Ngày 9/11, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình cho biết, tại Km 715 trên tuyến Quốc lộ 1A thuộc địa phận xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy, Đội Quản lý thị trường số 7 chủ trì, phối hợp với Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh Quảng Bình đã kiểm tra xe ô tô tải mang biển kiểm soát 34C-338.83 do ông Phạm Viết Tuyển (sinh năm 1979, trú xã Gia Tân, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) điều khiển.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện trên xe vận chuyển lô máy móc, thiết bị nhập lậu, không có hóa đơn chứng từ pháp lý theo quy định.
Số thiết bị, máy móc bị phát hiện gồm: 1 chiếc xe nâng hiệu MITSUBISHI, 10 máy đầm đất hiệu Mikasa, 3 máy nén khí trục vít hiệu HITACHI, TANABE, 2 bộ pa lăng cáp điện hiệu MEIDEN, ISK. Tất cả hàng hóa trên đều đã qua sử dụng, sản xuất tại Nhật Bản. Tài xế không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của lô hàng trên. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm ước tính gần 200 triệu đồng.
Đội Quản lý thị trường số 7 đã lập hồ sơ vụ việc, tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nêu trên để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 1/11, trên tuyến đường tránh lũ thuộc địa phận xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, Đội Quản lý thị trường số 7 và Phòng Cảnh sát Giao thông Quảng Bình cũng đã phối hợp, phát hiện và bắt giữ xe ô tô tải mang biển kiểm soát số 51D-447.48 do Nguyễn Quang Tùng (sinh năm 1987, trú tại huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) vận chuyển hơn 920 chai rượu các loại, sản xuất tại nước ngoài, nhập lậu trái phép, không có hóa đơn chứng từ hợp pháp để chứng minh tính hợp pháp; có trị giá khoảng 450 triệu đồng.
Theo Cục Quản lý thị trường Quảng Bình, thời gian tới là thời điểm cuối năm 2023 và chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Thực hiện chỉ đạo của Tổng Cục Quản lý thị trường,UBND tỉnh Quảng Bình, các đơn vị thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình sẽ tăng cường hơn nữa công tác nhiệm vụ; trong đó, đấu tranh quyết liệt với các hành vi vi phạm về buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; tập trung cao điểm kiểm tra kiểm soát đối với các nhóm mặt hàng như: rượu, bia, thuốc lá điếu, thực phẩm, thực phẩm chức năng…
Đồng thời, các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người trong sản xuất - tiêu dùng và thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Từ đó, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhà sản xuất, người tiêu dùng, đảm bảo ổn định tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương.