Tạm giam cô giáo tiểu học lừa đảo hàng tỷ đồng

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kon Tum vừa tiến hành khởi tố và bắt tạm giam 4 tháng đối với bà Lê Thị Tân (sinh 1971), là giáo viên Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ thành phố Kon Tum về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.


Bà Lê Thị Tân. Ảnh: Người lao động

Trước đó, thông qua các cuộc hội thảo được tổ chức ở thành phố Kon Tum, huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) và tại tỉnh Gia Lai, chỉ trong 6 tháng (tháng 1-6/2015), bà Tân đã lôi kéo hơn 30 người tham gia vào phần mềm game trí tuệ với 2 phiên bản Hong Kong và Việt Nam. Theo đó, nếu ai tham gia phiên bản Hong Kong thì người chơi chỉ cần đưa tiền trực tiếp cho Tân, sau đó Tân cho một mã tham gia, mỗi mã là 5,5 triệu đồng. Còn phiên bản phần mềm Việt Nam thì đầu tư vào công ty rồi nhận mã, mỗi mã cũng được quy định 5,5 triệu đồng. Mỗi ngày Tân sẽ chuyển 50.000 tiền lãi và trả liên tiếp trong 200 ngày cho cả 2 phiên bản.

Đối với phiên bản Việt Nam, sau khi nhận tiền, Tân cho người nộp một mã số và một mật khẩu để mua bán điểm và lấy tiền. Nếu người chơi giới thiệu được nhiều người thì tiền hoa hồng sẽ tăng (giống kiểu kinh doanh đa cấp). Những người đưa tiền cho Tân bước đầu mỗi ngày đều được Tân trả đúng. Được một vài tháng, việc trả tiền bị ngưng và được Tân giải thích là do công ty ở Hong Kong không cho Tân làm đại diện ở Việt Nam. Bức xúc, một số người đến tìm hỏi thì bị Tân hăm dọa nhưng vì tham gia cờ bạc trên mạng nên không ai dám gửi đơn tố cáo. Say đóm, một số người bị hại đã tìm đến cơ quan điều tra để tố cáo sự việc.

Theo Đại tá Hà Xuân Chung, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Kon Tum: Số người tham gia đầu tư không biết trò chơi đó là gì, chỉ chuyển tiền cho Tân và sau đó hàng ngày nhận lại tiền lãi, không biết game là gì cả. Cơ quan điều tra phải nghiên cứu, xác minh kỹ đây là hành vi lừa đảo hay tội phạm mạng. Qua nghiên cứu kỹ, xác minh tài liệu, gặp hơn 30 người bị hại thì cơ quan điều tra thấy có căn cứ, dấu hiệu của tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Bước đầu thống kê có hơn 30 người tham gia, trong đó có giáo viên, cán bộ công chức và người lao động. Các nạn nhân có ở tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Kiên Giang, Hưng Yên. Tổng số tiền thiệt hại là hơn 7 tỷ. Số tiền này Tân đã chuyển được trên 2 tỷ (mỗi ngày trả tiền 50.000 đồng cho các mã tham gia), còn lại 5,4 tỷ đồng Tân chiếm đoạt. Cũng theo Đại tá Hà Xuân Chung, sau khi khám xét, cơ quan điều tra còn thu được đơn của một số người khác, không nằm trong số hơn 30 người mà cơ quan điều tra biết. Ngoài ra, một số người đến đòi tiền còn bị Tân hăm doạ, không dám gửi đơn cho cơ quan công an. “Đây là lần đầu tiên tỉnh Kon Tum xuất hiện loại tội phạm mới nên cơ quan điều tra làm kỹ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và trao đổi với các cơ quan nghiệp vụ của Bộ Công an. Trong quá trình làm có hoạt động phối hợp với Viện kiểm sát để có căn cứ đánh giá xác thực”, Đại tá Chung cho biết thêm.

Cơ quan điều tra cũng xác minh bà Tân không có tư cách đại diện cho một công ty nào để nhận tiền đầu tư của người chơi game trực tuyến. Chiều 30/10 cơ quan điều tra bắt đầu tiến hành lấy lời khai đối với bà Tân. Được biết, người bị hại nhiều nhất là một cán bộ đang công tác ở huyện Ngọc Hồi với số tiền gần 1 tỷ đồng.

Cao Nguyên (TTXVN)
Bắt 2 giám đốc doanh nghiệp chiếm đoạt tiền ngân hàng
Bắt 2 giám đốc doanh nghiệp chiếm đoạt tiền ngân hàng

Công an tỉnh Cà Mau vừa phối hợp với Bộ Công an bắt tạm giam để điều tra hai giám đốc doanh nghiệp ở Cà Mau liên quan đến việc lập hồ sơ khống để vay tiền, chiếm đoạt của ngân hàng số tiền lớn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN