Quyết chí hướng thiện, vươn lên làm giàu

Ngẫm lại quá khứ với bao "thành tích bất hảo" vào tù ra khám tới 6 lần, tổng thời gian trong trại giam gần 20 năm, anh Ngô Xuân Tiến (sinh năm 1972, trú tại số nhà 38/107 đường 19/5, phường Trần Tế Xương, thành phố Nam Định) cảm thấy "gai người"...

Xưởng mộc của anh Tiến ngày càng có uy tín với khách hàng.




Ngay sau khi chấp hành xong án phạt tù năm 2011, với sự động viện của gia đình, bạn bè, đặc biệt là sự quan tâm tạo điều kiện của của các cấp, ngành địa phương, anh Tiến đã phấn đấu rèn luyện, chăm chỉ lao động để làm lại cuộc đời. Giờ đây, sau gần 3 năm mở xưởng gỗ tại nhà với sự hỗ trợ vốn từ quỹ xóa đói giảm nghèo phường Trần Tế Xương, anh đã có việc làm ổn định, không chỉ có thu nhập cao cho gia đình, mà còn tạo việc làm cho không ít người có hoàn cảnh khó khăn.

Để gặp được anh Ngô Xuân Tiến, chúng tôi đã phải liên lạc tới 4 - 5 lần vì anh luôn bận, lúc thì đi giao hàng, lúc đi nhận hợp đồng. Tiếp chúng tôi ngay tại xưởng, cũng là nơi gia đình anh sinh sống, anh chia sẻ: “Mình nghĩ kỹ rồi, đã đến lúc phải thay đổi để mẹ già, vợ con đỡ khổ”.

Tiến sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 3 anh em trai, anh là thứ hai, bố mẹ đều là công nhân nhà máy hoa quả thành phố Nam Định. Tuổi thơ của anh êm đềm trôi đi... Năm 1984, khi anh 12 tuổi, bố mẹ li hôn. Bố đi xây dựng gia đình mới để lại 3 anh em cho mẹ chăm sóc. Với đồng lương ít ỏi của mẹ, gia đình anh ngày càng khó khăn. Thời điểm đó, cơ quan của bà liên tục làm ăn thua lỗ, khiến bà thường xuyên nghỉ ở nhà vì không có việc làm. Riêng bản thân anh đang tuổi trưởng thành, lại thiếu đi sự dạy dỗ của cha, mẹ thì tần tảo làm việc để lo cho gia đình nên cũng ít quan tâm đến. Vì vậy, đến lớp anh luôn là học sinh cá biệt, thường xuyên vi phạm nội quy ở trường, hay gây gổ với bạn bè, học lực ngày càng sa sút. Khi về nhà thường tụ tập với những bạn cùng trang lứa trong khu phố đi lang thang, nếu thấy nhà ai sơ hở là trộm cắp để có tiền tiêu sài.

Năm 1989 khi đang là học sinh lớp 11 trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định) anh Tiến bỏ học. Anh cùng bạn bè bỏ nhà đi lang thang hàng tháng mới về nhà. Mẹ anh đã khóc rất nhiều, có lúc bà bỏ cả công việc đi tìm anh cả tuần liền. Mỗi lần anh trở về nhà, bà lại chăm sóc, khuyên bảo nhưng anh nào có thấu hiểu nỗi lòng và sự vất vả của người mẹ. Rồi mẹ cũng quen dần với việc thiếu vắng anh trong gia đình. Và điều gì đến sẽ đến.

Ngày 7/9/1989, Tiến cùng đồng bọn đột nhập vào khu tập thể Văn Miếu trộm cắp tài sản. Tiến bị bắt, Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Nam Ninh tuyên phạt 6 tháng tù giam và anh được đưa vào trạm giạm Bỉm Sơn (thị xã Ninh Bình) để thụ án. Tháng 2/1990 ra trại nhưng anh không tu chí làm ăn mà lại tiếp tục cùng đồng bọn phạm tội nhiều lần. Lần cuối cùng là đầu năm 2005 sau khi chấp hành xong bản án anh trở về địa phương và lập gia đình. Những tưởng có cuộc sống riêng anh sẽ thay đổi nhưng việc làm không có, anh lại sa vào lầm lỗi do bạn bè lôi kéo. Tháng 5/2006 anh lại bị bắt và bị xử phạt 6 năm tù giam với tội danh môi giới mại dâm.

Được trở về với gia đình, anh Tiến được chính quyền phường Trần Tế Xương và các cán bộ Công an phường đến động viên. Biết anh Tiến có tay nghề làm mộc từ khi ở nhà và trong quá trình cải tạo ở trại giam, các cán bộ địa phương đã định hướng cho anh mở xưởng mộc tại gia đình để có thu nhập, ổn định cuộc sống. UBND phường Trần Tế Xương đã tạo điều kiện cho anh vay vốn từ quỹ xóa đói giảm nghèo với số tiền 25 triệu đồng, kết hợp với anh vay thêm của anh em bạn bè, hai bên nội, ngoại. Nhờ vậy anh đã mua sắm được các dụng cụ làm nghề mộc. Bước đầu đi vào sản xuất, anh cũng gặp nhiều khó khăn vì trong một thời gian dài không có khách, dường như mọi người vẫn còn e dè với với quá khứ lầm lỡ của anh. Nhưng anh vẫn kiên trì bám nghề vì lúc này anh không thể phụ lòng tin tưởng của gia đình, bạn bè và chính quyền địa phương. Những lúc nhàn rỗi, anh mang đồ dùng bằng gỗ trong nhà mình bị hư hỏng ra sửa chữa, đánh véc ni lại cho mới. Dần dần, bà con hàng xóm cũng không còn xa lánh anh nữa, một số người có đồ gỗ cũ hỏng đem đến nhờ anh chữa lại.

Thời gian sau đó không lâu, anh bắt đầu nhận được những hợp đồng nhỏ, chủ yếu là của bà con lối xóm và các công trình do UBND phường giới thiệu. Sẵn có kinh nghiệm cùng với sự tìm tòi, học hỏi, sáng tạo nên các sản phẩm anh làm ra đều có chất lượng tốt, giá thành phải chăng. Tiếng lành đồn xa, anh Tiến bắt đầu nhận được những hợp đồng lớn hơn trên địa bàn thành phố Nam Định. Nhờ có sản phẩm chất lượng, bảo đảm yêu cầu thẩm mỹ, giá cả hợp lý, nên chỉ sau một thời gian ngắn đi vào sản xuất, cơ sở làm mộc tại nhà của anh Tiến đã có uy tín trên thị trường, luôn ký được hợp đồng bảo đảm việc làm cho 5 lao động với mức lương trung bình từ 4,5 đến 5,5 triệu đồng/tháng. Khi có nhiều hợp đồng, để kịp tiến độ giao hàng, anh phải thuê thêm 5 - 10 lao động có tay nghề, trả lương cho họ theo ngày công từ 200 - 250 nghìn đồng/ngày hoặc trả khoán theo sản phẩm. Cơ sở của anh bắt đầu ổn định và làm ăn có lãi, nhờ vậy kinh tế gia đình đã có chút dư giả, lo cho con ăn học và mua sắm được các đồ dùng sinh hoạt đắt tiền. Sau gần 3 năm mở xưởng sau khi chấp hành xong án phạt tù, anh không chỉ trả hết các khoản vay, mà còn mở rộng sản xuất với 4 bộ máy làm mộc đa năng và những chồng gỗ nguyên liệu với tổng giá trị gần 300 triệu đồng. Nhưng điều quan trọng nhất đối với anh lúc này là luôn được ở bên cạnh chăm sóc mẹ già và vợ con.

Anh giãi bày: "Nếu không có sự nỗ lực của bản thân, sự giúp đỡ của người thân trong gia đình, bà con lối xóm, đặc biệt là chính quyền địa phương đã định hướng nghề nghiệp, cho tôi vay vốn, tôi sẽ chẳng có được cuộc sống như ngày hôm nay. Tâm nguyện của tôi là tiếp tục phấn đấu rèn luyện, tích cực sản xuất, làm giàu cho gia đình, nuôi dạy con cái trưởng thành, trở thành người có ích cho xã hội, tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương". Anh cũng kêu gọi tất cả những ai một thời lầm lỗi hãy cố gắng phấn đấu rèn luyện, làm lại cuộc đời sẽ không bao giờ là muộn.

Với sự phấn đấu rèn luyện của bản thân, tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định 80/2011/NĐ - CP của Chính phủ do UBND tỉnh Nam Định tổ chức vừa qua, anh Tiến đã được Giám đốc Công an tỉnh Nam Định tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong việc tái hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong án phạt tù.



Bài và ảnh: Nguyễn Trường



Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN