Người quay clip cụ bà bị bạo hành, không vào can ngăn có bị xử lý?

Đối tượng Nguyễn Thị Hoa (sinh năm 1964, ngụ tại ấp 4, xã Long Hòa, Cần Đước, tỉnh Long An) vừa bị lực lượng chức năng huyện Cần Đước (tỉnh Long An) bắt tạm giam để điều tra, làm rõ hành vi "ngược đãi mẹ ruột". Tuy nhiên, dư luận cũng đặt câu hỏi trong trường hợp này, người quay clip có bị xử lý vì không can ngăn hay không.

Theo lãnh đạo công an tỉnh Long An, cơ quan điều tra đang xác minh làm rõ trách nhiệm của người quay clip ghi lại cảnh bà Hoa bạo hành mẹ ruột. Qua đó, cơ quan điều tra sẽ làm rõ người quay clip có can ngăn hành vi bạo hành hay dửng dưng nhìn, quay clip.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức ngày 10/9, luật sư Phạm Thu Hà - Văn phòng Luật sư Trung Hòa nói: “Theo thông tin ban đầu, người quay clip con gái bạo hành mẹ già gây bức xúc gần đây chính là cháu ngoại của nạn nhân, tức là con gái của đối tượng thực hiện hành vi bạo hành. Việc quay lại clip nêu trên từ thời điểm rất lâu nhưng người quay clip lại không ngăn cản, tố giác với cơ quan chức năng về hành vi vi phạm của mẹ mình.  Việc không tố giác cũng được coi là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật”.

Theo luật sư Phạm Thu Hà, cơ quan cảnh sát điều tra cần phải xem xét cụ thể người cháu này có cùng với người mẹ đã bạo hành bà ngoại hay không để tiến hành xử lý. Trường hợp người quay clip không phải đồng phạm với hành vi của bị can thì hành vi của người quay clip về cơ bản sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS). Lý do: Theo Bộ Luật hình sự, tại  Điều 18 về che giấu tội phạm và Điều 19 về hành vi không tố giác tội phạm thì khoản 2 của cả 2 điều luật nêu trên đều loại trừ TNHS đối với con của người phạm tội (trừ tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc các tội xâm phạm an ninh Quốc gia).

Hơn nữa, bị can trong vụ việc này đã bị khởi tố theo Điều 185 Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Tại Điều 389 quy định về tội Che giấu tội phạm thì hành vi không báo với cơ quan chức năng không được xác định là phạm tội Che giấu tội phạm. Theo quy định tại Điều 390 thì cũng chưa đủ để xác định có dấu hiệu phạm tội Không tố giác tội phạm.

"Có thể về mặt pháp lý, hành vi của người quay clip không bị truy cứu TNHS nhưng về mặt đạo đức và truyền thống thì hành vi trên vi phạm nghiêm trọng đạo đức và truyền thống của người Việt Nam. Con cháu có trách nhiệm quan tâm, chăm sóc ông bà cha mẹ đặc biệt là khi già yếu, nhưng thay vào đó thì lại bạo hành và dửng dưng bỏ qua những hành vi đó là không thể chấp nhận được", luật sư Phạm Thu Hà nói.

Luật sư Phạm Thu Hà chia sẻ thêm: Thực tế, có rất nhiều sự việc hành vi vi phạm pháp luật xảy ra và có người ghi nhận lại được bằng biện pháp quay clip, chụp ảnh… nhưng họ không đủ điều kiện hoặc không thể ngăn cản hành vi vi phạm đó tại thời điểm vi phạm xảy ra. Tuy nhiên, khi có được những đoạn clip, hình ảnh ghi nhận lại được các sự việc hay các hành vi vi phạm thì cần phải cung cấp ngay cho cơ quan chức năng để tố giác tội phạm nhằm tiến hành xử lý nhanh nhất có thể.  Hoặc trong trường hợp hành vi vi phạm đang xảy ra thì phải báo ngay cho cơ quan chức năng để ngăn chặn và xử lý ngay. Đây cũng là một biện pháp để ngăn chặn hậu quả xảy ra. 

 

Minh Phương/Báo Tin tức
Vụ cháu bé bị bố bạo hành tại Bắc Ninh: Khởi tố bị can đối với Đặng Trung Kiên
Vụ cháu bé bị bố bạo hành tại Bắc Ninh: Khởi tố bị can đối với Đặng Trung Kiên

Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Đặng Trung Kiên (sinh năm 1974, trú ở khu phố Tân Lập, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) về các tội: "Tàng trữ trái phép chất ma túy" theo Điều 249 - Bộ luật Hình sự năm 2015, "Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình" theo Điều 185 - Bộ luật Hình sự năm 2015, “Tàng trữ vũ khí quân dụng” theo Điều 304 -Bộ luật Hình sự 2015.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN