Tăng cường quản lý phương tiện, thuyền viên trên đường thủy nội địa

Ngày 1/11, tại Hải Phòng, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) phối hợp tổ chức hội nghị "Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong công tác quản lý phương tiện, thuyền viên góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên đường thủy nội địa".

Chú thích ảnh
Lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy kiểm tra đảm bảo an toàn về kỹ thuật của phương tiện. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho rằng, hiện nay, việc quản lý trên đường thủy có nhiều bất cập, phân cấp, phân quyền khác nhau, phát triển vận tải thủy chủ yếu là tự phát, rủi ro lớn, nhất là tuyến vận tải pha sông biển tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tai nạn. Thứ trưởng Nguyễn Nhật đề nghị, Cục Cảnh sát giao thông, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và Cục Đăng kiểm Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để vận tải thông suốt, giảm chi phí, tăng an toàn giao thông.

Cho rằng, không chỉ “3 không” (gồm không đăng ký; không đăng kiểm; không bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn) trên đường thủy nhiều nơi còn “5 không” bởi có nhiều cảng, bến thủy nội địa không phép, gây nguy cơ mất an toàn giao thông, Đại tá Đỗ Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đề nghị, cần có sự quan tâm hơn nữa của lực lượng chức năng đối với công tác đăng ký, đăng kiểm, có chế tài để người dân sau khi bị xử phạt phải đến đăng ký, đăng kiểm; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tra cứu phương tiện.

Đại tá Đỗ Thanh Bình cũng cho biết, gần đây qua kiểm tra ngẫu nhiên trong 1 giờ trên tuyến sông Hồng khu vực cầu Nhật Tân, Thăng Long cho thấy, trong 22 phương tiện đang lưu thông chỉ có 5 phương tiện đủ điều kiện về đăng kiểm, còn lại 17 phương tiện có vấn đề, trong đó 13 phương tiện hết hạn đăng kiểm. "Theo nhiệm vụ, chúng tôi xử phạt, xử phạt mạnh nhưng cũng băn khoăn: Vi phạm đang ở mức độ nào, cơ chế nào để sau khi xử phạt, người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm bằng cách đi đăng ký, đăng kiểm, thuê người điều khiển đủ điều kiện để điều khiển? Tại sao người chủ sở hữu không chủ động đến với cơ quan quản lý và cơ quan quản lý đã tích cực đến với người dân hay chưa?", Đại tá Đỗ Thanh Bình chia sẻ.

Ông Bùi Quốc Hưng, Phó trưởng Phòng Đăng kiểm tàu sông, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay: Các phương tiện công suất từ 15 tấn đến dưới 200 tấn đăng kiểm đạt 100%. Chiếm tỷ lệ rất lớn là phương tiện từ 5 tấn đến 15 tấn, chở dưới 12 người (chiếm tới gần 70%) nhưng số lượng đăng ký chỉ đạt hơn 63% và chỉ 30% tái đăng kiểm khi đến hạn. Đề nghị tiếp tục xây dựng mẫu định hình mới phù hợp, nghiên cứu phương thức tạo điều kiện cho phương tiện cỡ nhỏ đăng kiểm để khắc phục tình trạng “3 không”.

Giải thích thêm về vấn đề này, ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam chia sẻ, hiện nay, công tác chiêu sinh về đường thủy rất kém, ít học sinh dự thi ngành này, đây là nỗi lo cho chất lượng của cán bộ đăng kiểm sau này. Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam kiến nghị, Bộ Giao thông Vận tải sớm tổng điều tra phương tiện theo chỉ thị của Chính phủ; tăng cường công tác đào tạo, việc tuyên truyền cần tập trung vào trọng điểm; rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, kiến nghị sửa chữa cho phù hợp với thực tế; rà soát lại bộ ngân hàng câu hỏi thi bằng, chứng chỉ chuyên môn theo hướng giảm số liệu, tập trung vào nội dung chính.

Ông Nguyễn Hồng Trường, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Chủ tịch Hội An toàn giao thông Việt Nam cho rằng, cần sớm tổng kiểm tra phương tiện thủy vì số liệu từ năm 2007 đến nay đã quá lạc hậu, không đánh giá được đúng thực trạng. Việc đăng kiểm phải tiến tới thực hiện ngay trong quá trình đóng tàu, nhất là tàu có trọng tải từ 50 tấn trở lên; thống kê lại các cơ sở đóng tàu theo kiểu dân gian, xử lý kiên quyết để phương tiện không an toàn khi vận hành. Việc phân cấp đăng kiểm phân cho địa phương cần tính toán cho phù hợp, phải đúng quy trình, cán bộ có trình độ mới tổ chức thực hiện. “Hàng năm, phải đào tạo được đội ngũ thuyền viên cấp chứng chỉ có trình độ, nếu chỉ học qua mấy tháng cho ra đăng kiểm tàu thuyền thì không ổn”, ông Nguyễn Trường nhấn mạnh.

Ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hiệp hội vận tải thủy Việt Nam nêu kiến nghị, các phương tiện nhỏ nên giao cho cấp xã quản lý cho phù hợp và thuận tiện. Thuyền trưởng miễn việc phải có bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông vì nhiều người không học nhưng có kinh nghiệm thực tế. Việc an toàn trong xếp dỡ ra vào cảng và trên một số luồng tàu quanh co trên kênh rạch hai bên có nhà dân, ở vùng sông Hậu cũng là nguyên nhân dễ và đã từng gây tai nạn trên đường thủy nội địa, mong các ngành quản lý quan tâm xử lý triệt để.

Hạnh Quỳnh (TTXVN)
Tổng điều tra toàn quốc để quản 'chặt' các phương tiện thủy nội địa
Tổng điều tra toàn quốc để quản 'chặt' các phương tiện thủy nội địa

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) vừa đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định về đăng ký phương tiện thủy nội địa; thay thế Thông tư 75 ngày 19/12/2014 của Bộ GTVT, nhằm siết chặt tình trạng phương tiện thủy hoạt động bát nháo hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN