Thật thà và cả tin trước những hành động “chân thành” cùng lời hứa hẹn ngon ngọt, nhiều người dân tại huyện Đồng văn, tỉnh Hà Giang, đã trao hết tài sản của gia đình cho kẻ xấu để rồi rơi vào cảnh lao đao, khi người mình tin tưởng đã cao chạy xa bay không để lại dấu vết. Sự việc đang gây nhiều xáo trộn trong đời sống sinh hoạt và tâm lý của người dân nơi đây.
* Những thủ đoạn tinh vi, tạo niềm tin với người dân Đã gần 20 ngày kể từ khi kẻ xấu bỏ trốn khỏi địa bàn, ẵm theo hàng tỷ đồng tiền vay, khắp nơi trên phố núi huyện Đồng Văn, người dân vẫn chưa ngớt xôn xao. Người mất tiền thì thẫn thờ không tin vào chuyện vừa xảy ra, người may mắn không bị lừa thì bàn tán và tỏ ra bất ngờ bởi những chiêu trò rất tinh vi, khéo léo mà kẻ xấu đã thực hiện. Cuộc sống của nhiều người dân bị xáo trộn và mâu thuẫn, vợ mắng chồng, con trách cha vì đã mang hết tài sản của gia đình đưa cho người lạ. Nhiều người trong số đó còn huy động cả tiền của bạn bè, người thân, để bây giờ không những trắng tay mà còn ôm nợ vào người.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Kẻ làm cho nhiều người phải điêu đứng là Trần Thanh Chuyền, sinh năm 1974, hộ khẩu ở huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Chuyền lên Đồng Văn từ đầu năm 2012, thuê nhà mở cửa hàng cắt tóc, kinh doanh thức ăn gia súc và nuôi lợn thịt. Anh ta rất nhiệt tình, nhanh nhẹn và khéo mồm, hễ ai có việc gì cần là giúp đỡ không công, từ việc sửa máy bơm, ống nước hay lắp đặt đường điện, xây dựng tường rào... Chuyền nhanh chóng được cả thị trấn Đông Văn và khu vực lân cận yêu mến, có người còn coi đó là tấm gương để so sánh với chồng con.
Khi đã tạo được niềm tin, Chuyền bắt đầu lân la hỏi vay tiền với lý do thiếu vốn để nhập hàng. Chuyền rất khéo léo và tỏ ra có uy tín khi một vài lần đầu chỉ vay số tiền ít (từ 5 - 10 triệu đồng) và trả đầy đủ cả gốc lẫn lãi trong thời gian rất ngắn. Thủ đoạn này được áp dụng với tất cả mọi người cho đến khi đã “vét” được tiền tỷ thì Chuyền cao chạy xa bay.
Chị Đào Thị Sinh, 44 tuổi, mở cửa hàng bán nước giải khát ở thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tức tối nói: Tôi thấy nó tử tế, làm ăn chăm chỉ và tốt tính tôi mới cho vay. Những lần trước chỉ vay dăm ba triệu đồng nó trả rất sớm nên tôi mới tin mà đưa hết 30 triệu đồng dành dụm từ lâu cho nó. Ai ngờ nó lại là quân lừa đảo. Có lẽ sau lần này, tôi không thể tin ai được nữa.
Gần 2 tuần nay, ông Phạm Văn Chủng sinh năm 1947, trú tại tổ 4, thị trấn Đồng Văn, như người mất hồn, chẳng thiết ăn uống. Ông đã trót dại cho Chuyền vay 50 triệu đồng để bây giờ hễ ai hỏi thăm ông cũng giơ tờ giấy vay tiền ra như để chứng minh việc ông bị lừa là có thật.
Ông cho biết: Tôi nuôi lợn, nuôi bò, nên thường mua thức ăn gia súc của anh ta. Thi thoảng anh ta lại ghé thăm và còn giúp tôi vài việc gia đình nên tôi thấy tin tưởng. Tôi già rồi, chẳng có tiền đâu, hai đứa con tôi vẫn còn đang học dưới Hà Nội nên tốn kém lắm. Tôi vừa bán hai con bò, dự định gửi cho các cháu trang trải việc học và mua thêm bò giống, nhưng chưa kịp làm thì anh ta đến hỏi vay. Tôi không muốn cho vay đâu nhưng vì anh ta nói vay nóng ít hôm để mua hàng nên tôi đồng ý. Anh ta viết giấy vay và ghi rõ tên tuổi, số chứng minh thư mà. Giờ tôi chẳng biết làm sao, thôi đành trông chờ vào pháp luật vậy.
* Vẫn là thiếu hiểu biết và ham lãiNhiều vụ lừa đảo tiền tỷ đã diễn ra ở khắp nơi và các phương tiện truyền thông cũng từng cảnh báo người dân hãy đề phòng những thủ đoạn tinh vi của kẻ xấu, tuy nhiên thỉnh thoảng lại có thêm một vụ lừa tiền được phanh phui. Một điểm chung trong tất cả các vụ án lừa tiền là thủ đoạn vay tiền với mức lãi suất rất cao nên đã đánh vào tâm lý ham lợi của người dân.
Chị Đào Thị Sinh cũng thừa nhận việc tin tưởng Chuyền chỉ là một lý do, phần nhiều chị muốn có thêm thu nhập từ số tiền lãi được nhận. Chị tâm sự: Vợ chồng tôi không được ăn học nên chẳng có nghề nghiệp ổn định. Tôi mở quán kinh doanh, chồng tôi mua lợn về thịt bán ngay tại nhà, các con còn bé nên cũng muốn kiếm thêm mỗi thứ một chút để lo cho các cháu ăn học. Nếu nó không trả lãi thì tôi đã không cho vay. Dù sao cũng tại mình, coi như đây là bài học để rút kinh nghiệm vậy.
Đối tượng bị Chuyền lừa bao gồm nhiều thành phần, nông dân có, buôn bán nhỏ lẻ ngoài chợ cũng có, thậm chí tầng lớp trí thức như giáo viên và bộ đội cũng lọt… vào bẫy. Số tiền Chuyền lừa được theo ước chừng của những người bị hại tạm thời lên đến hàng tỷ đồng, ai nhiều thì hàng trăm triệu, ít cũng dăm ba triệu, còn trung bình vài chục triệu thì rất nhiều…
Theo Trung tá Nguyễn Hải Quang, Phó Trưởng Công an huyện Đồng Văn, hiện cơ quan công an chưa nhận đơn thư tố cáo của những người bị hại. Sự việc trên Công an huyện Đồng Văn cũng đã cử người đi xác minh, tìm hiểu. Tuy nhiên, nếu không có đơn tố cáo, cơ quan công an không có căn cứ khẳng định đối tượng Chuyền lừa đảo để lập hồ sơ khởi tố.
Cũng theo Trung tá Quang, năm 2008 Trần Thanh Chuyền đã từng bị cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang, khởi tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết các giấy vay tiền hoặc giấy khất nợ do Chuyền viết tay đều khẳng định sẽ thanh toán đầy đủ trước ngày 30/8/2013. Thế nhưng, đúng vào ngày cả nước ăn mừng tết độc lập, nhiều người dân thị trấn Đồng Văn hoang mang khi biết Chuyền đã rời khỏi nơi ở và tắt điện thoại, không ai có thể liên lạc và biết anh ta đang ở đâu. Như vậy, một đối tượng đã có sẵn bản chất lừa đảo, việc anh ta vay tiền của nhiều người rồi “biến mất” trong một thời gian dài không thể coi là chuyện bình thường.
Sự việc xảy ra tại thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn, như một cú sốc lớn cho những ai nhẹ dạ cả tin, người xung quanh thì hoang mang, lo lắng và nhìn người khác bằng ánh mắt nghi ngờ, đề phòng… Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc, xây dựng những phương án giải quyết cụ thể để an lòng dân, đem lại cuộc sống bình yên vốn có cho người dân nơi đây.
Đỗ Bình