Siêu lừa Lê Quốc Thụy và lời dọa "cướp phạm" tại sân bay Nga


Trong thời gian chờ chuyến bay nối tiếp về Việt Nam, đối tượng Thụy được các Cảnh sát Nga, đặc biệt là Interpol Moskva chăm sóc "đặc biệt". Đến chuyến bay nối tiếp về Việt Nam, các Cảnh sát Nga lại áp giải nghiêm ngặt Lê Quốc Thụy lên đến tận cửa máy bay. Máy bay cất cánh khỏi mặt đất, Đoàn công tác Việt Nam thở phào nhẹ nhõm.

Trong 3 năm (1991-1993), lợi dụng chức vụ Phó Chủ nhiệm kỹ thuật của một đơn vị ở Hà Nội, đối tượng Lê Quốc Thụy, 52 tuổi, trú tại Hà Nội đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều cá nhân, tổ chức thuộc Bộ Quốc phòng. Với số tiền lừa đảo được lên đến khoảng 35.000 USD, vào thời điểm đó, đã gây chấn động dư luận. Đặc biệt, sau khi tiến hành hàng loạt các phi vụ lừa đảo, tháng 10/1996, khi Thụy được cử đi công tác, đã bỏ trốn ở Liên bang Nga. Tháng 3/2004, cơ quan điều tra hình sự - Bộ Quốc phòng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Quốc Thụy và ra quyết định truy nã đối tượng với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an cũng phát Lệnh truy nã số 86/LTN và đề nghị Interpol Việt Nam phối hợp truy nã quốc tế.

Nhận bàn giao đối tượng Lê Quốc Thụy từ Cảnh sát Bulgari.

Tháng 8/2004, Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế đã ban hành Lệnh truy nã quốc tế số A-1230/8-2004 theo đề nghị của Interpol Việt Nam. Bên cạnh đó, Văn phòng Interpol Việt Nam đã trực tiếp đề nghị cảnh sát một số quốc gia phối hợp truy bắt đối tượng…


Ngày 12/4/2005, cảnh sát Bulgary đã phát hiện Lê Quốc Thụy chạy trốn đến thành phố Sofia - Bulgary. Theo thông báo của Interpol Sofia, Tòa án Sofia đã chính thức ra lệnh bắt giữ đối với Lê Quốc Thụy nhằm mục đích trả về Việt Nam trong thời gian 30 ngày (kể từ ngày 12/4/2005).


Để có căn cứ đề nghị Tòa án Sofia ra quyết định trục xuất đối tượng về Việt Nam, các cơ quan chức năng của Bulgary đề nghị phía Việt Nam nhanh chóng hoàn thành các thủ tục pháp lý liên quan theo những quy định trong Hiệp định tương trợ tư pháp mà 2 nước đã ký kết năm 1987 (bao gồm: văn bản yêu cầu dẫn độ, lệnh bắt giữ, bản tóm tắt hành vi phạm tội, trích điều luật áp dụng…) sau đó gửi cho Văn phòng Công tố Tối cao của Sofia theo đường ngoại giao. Hạn chậm nhất phía Bulgary yêu cầu phía Việt Nam phải gửi toàn bộ hồ sơ tài liệu đề nghị dẫn độ là vào ngày 11/5/2005.


Theo đúng kế hoạch, phiên tòa xét xử đối tượng Lê Quốc Thụy theo yêu cầu của phía Việt Nam đã được mở vào hồi 13h ngày 6/3/2006 (theo giờ của Bulgary). Phiên tòa đã diễn ra trong khoảng thời gian 30 phút với sự tham gia của đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Bulgary. Trong phiên toà này, do phía Việt Nam kịp thời cung cấp bổ sung những tài liệu có liên quan đến vụ việc này cho phía Bulgary nên các luật sư bào chữa của Lê Quốc Thụy không đề cập đến vấn đề thẩm quyền ký lệnh bắt giữ của các cơ quan thi hành pháp luật Việt Nam cũng như không đệ trình các tài liệu liên quan đến nhân thân và chức vụ của Lê Quốc Thụy lên tòa án để yêu cầu bác bỏ quyết định trục xuất của Tòa án Bulgary. Tuy nhiên, các luật sư của Lê Quốc Thụy lại tiếp tục dựa vào lý do hành vi phạm tội của Lê Quốc Thụy tại Việt Nam có thể được ân xá để yêu cầu phía Việt Nam bổ sung thêm tài liệu về Luật Ân xá của Việt Nam. Theo đề nghị của luật sư bào chữa, Tòa án Bulgary đã quyết định hoãn phiên toà xét xử tiếp theo đến ngày 6/5/2006. Và một lần nữa, Văn phòng Interpol Việt Nam lại tiếp tục cập nhật thông tin và bổ sung các tài liệu theo yêu cầu của Tòa án Bulgary.


Sau một thời gian xem xét yêu cầu dẫn độ cũng như những tài liệu chứng cứ do phía Việt Nam cung cấp, Tòa án phúc thẩm của Bulgary đã ra quyết định dẫn độ đối tượng Lê Quốc Thụy về Việt Nam và đề nghị các cơ quan thi hành pháp luật của Việt Nam cử cán bộ sang Bulgary dẫn giải đối tượng trong tháng 8/2006.


Nếu như chuyến dẫn độ đối tượng người Mỹ, gốc Hồng Kông Hồ Lai Căng là chuyến dẫn độ đối tượng phạm tội đầu tiên từ Việt Nam ra nước ngoài bàn giao của Cảnh sát Việt Nam thì trong vụ này, đây là lần đầu tiên đoàn công tác của Việt Nam sang nước ngoài dẫn độ đối tượng phạm tội về Việt Nam theo đúng quy định về hoạt động dẫn độ tội phạm.


Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an và lãnh đạo Bộ Quốc phòng, tháng 8/2006, Văn phòng Interpol phối hợp với Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng cử cán bộ sang Bulgary để dẫn độ đối tượng về Việt Nam. Lần đó, sỹ quan trẻ Nguyễn Anh Tuấn, hiện là Đại úy, Phó trưởng Phòng 2 của Văn phòng Interpol Việt Nam được giao trọng trách đi cùng đoàn công tác. Vì lý do giữa Việt Nam và Bungary chưa có chuyến bay thẳng nên đoàn công tác phải đi qua Nga. Do vậy, Văn phòng Interpol đã chỉ đạo đoàn công tác phải đi qua Nga trước để làm việc và đề nghị Cảnh sát Nga hỗ trợ trong quá trình dẫn giải đối tượng từ Bulgary về Việt Nam.


"Một tình huống bất ngờ đã xảy ra" - Đại úy Nguyễn Anh Tuấn nhớ lại. Trên đường dẫn giải đối tượng Lê Quốc Thụy ra sân bay, đột nhiên, Thụy buông lời dọa anh em trong đoàn công tác: "Hãy chờ xem. Đến Nga, sẽ có người của tôi giải cứu". Mặc dù đã làm việc trước với Cảnh sát Nga, nhưng anh em trong đoàn công tác cũng không chủ quan với lời "dọa" của Lê Quốc Thụy. Đại úy Tuấn đã điện thoại về Văn phòng Interpol Việt Nam để báo cáo lãnh đạo đơn vị. Ở tại Việt Nam, đồng chí Chánh Văn phòng lại điện thoại ngay sang Cảnh sát Nga thông báo tình hình, kể cả dự kiến về trường hợp xấu xảy ra như lời đối tượng nói.


Trong suốt hành trình bay, các cán bộ của đoàn công tác khá căng thẳng, bởi cũng đây là lần đầu tiên họ ra nước ngoài dẫn giải đối tượng phạm tội về Việt Nam. Kinh nghiệm từ những người đi trước cũng không có. Liệu có tình huống đồng bọn của Thụy "cướp phạm" tại sân bay của Nga hay không?


Tiếp viên trưởng chuyến bay thông báo các hành khách thắt dây an toàn để máy bay hạ cánh. Độ cao so với mặt đất giảm dần nhưng sự căng thẳng của các cán bộ công tác trong đoàn thì tăng hơn. Thế nhưng, do đã chuẩn bị chu đáo các phương án và có sự phối hợp chặt chẽ với Cảnh sát Nga nên khi đoàn công tác dẫn giải đối tượng Lê Quốc Thụy vừa rời máy bay, đã có 6 viên Cảnh sát Nga, to khỏe, bế xốc đối tượng đưa lên xe đặc chủng dẫn giải về phòng an ninh đặc biệt.


Trong thời gian chờ chuyến bay nối tiếp về Việt Nam, đối tượng Thụy được các Cảnh sát Nga, đặc biệt là Interpol Moskva chăm sóc "đặc biệt". Mọi sự tiếp cận với đối tượng không thể xảy ra. Đến chuyến bay nối tiếp về Việt Nam, các Cảnh sát Nga lại áp giải nghiêm ngặt Lê Quốc Thụy lên đến tận cửa máy bay giao cho đoàn công tác Việt Nam. Máy bay cất cánh khỏi mặt đất, các bạn Cảnh sát Nga mới rời vị trí bảo vệ mục tiêu. Đoàn công tác cũng thở phào nhẹ nhõm. Còn Lê Quốc Thụy lúc này trở nên tuyệt vọng, bởi y cũng hiểu rằng đã không còn cách nào thoát được lưới pháp luật. Đoàn công tác dẫn độ Lê Quốc Thụy về đến Việt Nam an toàn. Việc dẫn độ đối tượng về Việt Nam đã giúp cho Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng mở rộng điều tra vụ án.



Theo cand

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN