Phú Thọ nỗ lực hạn chế ô nhiễm môi trường ở nông thôn

Người dân ở vùng nông thôn tỉnh Phú Thọ đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt, phân gia súc, gia cầm, ô nhiễm nguồn nước…

Rác thải tấn công khắp nơi


Ở làng nghề xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), chúng tôi thấy cảnh làm việc rộn ràng của máy xay, máy xát. Mỗi ngày, xã Hùng Lô cung cấp ra thị trường hàng chục tấn thực phẩm khô các loại, bao gồm mỳ, miến, bánh đa nem, bánh đa trắng... Tuy nhiên, bên cạnh việc làm nghề, tăng thêm thu nhập, thì vấn nạn ô nhiễm môi trường đang là trở ngại lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe của chính người dân nơi đây. Mùi hôi thối từ những đống rác thải nằm ven đê sông Lô tấn công vào làng và từ trong làng mùi hôi thối càng nồng nặc bởi các loại rác, nước thải, phân gia súc đọng lại từ các ao tù, rãnh nước...


 

Rác thải tại khu chợ Lú, phường Minh Nông - Việt Trì tràn ra 1/3 mặt đường đi qua chợ. Ảnh: CTV

 

Ông Nguyễn Tiến Đức, Chủ tịch UBND xã Hùng Lô cho biết: Xã đã có những giải pháp để khắc phục tình trạng ô nhiễm trên, tuy nhiên hiệu quả chưa cao. Mới đây, xã đã cử cán bộ đi học mô hình thu gom rác thải ở xã Cao Xá (Lâm Thao), từ đó triển khai đến từng hộ dân. Người dân đã nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề vệ sinh môi trường và đóng 3.000 đồng/hộ/tháng tiền phí thu gom rác. Xã đã có tổ thu gom rác mỗi tuần ba buổi. Số rác thu được chuyển về nơi quy định để xử lý, chôn lấp, đảm bảo vệ sinh môi trường...


Tại một số các làng nghề như: Chế biến thực phẩm An Thọ, sản xuất tương Dục Mỹ, chế biến rắn Tứ Xã, chế biến nông lâm sản Tiền Phong, chế biến thực phẩm Việt Tiến… cũng đang bị ô nhiễm khá nặng về môi trường nước. Nguồn nước thải từ các hộ làm nghề không được xử lý triệt để và thải trực tiếp ra hệ thống cống thoát nước của làng. Những chất thải sinh hoạt, chất thải từ các dịch vụ, sản xuất: Xay xát, nấu rượu, chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm, nuôi cá, đốt gạch… đều tác động xấu đến môi trường. Đặc biệt những năm gần đây, do việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của nông dân ngày càng tăng, song ý thức chưa cao nên các loại bao bì, túi ni lon, lọ đựng thuốc bị vứt bừa bãi ra ruộng, kênh mương, lề đường, gây ô nhiễm môi trường và có thể gây ngộ độc đối với người, gia súc, gia cầm và các loại thủy sản.

 

Cần nhân rộng những mô hình hiệu quả


Về Lâm Thao bây giờ, một số xã trước đây là những điểm “nóng” về rác thải đã trở thành những mô hình để nhiều xã khác học hỏi bởi sự thoáng đãng, sạch sẽ đã được trả lại cho các đường làng ngõ xóm. Mô hình nông dân tham gia xử lý rác thải sinh hoạt làm chất hữu cơ tại thị trấn Lâm Thao và xã Tứ Xã (huyện Lâm Thao) do Hội Nông dân Phú Thọ triển khai từ năm 2009. Bước đầu, mô hình đã cho hiệu quả, rác thải hữu cơ và vô cơ sau khi xử lý, chôn lấp, từng bước cải thiện môi trường nông thôn và được đông đảo nông dân học tập, làm theo. Để triển khai mô hình, Hội Nông dân tỉnh đã thành lập Ban quản lý dự án và mở lớp tuyên truyền, tập huấn cho hàng trăm cán bộ, hội viên nông dân vùng dự án tham gia. Dự án đã trang bị 7 xe đẩy chuyên vận chuyển rác, xây lắp hai lò ủ và hai nhà chứa rác tại xã Tứ Xã và thị trấn Lâm Thao.


Ông Nguyễn Đình Minh, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp điện năng xã Tứ Xã cho biết, HTX bố trí một tổ thu gom xử lý rác thải gồm bốn lao động và một lái xe đưa toàn bộ rác thải sinh hoạt ở tất cả các đầu mối, đầu bờ, ven làng, nơi công cộng về nhà chứa. Mỗi tháng, tổ hoạt động 26 ngày với khối lượng rác thu gom bình quân từ 1 đến 1,5 m3/ngày, trong đó 40% là rác hữu cơ. HTX xử lý 15 - 16 tấn rác hữu cơ/tháng, sau đó chế biến được 3 - 4 tấn phân hữu cơ vi sinh, bón cho cây trồng rất tốt. Riêng rác vô cơ được đốt hoặc đem đi chôn lấp ở độ sâu 2 m tại khu vực đã quy hoạch. Với mức phí 3.000 đồng/khẩu/tháng tại 12 khu vực thu gom rác, HTX cơ bản giải quyết thu nhập cho công nhân (đạt gần 1,5 triệu đồng/người/tháng) và trang trải các chi phí quản lý, mua sắm dụng cụ lao động, xử lý rác vô cơ, khấu hao tài sản công trình.


Còn mô hình tổ thu gom rác thải của xã Cao Xá, tuy mới đi vào hoạt động, nhưng cũng đã phát huy hiệu quả, được nhân dân ủng hộ. Bà Nguyễn Thị Cảnh ở khu 13 cho biết: “Nhà tôi có 5 khẩu, mỗi tháng chỉ phải đóng 15.000 đồng, mà không còn phải lo rác vứt bừa bãi và không có chỗ chôn lấp ở trong vườn, ngõ xóm nữa. Bây giờ, nhà có rác, cứ tập kết ngoài ngõ đúng nơi quy định, tổ thu gom sẽ đến và vận chuyển đi nơi khác, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ”.


Để cải thiện tình hình vệ sinh môi trường nông thôn ở Phú Thọ hiện nay, giải pháp trước mắt là các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi tập quán, thói quen xả rác tùy tiện; lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường trong mô hình xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho các cấp Hội Nông dân xây dựng các mô hình xử lý rác thải sinh hoạt tại cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, ngoài sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương tại các vùng nông thôn trong tỉnh cũng cần vào cuộc, huy động nguồn lực tại chỗ xây dựng công trình vệ sinh công cộng, nhất là tổ chức việc thu gom rác thải. Có làm được như vậy thì vấn đề rác thải và môi trường nông thôn mới được cải thiện, người dân không còn phải lo sống chung với rác.

Tạ Văn Toàn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN