Theo bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, các trường hợp vắng mặt ở địa bàn, các trường hợp được phối hợp giải cứu sau những vụ mua bán người (MBN) có chiều hướng gia tăng. Nạn nhân có nhiều lứa tuổi từ 15 - 30 ở các xã bản vùng sâu, vùng cao, biên giới (có trường hợp đang là học sinh, sinh viên). Thủ đoạn MBN của các đối tượng ngày càng tinh vi, phức tạp, chủ yếu là lợi dụng tình trạng khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, thiếu việc làm, trình độ học vấn thấp, nhẹ dạ cả tin của người bị hại để lừa bán nạn nhân từ nông thôn ra thành thị, các khu công nghiệp, hoặc ra nước ngoài…
Mặt khác, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia đã đóng cửa biên giới để hạn chế lây lan dịch bệnh nên nhu cầu tìm việc làm để ổn định đời sống của một bộ phận quần chúng nhân dân gặp khó khăn tăng lên. Do đó các đối tượng MBN triệt để lợi dụng lừa gạt, dụ dỗ nạn nhân lên sát biên giới để bán ra nước ngoài với mục đích bóc lột sức lao động, mại dâm....
Cũng theo bà Tráng Thị Xuân, thời gian gần đây, các cơ quan chức năng tỉnh Sơn La đã phát hiện nhiều trường hợp nạn nhân đi làm thuê tại các tỉnh miền xuôi bị lừa bán sang Campuchia để bóc lột sức lao động. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Sơn La đã tiếp nhận 2 đơn trình báo của công dân ở huyện Sốp Cộp và Mường La về việc bị các đối tượng MBN dụ dỗ, hiện đã giải cứu được 1 nạn nhân.
Trước vấn nạn trên, UBND tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các sở ban ngành và các lực lượng vũ trang trong tỉnh như Công an, BĐBP, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp... đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phương thức, thủ đoạn của tội phạm MBN. Chủ động, tích cực đấu tranh với hoạt động của tội phạm này góp phần giảm tỉ lệ tội phạm MBN.
Hàng năm, UBND tỉnh đều chỉ đạo các sở, ngành trong tỉnh xây dựng kế hoạch chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quán triệt và triển khai có hiệu quả các điều ước quốc tế về phòng chống MBN, mà Việt Nam đã ký kết hoặc là thành viên, nhất là Hiệp định phòng chống MBN giữa Việt Nam với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia. Triển khai thực hiện Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 2/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành kế hoạch thực hiện Biên bản ghi nhớ giữa Chính phủ nước Cộng hoà XHCN Việt Nam và Chính phủ Liên hiệp Vương Quốc Anh và Bắc Ireland (Ailen) về phòng chống MBN.
Trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo lực lượng Công an, BĐBP nắm chắc tình hình địa bàn, đối tượng, thường xuyên rà soát, đánh giá, qua đó xác định được các tuyến, địa bàn trọng điểm để tập trung có biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn kịp thời. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát biên giới, trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, truy bắt tội phạm, giải cứu nạn nhân.
Trong công tác hỗ trợ nạn nhân, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các ngành chức năng như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Hội Liên hiệp phụ nữ… phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền địa phương tổ chức tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu những nạn nhân bị mua, bán trở về địa phương. Phối hợp với gia đình tạo điều kiện động viên tinh thần để các nạn nhân ổn định cuộc sống, tái hoà nhập cộng đồng.
Thường xuyên phối hợp và hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước, các tổ chức phi chính phủ tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là các hiệp định, chương trình hợp tác quốc tế liên quan đến phòng chống MBN, tham gia hoạt động mít tinh, tuyên truyền nhân "Ngày toàn dân phòng chống mua bán người 30/7"...
Mặc dù vậy, bà Tráng Thị Xuân cho rằng khó khăn nhất đối với Sơn La trong xử lý các vụ MBN là nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, trình độ nhận thức còn hạn chế, tâm lý hoang mang lo sợ. Do đó quá trình khai thác phân loại, sàng lọc xác minh thông tin về đối tượng địa bàn gặp nhiều khó khăn.
Để từng bước ngăn chặn nạn MBN, tỉnh Sơn La đề ra một số giải pháp, đó là: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện những quy định pháp luật về đấu tranh phòng chống tội phạm MBN, đặc biệt là mua bán phụ nữ và trẻ em.
Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tệ nạn MBN, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền pháp luật, các thủ đoạn của bọn tội phạm MBN đến từng gia đình và toàn xã hội. Nâng cao cảnh giác trong quần chúng nhân dân, đề phòng và kịp thời phát hiện tố giác hoạt động của bọn tội phạm với các cơ quan bảo vệ pháp luật. Giúp đỡ, tạo điều kiện để đưa những người bị mua bán, lừa gạt về đoàn tụ với gia đình, hoà nhập với cộng đồng, tạo điều kiện về công ăn việc làm để họ ổn định cuộc sống.
Tăng cường công tác quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội. Theo dõi, giám sát chặt chẽ các hoạt động dịch vụ nhà hàng khách sạn, dịch vụ môi giới hôn nhân, nhận con nuôi, các bệnh viện… Theo dõi chặt chẽ các đối tượng nghi vấn, tăng cường công tác điều tra, xác minh, huy động sự tham gia của quần chúng nhân dân ở các địa bàn trọng điểm, các vùng biên giới vào công tác phòng chống các tội phạm MBN.
Lực lượng Công an nhân dân tiếp tục phối hợp chặt chẽ với BĐBP, các ngành hữu quan để kịp thời phát hiện điều tra khám phá những đường dây MBN, phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát và Toà án nhanh chóng truy tố, xét xử công khai, với mức hình phạt nghiêm khắc để vừa trừng trị, giáo dục người phạm tội, vừa có ý nghĩa răn đe phòng ngừa chung, trừng trị nghiêm khắc những băng nhóm có tổ chức, những đối tượng cầm đầu, chủ mưu.
Tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh chống tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em, để kịp thời trao đổi nắm bắt các thông tin về tội phạm, phối hợp điều tra, bắt giữ và xử lý người phạm tội. Tăng cường các hoạt động tương trợ tư pháp hình sự với các nước trong đấu tranh phòng chống tội phạm.
Tổ chức tốt việc tái hoà nhập cộng đồng cho những nạn nhân bị buôn bán. Kịp thời đưa những phụ nữ và trẻ em bị mua bán về sum họp với gia đình, hòa nhập với cộng đồng, phối hợp các cơ quan đoàn thể như: Đoàn thành niên, Hội phụ nữ, Y tế, Thương binh - xã hội… tạo điều kiện giúp đỡ nạn nhân nhanh chóng khắc phục những khó khăn, xoá đi những mặc cảm về bản thân, có việc làm để ổn định cuộc sống.
Sơn La là tỉnh miền núi phía Tây Bắc, có diện tích tự nhiên 14.125 km², với 274.065 km đường biên giới, tiếp giáp với 2 tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Băng (CHDCND Lào). Toàn tỉnh có 12 dân tộc cùng sinh sống với dân số trên 1,3 triệu người trong đó có 6 huyện, 17 xã, với tổng số 305 bản biên giới. Toàn tuyến biên giới có 10 đồn biên phòng, 2 cửa khẩu quốc gia và 7 trạm kiểm soát biên phòng. Ngoài ra còn hình thành nhiều đường tiểu mạch, lối tắt qua lại hai bên biên giới. Đây chính là điều kiện cho các đối tượng có thể lợi dụng để thực hiện các hành vi phạm tội mua bán người.