ phá dỡ thông thường (búa, rìu, xà beng, kìm cộng lực...) ở nơi dễ thấy, dễ lấy để kịp thời mở cửa khi có sự cố cháy, nổ; không bố trí, sử dụng bình xịt diệt côn trùng tại vị trí sử dụng ngọn lửa trần để đun nấu; khi phát hiện có mùi đặc trưng của khí gas phải giữ nguyên hiện trạng của hệ thống điện (không bật, tắt các công tắc thiết bị tiêu thụ điện vào thời điểm đó), không dùng ngọn lửa trần (bật lửa, diêm, đèn dầu, hương, nến...), sử dụng hệ thống thông gió tự nhiên (mở cửa sổ, tránh làm phát sinh tia lửa) để thoát khí gas, phải khóa ngay van bình và báo cho đại lý cung cấp gần nhất; không sử dụng các bình gas mini đã qua sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Ngoài ra, khi thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã, khi đun nấu phải có người trông coi; trước khi ra khỏi nhà hoặc khi đi ngủ phải kiểm tra, tắt nguồn điện tới các thiết bị tiêu thụ điện không sử dụng; thường xuyên tổ chức kiểm tra, sửa chữa, thay thế các thiết bị điện hư hỏng, không đảm bảo an toàn. Đường dây dẫn điện và các thiết bị điện hư hỏng phải được sửa chữa khắc phục ngay hoặc ngắt nguồn điện đến đường điện hoặc thiết bị không an toàn.
Trong trường hợp người dân sửa chữa, cải tạo nhà ở phải sử dụng thợ hàn đã được cấp chứng chỉ về hàn cắt và giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy chữa cháy; quá trình thi công phải đảm bảo giải pháp ngăn cháy, có biện pháp che chắn không để vảy hàn tiếp xúc với các chất dễ cháy; chuẩn bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy và phải có người giám sát, sẵn sàng chữa cháy trong suốt quá trình hàn cắt và sau khi hàn cắt 30 phút. Đặc biệt, mỗi nhà ở riêng lẻ cần trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy ở mồi tầng phù hợp với quy mô, điều kiện gia đình. Bình chữa cháy phải được bố trí ở nơi dễ thấy, dễ lấy và thuận tiện cho việc sử dụng; khoảng cách di chuyến lớn nhất đến bình chữa cháy không quá 20 m.
Theo báo cáo của Công an TP Hồ Chí Minh, trong 5 tháng qua thành phố xảy ra 25 vụ cháy, giảm 3 vụ so với cùng kỳ, làm chết 9 người, bị thương 1 người, thiệt hại tài sản ước tính khoảng 34 triệu đồng. Đã tiếp nhận và xử lý 16 vụ tai nạn, sự cố có tổ chức cứu nạn, cứu hộ; cứu được 6 người. Ngoài ra, nguyên nhân gây ra cháy nổ chủ yếu do sự cố chập cháy về điện, bất cẩn trong sử dụng nhiệt, điện... và khu vực nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp làm nơi kinh doanh, sản xuất cũng đã xảy ra nhiều vụ cháy thương tâm. Vì vậy, người dân cần nêu cao tinh thần phòng cháy chữa cháy tại các khu vực này, để hạn chế tối đa thiệt hại về người và của.
Để phòng chống cháy nổ, Công an TP Hồ Chí Minh khuyến cáo các hộ gia đình nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp kinh doanh cần đảm bảo và duy trì các điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy; chuẩn bị các phương án thoát nạn và hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình cùng biết; cẩn trọng khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thắp hương thờ cúng…