Núp bóng trang trại khai thác vàng trái phép

Đã một thời gian dài, 84 hộ dân tộc Giáy ở bản Nà Sài, xã Bản Giang, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu phải gánh chịu hậu quả nặng nề và trực tiếp từ một bãi khai thác khoáng sản núp bóng trang trại phía đầu nguồn suối của bản. Nước bị ô nhiễm khiến cá dưới ao chết nhiều, bùn chảy làm nguồn nước bị lấp, lúa không được gặt vì mất mùa do thiếu nước… Đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây bị đảo lộn. Nhiều lần bà con “kêu” với chính quyền nhưng vẫn chưa “thấu”.


Cá chết dần, hoa mầu giảm sút sản lượng


Theo chân ông Ú A Lả, Trưởng bản Nà Sài dẫn đường, chúng tôi có mặt trên “trang trại” của người chủ tên Thành. Khoảng đất nằm giữa màu xanh của núi rừng đại ngàn lộ lên những ụ đất, sỏi lớn nham nhở, trơ trọi. Những nền đất bị cày, múc thành các hố đọng nước, rộng và sâu hoắm. Một góc đất đồi được san nền bằng bê tông có lẽ là lán trại ăn ở của công nhân. Tại nơi đang núp bóng “trang trại” này chỉ còn máy nghiền quặng phủ bạt xanh cỡ lớn chưa kịp di chuyển đi. Đường ống dẫn nước quặng la liệt khắp mọi nơi cùng một số vật dụng phục vụ cho việc khai thác khoáng sản…

 

Máy nghiền quặng phủ bạt xanh cỡ lớn chưa kịp di chuyển đi.


Theo phản ánh của nhiều người dân, bãi này được ông Nguyễn Duy Thành, ở thành phố Lai Châu, mua lại và bắt đầu tiến hành khai thác từ năm 2011. Tại đây luôn có trên dưới 20 công nhân làm việc cùng với hệ thống máy móc, gầu xúc, băng chuyền dài. Chủ “trang trại” đã xả bùn trực tiếp xuống hang - là nguồn nước chính dẫn vào con mương của bản Nà Sài. Việc khai thác khoáng sản trái phép đã làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân khi nước trong mương luôn đục ngầu, hoa mầu kém năng suất, nuôi thủy sản không hiệu quả… Mới đây do người dân làm “căng” nên chủ đã cho dỡ toàn bộ máy móc, di chuyển đi nơi khác.


Là một trong những hộ bị ảnh hưởng nặng của “trang trại” khai thác vàng, anh Lèng Văn Sửu ở bản Nà Sài, bức xúc kể lại: “Năm ngoái đất bùn lấp hết nước trong mó nên lúa không thành. Sản lượng mỗi mùa lúa thu được đều bị giảm dần. Nếu cứ như thế này thì người dân chúng tôi không biết lấy gì mà ăn, mà sản xuất…”.


Ông Ú A Lả, Trưởng bản Nà Sài cho biết: “Bọn họ nói là làm trang trại nhưng thực chất là khai thác khoáng sản (vàng). Làm cho cá dưới ao chết nhiều, bà con không làm được ruộng vì thiếu nước, hoa mầu cũng giảm sản lượng nhiều. Tính sơ cũng ảnh hưởng gần 30 ha đất trồng lúa cùng 20 ha ao của bản. Trong các cuộc họp bản hay các cuộc tiếp xúc cử tri của xã tại bản có sự tham dự của cán bộ xã, lần nào người dân bản Nà Sài cũng ý kiến về vấn đề này nhưng không có ai trả lời. Do quá bức xúc nên ngày 9/6 vừa qua, bà con dân bản đã lên trụ sở UBND tỉnh mong được sớm giải quyết nhưng cũng chỉ được hướng dẫn là về xã”.


Chính quyền xã buông lỏng quản lý


Đỉnh điểm của sự mâu thuẫn giữa bà con nhân dân và chủ “trang trại” là vào ngày 4/4/2014, người dân bản Nà Sài tự bảo nhau lên vị trí khai thác, tịch thu một số tài sản cũng như đập phá, tháo dỡ lán trại. Theo chủ “trang trại”, số đồ bị thu và tháo dỡ, đập phá gồm ti vi, máy bơm cùng nhiều vật dụng khác ước tính khoảng… 170 triệu đồng. Những hành vi này đã được các công nhân làm việc trên đó ghi hình lại. Đồng thời ông chủ làm đơn kiện gửi Viện kiểm sát và Công an huyện Tam Đường để giải quyết.


Trước đó, đã có nhiều cuộc thương lượng giữa dân bản với chủ “trang trại” để thống nhất vấn đề về nguồn nước nhưng cũng không mấy thành công.
Ông Nguyễn Bá Kiện, Chủ tịch UBND xã Bản Giang cho biết mới nhận nhiệm vụ công tác tại xã từ 1/1/2014. Khi đi thị sát địa bàn thì có phát hiện ở khu vực bản Nà Sài có một doanh nghiệp đang ở đó. Khi hỏi người dân thì mới biết rằng doanh nghiệp đang khai thác vàng. Ngay thời điểm ấy, ông đã gọi về Phòng Tài nguyên Môi trường huyện báo cáo tình hình.


Chủ tịch UBND xã khẳng định: Đây không phải doanh nghiệp khai thác mà là cá nhân khai thác. Khi làm họ rất kín tiếng nên không ai biết gì. Khi xã đi kiểm tra vào tháng 4/2014, do không có giấy phép khai thác nên xã đã yêu cầu chuyển toàn bộ máy móc ra, nghiêm cấm không được khai thác.


Ông Chủ tịch UBND xã cho biết thêm, cá nhân làm “trang trại” này chưa sử dụng máy hoạt động rầm rộ mà chỉ mang máy lên để đó, cho tiến hành đào ao, bơm nước và đang san gạt mặt bằng... Rõ ràng điều này trái ngược hoàn toàn với những gì phóng viên ghi nhận được tại thực địa và qua phản ánh của dân bản Nà Sài.


Thực trạng khai thác vàng trái phép tại Nà Sài đã diễn ra từ nhiều năm. Mãi đến khi có sự xung đột giữa người dân và chủ “trang trại” thì cấp xã, huyện mới vào cuộc. Trước đó, chưa hề có sự ngăn cản nào từ phía chính quyền và lực lượng chức năng…


Theo lãnh đạo UBND huyện Tam Đường (Lai Châu), việc mua bán đất giữa ông Nguyễn Duy Thành với một số hộ dân bản Nà Sài là do tự trao đổi, thỏa thuận với nhau. Điều này cũng có thông qua UBND xã Bản Giang tuy nhiên chính quyền xã lại không có một văn bản báo cáo nào lên huyện.


“Huyện Tam Đường đang tập trung xác minh việc chính quyền xã Bản Giang có nắm được hay không, hay có nắm được nhưng không báo cáo huyện. Đồng thời tiến hành kiểm kê thiệt hại cho bà con và của “trang trại”. Sau khi làm rõ việc khai thác khoáng sản trái phép thì sẽ quy trách nhiệm từng cá nhân cụ thể có liên quan”, - ông Bùi Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đường (Lai Châu) khẳng định.


Bài và ảnh: Quang Duy

Phát nôn vì ô nhiễm làng mổ trâu, bò Phúc Lâm
Phát nôn vì ô nhiễm làng mổ trâu, bò Phúc Lâm

Làng Phúc Lâm, Bắc Giang hiện có gần 30 lò mổ trâu bò. Mỗi ngày, ở đây giết mổ vài chục tới hàng trăm con trâu, bò và xả thải trực tiếp ra ao hồ xung quanh hàng chục năm trời.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN