Nhìn lại vụ việc ở Đồng Tâm - Bài 4: Cần tỉnh táo, có trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội

Sau vụ việc vi phạm pháp luật, đau lòng ở Đồng Tâm, trên mạng xã hội lan tràn rất nhiều luồng thông tin khác nhau, thậm chí nhiễu loạn. Trong biển thông tin đó có nhiều thông tin sai sai lệch, bịa đặt, suy diễn vô căn cứ, chỉ trích chính quyền địa phương, nói xấu Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Lực lượng chức năng bước đầu xác định một số cá nhân, tổ chức còn lợi dụng sự kiện này để kích động, làm nóng tình hình với âm mưu bạo loạn, gây rối. Vụ việc đang tiếp tục được các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương vào cuộc giải quyết, nhằm xử lý nghiêm những kẻ vi phạm pháp luật, giúp người dân xã Đồng Tâm ổn định cuộc sống.

Nhìn lại vụ việc để thấy rõ, nếu không tiếp nhận và tự đánh giá thông tin một cách chọn lọc, người dùng mạng xã hội rất dễ bị "mắc bẫy", tin theo những thông tin bịa đặt, luận điệu xuyên tạc, thậm chí vi phạm các quy định của pháp luật khi phát tán, lan tỏa những thông tin này.

Tỉnh táo trước thông tin nhiễu loạn

Chú thích ảnh
Ngày 10/1/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ đã tạm giữ hình sự đối tượng Chung Hoàng Chương, chủ tài khoản Facebook “Chương May Mắn” do đăng tải nhiều bài viết có nội dung xuyên tạc, làm mất uy tín của cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang trong vụ chống người thi hành công vụ xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Ảnh: TTXVN phát

Việt Nam hiện có hơn 400 trang mạng xã hội được cấp phép hoạt động, trong đó Facebook và YouTube là hai mạng xã hội có ảnh hưởng nhất. Riêng Facebook có trên 60 triệu người dùng tại Việt Nam. Sử dụng mạng xã hội đã trở thành thói quen của phần đông người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ.

Bên cạnh những người sử dụng mạng xã hội với mục đích lành mạnh như kết bạn, tâm sự, chia sẻ..., không ít kẻ lợi dụng mạng xã hội để phát tán các thông tin xấu, thông tin độc hại nhằm kích động, gây rối, trong đó phải kể đến hàng loạt chuyên trang của các tổ chức phản động lưu vong, thù địch, chống đối.

Nhìn lại những ngày qua, có thể thấy thông tin về vụ việc ở Đồng Tâm rất “nóng” trên các trang mạng xã hội, trong đó rất nhiều thông tin lệch lạc, sai sự thật. Dù không có nguồn tin đáng tin cậy, không có mặt tại hiện trường, vậy mà không ít người vẫn đăng tải những thông tin vô căn cứ, tường thuật diễn biến vụ việc như thể đang được chứng kiến. Nhiều Facebooker dù không hiểu bản chất sự việc, nhưng vẫn đăng các bài bình luận mang tính chủ quan, phiến diện, mục đích gây sự chú ý, câu like, câu view. Họ bình luận ác ý, dùng ngôn ngữ thiếu văn hóa để miệt thị chính quyền, các cơ quan chức năng.

Đáng tiếc là nhiều người tham gia mạng xã hội khi tiếp nhận những thông tin sai lệch đó lại hùa theo, bình luận theo suy đoán chủ quan, chẳng khác “đổ thêm dầu vào lửa”, khiến vụ việc ở Đồng Tâm bị “biến dạng”, thay đổi bản chất trên các trang mạng xã hội.

Bên cạnh đó, các thế lực thù địch, những phần tử bất mãn, cơ hội lợi dụng cơ hội phát tán thông tin xấu, độc, sai sự thật, tuyên truyền xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Nhẫn tâm hơn, không ít kẻ sử dụng hình ảnh các chiến sỹ công an đã hy sinh và gia đình, người thân của họ để đưa thông tin sai trái với ý đồ đen tối, nhằm lợi dụng, lôi kéo những người tham gia mạng xã hội chưa có ý thức cảnh giác phụ họa theo, làm lan rộng thông tin xấu độc, kích động gây rối, bạo loạn.

Thực tế trong gần 3 năm qua, Trung ương, chính quyền địa phương đã rất quan tâm giải quyết các tồn tại ở Đồng Tâm. Thanh tra Chính phủ, Thanh tra thành phố Hà Nội đã vào cuộc và có kết luận: Theo quy định của pháp luật về đất đai, toàn bộ đất sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng, được Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội giao đất cho các đơn vị quân đội quản lý và sử dụng vào mục đích quốc phòng. Nhiều cuộc đối thoại giữa lãnh đạo thành phố, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ với người dân xã Đồng Tâm và các xã tiếp giáp với sân bay Miếu Môn đã được tổ chức công khai, minh bạch, đúng pháp luật, để nhân dân hiểu rõ và đồng thuận với các chủ trương của thành phố, của Nhà nước. Đồng thời, Thành phố cũng quan tâm giải quyết thấu đáo quyền lợi cho các hộ dân liên quan trong khu vực sân bay Miều Môn, theo đúng quy định.

Từ ngày 31/12/2019, một số đơn vị của Bộ Quốc phòng phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành xây dựng tường rào bảo vệ Sân bay Miếu Môn theo kế hoạch. Nhưng đến sáng 9/1/2020, một số đối tượng đã sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng... tấn công người thi hành công vụ, sát hại 3 cán bộ, chiến sĩ công an. Trong quá trình này, 1 đối tượng chống đối chết, 1 đối tượng bị thương.

Diễn biến vụ việc đã được các cơ quan chức năng, chính quyền Thành phố thông tin công khai trước công luận. Vậy mà các phần tử thiếu thiện chí đã tìm cách đưa các thông tin mập mờ, thậm chí thông tin bóp méo sự thật… gây hoang mang dư luận, biến những kẻ vi phạm pháp luật, hung hãn, sát hại người bảo vệ pháp luật, thực thi công vụ thành những “người hùng”. Nhiều kẻ còn đi xa hơn trong việc phát tán thông tin, hình ảnh không đúng sự thật để kêu gọi sự can thiệp của một số tổ chức bên ngoài thiếu thiện chí với Việt Nam.

Bởi vậy, mỗi người dân khi tham gia mạng xã hội cần hết sức tỉnh táo, sáng suốt, chọn lọc, tiếp cận những thông tin chính thức, chính thống, không nghe theo và phát tán những thông tin thiếu căn cứ, chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội.

Bảo đảm thực thi theo pháp luật

Đối diện với tin giả, tin xấu độc trên mạng xã hội không phải là câu chuyện của riêng Việt Nam, mà là vấn nạn của cả thế giới. Để đối phó với tình trạng này, nhiều nước trên thế giới đã đặt ra những đạo luật, quy định xử lý rất nghiêm minh, có tính răn đe. Điển hình, tại Đức đã thông qua Luật NetzDG có hiệu lực từ tháng 10/2017. Luật ra đời nhằm đáp lại lời kêu gọi kiểm soát mạng xã hội trong bối cảnh thông tin giả, kỳ thị chủng tộc lan tràn trên các kênh này.

Theo Luật này, các công ty quản lý mạng xã hội có thể bị phạt hơn 60 triệu USD nếu không loại bỏ thông tin được xác định "phi pháp rõ ràng" trong 24 giờ kể từ thời điểm được thông báo. Với những trường hợp khó phân định hơn, đơn vị quản lý có 7 ngày để làm việc. Luật đồng thời yêu cầu các trang mạng xã hội hỗ trợ để người dùng có thể nhanh chóng thông báo với nhà quản lý những trường hợp vi phạm.

Trên phạm vi châu Âu, tháng 11/2017 Ủy ban châu Âu (EC) đã bắt đầu tổ chức tham vấn về chiến lược ngăn chặn tin giả. EC thông báo đến tháng 10/2018 các mạng xã hội và nền tảng công nghệ phải đạt được quy tắc ứng xử chống tin giả, sau đó EC sẽ quyết định các biện pháp bổ sung.

Một ví dụ khác có thể kể đến là trong năm 2019, Singapore đã thông qua đạo luật Bảo vệ khỏi sự thao túng và lừa dối trực tuyến, trong đó có các hình phạt nghiêm khắc đối với việc sử dụng mạng xã hội để lan truyền tin giả với dụng ý xấu, gây tổn hại lợi ích cộng đồng. Khi phát hiện tin giả (tuyên bố, bài viết sai sự thật) trên mạng xã hội, các nhà quản lý Singapore có quyền yêu cầu người dùng mạng xã hội liên quan đăng “cải chính” bên cạnh tin giả. Nếu không tuân thủ yêu cầu này, tùy theo mức độ, họ có thể bị phạt lên đến 20.000 đô la Singapore hoặc tối đa 12 tháng tù hoặc cả hai. Người lan truyền tin giả với dụng ý xấu, gây tổn hại nghiêm trọng lợi ích cộng đồng có thể đối mặt với bản án 10 năm tù.

Các cơ quan quản lý Singapore cũng có quyền yêu cầu các công ty mạng xã hội đăng cải chính bên cạnh tin giả hoặc gỡ bỏ tin trong các trường hợp nghiêm trọng hoặc khẩn cấp. Họ cũng có quyền yêu cầu các công ty mạng xã hội gỡ bỏ các tài khoản giả hay các phần mềm tự động được sử dụng để lan truyền tin giả. Nếu không tuân thủ, các công ty mạng xã hội có thể bị phạt lên đến 1 triệu đô la Singapore.

Tại Việt Nam, Luật An ninh mạng có hiệu lực từ 1/1/2019, tạo hành lang pháp lý để đáp ứng yêu cầu của công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng. Theo quy định của Luật, các tổ chức, cá nhân soạn thảo, đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung vi phạm phải gỡ bỏ thông tin khi có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm.

Tại Điều 8, Luật An ninh mạng quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm sử dụng không gian mạng tổ chức, lôi kéo, xúi giục, đào tạo, huấn luyện người chống nhà nước (ví dụ như hành vi đăng tải, phát tán thông tin kích động biểu tình trái pháp luật, kích động gây rối an ninh, trật tự); xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; phát tán thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác...

Liên quan đến vụ viêc ở Đồng Tâm, trước tình trạng lan tràn thông tin thiếu chuẩn xác, thiếu căn cứ, thông tin xấu độc trên mạng xã hội, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã yêu cầu các nhà cung cấp mạng xã hội phải tuân thủ luật pháp của Việt Nam, gỡ bỏ các nội dung xuyên tạc, kích động; đồng thời xử lý nghiêm hành vi vi phạm trên mạng xã hội.

Ngày 10/1/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ đã tạm giữ hình sự đối tượng Chung Hoàng Chương, chủ tài khoản Facebook “Chương May Mắn” do đăng tải nhiều bài viết có nội dung xuyên tạc, làm mất uy tín của cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang trong vụ chống người thi hành công vụ xảy ra tại xã Đồng Tâm.

Theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan chức năng của Bộ đã phối hợp yêu cầu các mạng xã hội trong và ngoài nước gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật, thông tin sai sự thật, kích động bạo lực trên các nền tảng, đặc biệt là các nền tảng xuyên biên giới. Đồng thời, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cũng khuyến cáo người dân cần tỉnh táo, trang bị bộ lọc với các thông tin không được kiểm chứng tung ra với mục đích phá hoại sự ổn định kinh tế - xã hội tại Việt Nam.

Trước các luồng thông tin đa chiều, mỗi người sử dụng mạng xã hội đều cần tỉnh táo, sáng suốt để nhận diện được những thông tin xấu độc, không để các thông “nhiễu” chi phối làm hiểu sai bản chất sự việc. Bên cạnh đó, mỗi người đều cần có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội, tuân thủ nghiêm quy định Luật An ninh mạng và Luật liên quan, không tham gia kích động, gây hoang mang dư luận xã hội.

Phúc Hằng (TTXVN)
Nhìn lại vụ việc ở Đồng Tâm - Bài 3: Bài học đắt giá từ sự buông lỏng quản lý về đất đai
Nhìn lại vụ việc ở Đồng Tâm - Bài 3: Bài học đắt giá từ sự buông lỏng quản lý về đất đai

Việc buông lỏng quản lý nhà nước về đất đai tại xã Đồng Tâm trong một thời gian dài đã tạo nên lỗ hổng để các thành phần cơ hội lợi dụng xuyên tạc và kích động chống đối.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN