Thu hồi đất lâm nghiệp bị chiếm trái phép

Ngày 28/2, tại huyện Tuy Đức, UBND tỉnh Đắk Nông đã có buổi đối thoại với hơn 1.000 hộ dân xã Quảng Trực và Đắk Ngo (huyện Tuy Đức) về việc trả lời khiếu nại, kiến nghị liên quan đến các việc: Lợi dụng việc cưỡng chế giải tỏa của Đoàn 12; các công ty chặt phát cây trồng, chiếm đất của người dân; các hộ di cư tự do chiếm đất trái phép...


Hiện nay trên địa bàn xã Quảng Trực và Đắk Ngo thuộc huyện Tuy Đức là điểm “nóng” dân di cư tự do. Do số người trên địa bàn hai xã này ngày một tăng nhanh nên tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật ngày càng diễn biến phức tạp và nghiêm trọng. Tổng số hộ dân xâm canh đất lâm nghiệp trái phép tại xã Quảng Trực và Đắk Ngo là 1.803 hộ, với diện tích bị xâm canh 5.801 ha. Trong đó dân thuộc tỉnh Bình Phước 657 hộ với diện tích xâm canh trái phép là 2.652,9 ha. Thời điểm các đối tượng phá rừng chủ yếu từ năm 2007 đến 2010 khi UBND tỉnh bắt đầu có chủ trương cho các doanh nghiệp thực hiện việc thuê đất để thực hiện dự án nông - lâm nghiệp.


Toàn bộ diện tích của các hộ dân có đơn khiếu kiện nằm trong tiểu khu 1538, 1525, 1521, 1536 và 1537 là đất do Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Quảng Tín quản lý và sử dụng. Sau khi rà soát, kiểm tra, xác minh củng cố hồ sơ lập 216 biên bản về việc lấn chiếm sử dụng đất do phá rừng trái pháp luật, kết luận có đủ căn cứ xác định việc canh tác, trồng cây, dựng lều lán, nhà tạm của các đối tượng trên là trái phép cần phải thu hồi để trồng lại rừng.


Trong buổi đối thoại, các hộ dân thuộc hai xã Quảng Trực và Đắk Ngo đã đặt ra câu hỏi về việc thu hồi đất, bồi thường cây cối, nhà cửa... cũng như việc cưỡng chế, bắt người chưa đúng quy định và bắt tạm giam trên địa bàn liên quan đến đất đai. Ông Nguyễn Đức Luyện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định: “Tất cả các hộ dân trên không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không có quyết định thu hồi đất trên địa bàn trên. Việc giải tỏa các tiểu khu tại Đắk Ngo là đúng quy định pháp luật, Nhà nước thu hồi để bố trí sử dụng đúng mục đích và hiệu quả, góp phần bảo vệ và phát triển vốn rừng, lập lại kỷ cương trong công tác bảo vệ rừng. Các cá nhân, tổ chức nào xâm chiếm đất lâm nghiệp, phá rừng trái phép là vi phạm pháp luật cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, đất xâm chiếm trái phép mà còn đòi Nhà nước đền bù là không đúng. Còn vấn đề các doanh nghiệp lợi dụng tự ý cưỡng chế đốt nhà, chặt cây... là sai. Vì vậy nên phải xác minh, điều tra chứng cứ rõ ràng để xử lý theo quy định của phát luật”.


K’GỬIH

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN