Tái diễn nạn “hút” vàng trên sông Gâm

Sau một thời gian các cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang "mạnh tay" trấn áp, nạn khai thác trái phép vàng sa khoáng trên một số con sông đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, thời gian gần đây, lợi dụng sự sơ hở của các cơ quan chức năng, các đối tượng khai thác vàng trái phép lại xuất hiện trên sông Gâm (đoạn qua huyện Chiêm Hóa) với những thủ đoạn tinh vi hơn.

Các đối tượng "vàng tặc" còn cử người điều khiển máy hút, ống dẫn ô xy... và canh chừng lực lượng chức năng.


Theo nguồn tin từ nhân dân, chúng tôi tìm đến thôn Bến Mực, xã Trung Hòa, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Đây là khúc sông có nhiều vàng, mấy hôm nay xuất hiện những chiếc tàu lạ không biết từ đâu đến, tiến hành hút cát đãi vàng dưới sông. Những chiếc thuyền nhỏ được trang bị máy hút, "núp bóng" khai thác cát sỏi để khai thác vàng sa khoáng lại tái xuất hiện. Nếu các cơ quan chức năng phát hiện chúng nhanh chóng bỏ chạy.


Từ xa, chúng tôi đã nghe thấy tiếng của những máy nổ đang hoạt động. Dù khu vực mà các đối tượng khai thác vàng trái phép đang khai thác cách trung tâm thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) không xa và đây là thời điểm giữa trưa, nhưng bọn chúng vẫn ngang nhiên hoạt động. Ngay sát bờ sông, một chiếc thuyền đang hút, sàng, đãi vàng sa khoáng. Đây là thời điểm Nhà máy thủy điện Chiêm Hóa không xả nước, nên mực nước sông xuống rất thấp. Để việc khai thác có hiệu quả, các đối tượng này sử dụng những chiếc thuyền nhỏ, có trang bị các máy nổ công suất lớn đảm nhận nhiệm vụ hút cát, bùn.

 

Mặt khác, để việc hút cát, bùn diễn ra chính xác thì dưới sông có 2 thợ lặn có trang bị đầy đủ bình ôxy, áo lặn thay nhau đưa ống hút đến vị trí thích hợp dưới lòng sông để hút cát, bùn lên. Trên thuyền có 3 đối tượng phụ trách máy móc và canh chừng, trường hợp có người phát hiện sẽ nhanh chóng nhổ neo để bỏ chạy. Theo quan sát của chúng tôi, bùn dưới lòng sông, sau khi được máy nổ hút lên sẽ được đưa trực tiếp vào một máng đãi. Vàng nặng sẽ được giữ lại ở bàn đãi, còn bùn và sỏi được xả thẳng xuống sông.


Nhìn từ xa, những chiếc thuyền này đều giống với những thuyền dùng để khai thác cát. Trong lúc đang ghi hình, một trong số các đối tượng khai thác vàng trái phép đã phát hiện có người ghi hình, nên ngay lập tức chúng nhanh chóng tắt máy, nhổ neo bỏ chạy về phía hạ lưu.


Được biết, trước đây việc khai thác vàng sa khoáng được các đối tượng khai thác vàng trái phép dùng những chiếc tàu cuốc "núp bóng" khai thác cát sỏi. Nhưng từ khi tỉnh Tuyên Quang có Thông báo số 33/TB-UBND yêu cầu dừng ngay và không sử dụng các phương tiện khai thác bằng tàu cuốc trên địa bàn tỉnh từ ngày 1/7/2011, bọn chúng đã chuyển sang sử dụng tàu hút, với tính cơ động cao đã gây khó khăn cho các cơ quan chức năng.


Để tăng cường công tác quản lý khoáng sản, UBND huyện Chiêm Hóa đã thực hiện nhiều giải pháp, bên cạnh việc thành lập tổ liên ngành để tăng cường kiểm tra xử lý, sự vào cuộc của lực lượng công an, còn có việc gắn trách nhiệm trực tiếp đối với Chủ tịch UBND xã nếu để xảy ra việc khai thác trái phép khoáng sản trên địa bàn mình quản lý, nhờ vậy mà tình hình đã tạm thời lắng xuống.


Ông Đồng Văn Hà - Phó trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Chiêm Hóa, cho biết: Khu vực trên thuộc phạm vi được UBND tỉnh Tuyên Quang cấp phép khai thác cát sỏi cho Hợp tác xã Sửu Hùng. Để tăng cường công tác kiểm tra, quản lý khoáng sản, huyện đã thành lập 3 tổ công tác liên ngành thường xuyên đóng chốt tại các điểm nóng. Vào tháng 3/2013, Công an huyện Chiêm Hóa cũng đã lập biên bản xử lý trường hợp ông Nguyễn Văn Ngôn, xã Phú Bình vì đã có hành vi khai thác trái phép khoáng sản, sau đó UBND tỉnh Tuyên Quang đã xử phạt 70 triệu đồng. Trước hiện tượng tái diễn nạn khai thác khoáng sản trái phép, Phòng Tài nguyên Môi trường huyện sẽ huy động ngay lực lượng của tổ công tác liên ngành của huyện xuống giải quyết triệt để tình trạng trên.


Bài và ảnh: Nguyễn Văn Tý

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN