Phát hiện 13 nhóm cho vay nặng lãi tại Đồng Nai

Hoạt động cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” diễn biến phức tạp, tập trung chủ yếu tại địa bàn có nhiều khu công nghiệp như thành phố Biên Hòa, huyện Long Thành...

Chú thích ảnh
Các tờ rơi quảng cáo về cho vay vốn nhanh tràn lan trên các bờ tường, ngõ hẻm… trên địa bàn thành phố Biên Hòa. Ảnh: baodongnai.com.vn

Ngày 5/12, thông báo tại kỳ họp thứ 8, Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai khóa IX, ông Huỳnh Văn Tới, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai cho biết, cử tri và nhân dân còn băn khoăn lo lắng về một số vấn đề, trong đó có hoạt động “tín dụng đen”.

Ông Tới cho biết: “Tín dụng đen" đang là thực trạng nhức nhối trong xã hội. Thời gian qua, đã có không ít gia đình phải trắng tay, nhiều trường hợp tan cửa nát nhà cũng vì lỡ vay “nóng””.

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, qua công tác nắm tình hình và điều tra của Công an tỉnh cho thấy, hoạt động cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” trên địa bàn diễn biến phức tạp, tập trung chủ yếu tại địa bàn có nhiều khu công nghiệp như: thành phố Biên Hòa; huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu; thị xã Long Khánh.

Đặc biệt, xuất hiện các băng nhóm, đối tượng ngoài tỉnh vào Đồng Nai, câu kết với các đối tượng địa tại địa phương hoạt động “tín dụng đen”. Từ đó dẫn đến các hành vi đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật.

Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, các nhóm này hoạt động kín kẽ, thường tạo vỏ bọc bằng các hình thức kinh doanh hợp pháp như lập các công ty cho thuê tài chính, dịch vụ cho thuê xe ôtô, cầm đồ, kinh doanh game bắn cá…

Theo điều tra, hiện nay trên địa bàn Đồng Nai phát hiện 13 nhóm với 92 đối tượng cho vay nặng lãi; trong đó, tại địa bàn thành phố Biên Hòa có 6 nhóm với 43 đối tượng hoạt động chủ yếu tại các phường Long Bình, Tân Hiệp, Hóa An, Tam Phước. Ngoài ra, phát hiện 20 đối tượng cho vay nặng lãi hoạt động đơn lẻ tại địa bàn thành phố Biên Hòa.

Mới đây, Công an tỉnh Đồng Nai đã lập một chuyên án đấu tranh với các băng nhóm hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn. Thời gian qua, lực lượng Công an đã bắt 2 đối tượng của một công ty kinh doanh cầm đồ gây ra vụ đòi nợ, đẩy nạn nhân xuống sông làm tử vong tại Cầu Ghềnh; Công an thành phố Biên Hòa bắt giữ 4 đối tượng gây ra vụ bắt giữ người trái pháp luật tại phường Bình Đa…

Theo Công an tỉnh Đồng Nai, việc đấu tranh ngăn chặn hoạt động “tín dụng đen” gặp nhiều khó khăn do nhu cầu vay vốn để giải quyết việc đột xuất, kinh doanh của nhân dân rất lớn. Trong khi người dân không có tài sản thế chấp để vay ngân hàng, do đó họ tìm đến với “tín dụng đen”.

Ngoài ra, việc xử lý hình sự đối với hoạt động “tín dụng đen” khó khăn vì khi xảy ra tranh chấp phải chứng minh việc thu lợi bất chính từ “tín dụng đen” của những đối tượng này từ 30 triệu đồng trở lên. Do đó, thời gian qua việc xử lý các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” chủ yếu là do hành vi siết nợ, cố ý gây thương tích.

Công an tỉnh Đồng Nai cho rằng, để hạn chế và ngăn chặn hoạt động “tín dụng đen” cần đẩy mạnh tuyên truyền tác hại, thủ đoạn của đối tượng cho vay nặng lãi nhằm nâng cao ý thức cảnh giác cho người dân; đẩy mạnh đấu tranh, điều tra ngăn chặn hoạt động của các băng nhóm hoạt động cho vay nặng lãi; tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện cầm cố tài sản, cho vay tiền, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Sỹ Tuyên (TTXVN)
Một ngày công an TP Hồ Chí Minh phải xử lý 4 vụ đòi nợ tín dụng đen
Một ngày công an TP Hồ Chí Minh phải xử lý 4 vụ đòi nợ tín dụng đen

Từ chỗ trung bình mỗi ngày chỉ xử lý 1 vụ đòi nợ tín dụng đen, sau 4 năm, hiện nay công an TP Hồ Chí Minh phải xử lý trung bình 4 vụ/ ngày. Đáng lo ngại, các vụ đòi nợ theo kiểu xã hội đen ngày gia tăng và phức tạp, thậm chí cả giết người đòi nợ, khiến việc quản lý cho vay tín dụng đen trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN