Theo Thiếu tướng Trần Ngọc Tuấn, Phó Chính ủy Quân khu 2, Quân khu 2 nằm ở phía Bắc và Tây Bắc Tổ quốc với diện tích trên 64.000 km2 gồm 9 tỉnh, trong đó có 5 tỉnh biên giới với đường biên giới dài hơn 1.400 km (tiếp giáp với Trung Quốc 765,6 km, Lào 688,8 km); dọc tuyến biên giới có 4 cửa khẩu Quốc tế, 9 cửa khẩu quốc gia và hơn 30 đường tiểu ngạch. Địa hình rừng núi hiểm trở, nhiều đường mòn, lối mở là điều kiện thuận lợi cho các hoạt động vượt biên, xuất nhập cảnh trái phép và các đối tượng tội phạm MBN hoạt động. Địa bàn các tỉnh biên giới còn nhiều khó khăn, với 34 dân tộc sinh sống, trong đó có nhiều dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, là đối tượng dễ bị tội phạm MBN lôi kéo, dụ dỗ, lừa gạt, lợi dụng phạm tội.
Trên địa bàn Quân khu 2, tình hình tội phạm MBN diễn biến rất phức tạp; nhất là tình trạng bắt cóc, chiếm đoạt phụ nữ, trẻ em đưa sang Trung Quốc ở các tỉnh biên giới phía Bắc như Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu... Đặc biệt một số người từng là nạn nhân hoặc lấy chồng người nước ngoài khi về thăm quê lại trở thành thủ phạm dụ dỗ, lừa bán phụ nữ, trẻ em, kể cả người thân trong gia đình; hoặc lợi dụng việc buôn bán, làm ăn qua lại biên giới hay kinh doanh các dịch vụ dọc biên giới thông thạo địa bàn để tham gia hoạt động phạm tội.
Trước tình hình tội phạm MBN liên tục có những diễn biến phức tạp, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 luôn xác định công tác phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm MBN nói riêng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên. Lực lượng vũ trang Quân khu 2 đã tiến hành nhiều giải pháp nhằm từng bước ngăn chặn, đẩy lùi loại tội phạm này, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Ban Chỉ đạo 1389 của Quân khu được thành lập từ cấp Quân khu đến các cơ quan, đơn vị đầu mối trực thuộc nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm. Ban chỉ đạo 1389 các cấp thường xuyên được củng cố, kiện toàn, đã tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị biện pháp đấu tranh, phòng ngừa vi phạm kỷ luật, pháp luật có hiệu quả.
Bộ Tư lệnh Quân khu 2 thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, văn bản hướng dẫn của trên về nội dung chương trình phòng, chống tội phạm MBN. Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Chương trình phòng, chống MBN giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 của Chính phủ; Luật Phòng, chống MBN. Hằng năm xây dựng kế hoạch phòng, chống tội phạm MBN, tổ chức triển khai thực hiện, lồng ghép nội dung Chương trình phòng, chống tội phạm MBN với thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua bằng những hình thức, biện pháp phù hợp với đặc điểm tình hình cơ quan, đơn vị.
Chủ động phối hợp với Ban chỉ đạo 138 địa phương nắm chắc tình hình tội phạm MBN trên địa bàn, tích cực phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng các tỉnh, chính quyền địa phương nơi đóng quân triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động phòng ngừa xã hội, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, củng cố hệ thống cơ sở chính trị địa bàn vững mạnh; triển khai thực hiện hiệu quả chương trình phát triển kinh tế - xã hội qua đó góp phần nâng cao dân trí, đời sống vật chất, tinh thần của cư dân biên giới, xây dựng địa bàn lành mạnh làm hạn chế nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm.
Lực lượng vũ trang Quân khu 2 tập trung chú trọng làm tốt công tác truyền thông về phòng, chống MBN. Đẩy mạnh tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn mới, địa bàn trọng điểm của tội phạm này, những đối tượng có nguy cơ cao trở thành nạn nhân, quyền lợi mà nạn nhân được hỗ trợ và đường dây nóng tiếp nhận thông tin về nạn nhân và vụ việc. Thường xuyên tuyên truyền cho bà con đồng bào dân tộc, nhất là các dân tộc thiểu số về đấu tranh phòng, chống MBN, tập trung vào các tuyến, địa bàn trọng điểm để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa.