Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng các địa phương đã phát hiện, bắt giữ trên 3.400 vụ, gần 4.000 đối tượng mua bán, vận chuyển pháo nổ; thu trên 35 tấn pháo các loại, trên 16.000 quả pháo, 276 hộp pháo. Lợi nhuận từ pháo lậu là rất lớn. 1 hộp pháo hoa mua tại Trung Quốc có giá khoảng 70.000 đồng nhưng vận chuyển trót lọt đến Hải Dương bán được 450.000 đồng, vào đến miền Nam giá đội lên tới hơn 1 triệu đồng.
Mới đây, Công an huyện Đông Anh đã liên tục phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển, tàng trữ pháo nổ. Cụ thể, ngày 23/12, phát hiện bắt giữ Trịnh Văn Tuấn trú tại xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn về hành vi buôn bán 40 hộp pháo dàn; 420 quả pháo tròn, 2 bánh pháo. Trước đó, ngày 20/12 đã bắt giữ Đỗ Tiến Chính, trú tại tỉnh Bắc Ninh và Đoàn Ngọc Thịnh trú tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình có hành vi tàng trữ trái phép 16,3kg pháo nổ.
Ông Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo (BCĐ) 389 Quốc gia cho rằng, do lợi nhuận từ pháo lậu quá cao nên các đối tượng buôn lậu không từ một thủ đoạn nào để vận chuyển được pháo lậu từ Trung Quốc, Lào, Campuchia vào Việt Nam tiêu thụ. Lý giải về việc này ông nói, 1 hộp pháo hoa mua tại Trung Quốc có giá khoảng 70.000 đồng nhưng vận chuyển trót lọt đến Hải Dương bán được 450.000 đồng, vào đến miền Nam giá đội lên tới hơn 1 triệu đồng.
Nguồn pháo nhập lậu vào Việt Nam chủ yếu từ Trung Quốc và Lào. Cụ thể, các đối tượng mua pháo bên Trung Quốc, vận chuyển qua các đường mòn, lối mở, tập kết ở khu vực giáp biên giới và dùng các phương tiện như ôtô khách, ôtô tải vận chuyển pháo để lẫn với các hàng hóa khác nhau đưa vào nội địa. Đối với nguồn pháo từ bên Lào vào Việt Nam chủ yếu đi qua các cửa khẩu, đường mòn, lối mở từ các tỉnh Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên giáp Lào.
Trong khi đó, để xử lý các đối tượng vận chuyển pháo lậu lại rất khó khăn, nếu phát hiện chỉ có thể xử phạt hành chính, hình phạt này không đủ sức răn đe. Bởi vì theo quy định, việc xử lý hình sự chỉ được áp dụng với các trường hợp vận chuyển từ 6kg pháo nổ trở lên. Do vậy, các đối tượng thường thuê người dân khu vực biên giới vận chuyển lượng pháo chưa tới 6kg và nếu bị phát hiện cũng chỉ bị xử lý hành chính.
Ông Trịnh Quang Đức, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội lý giải về những khó khăn trong quá trình ngăn chặn, xử lý hành vi buôn lậu pháo thời điểm áp Tết Nguyên đán là do Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017 lại quy định kinh doanh pháo nổ là ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, còn việc kinh doanh các loại pháo khác là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Theo đó, hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng các loại pháo hoa là hàng hóa kinh doanh có điều kiện, không xem xét trách nhiệm hình sự, nhưng loại pháo này xét về tính chất, mức độ nguy hiểm tương tự pháo nổ.
Vì vậy, nhiều đối tượng đã lợi dụng kẽ hở này để kinh doanh buôn bán pháo công khai trên không gian mạng. “80% số lượng các loại pháo bắt được trong các vụ vận chuyển qua biên giới sau khi giám định là pháo hoa, chỉ có 20% là pháo nổ. Nhiều loại pháo hoa có mức độ nguy hiểm giống như pháo nổ nhưng chỉ có thể tịch thu hàng hóa, xử phạt hành chính” - ông Đức nói.
Theo các chuyên gia kinh tế, để ngăn chặn tình trạng buôn bán pháo lậu cần khắc phục lỗ hổng về chính sách, tạo điều kiện cho lực lượng chức năng xử lý và ngăn chặn hành vi này.
Hiện nay, trong quá trình áp dụng quy định pháp luật phát sinh nhiều vướng mắc. Cụ thể, tại thời điểm bắt giữ đối tượng buôn lậu cùng tang vật, các lực lượng chức năng không thể xác định bằng trực quan tang vật là pháo nổ hay pháo hoa, cho nên không đủ căn cứ để tạm giữ hình sự đối tượng. Đó cũng là một trong các nguyên nhân khiến các vụ vi phạm buôn bán pháo lậu ngày càng gia tăng, khó kiểm soát.