Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong và quốc tế. Bên cạnh những lợi ích kinh tế to lớn từ phát triển du lịch đem lại thì hoạt động này cũng đang phải đối mặt với cảnh báo gia tăng tội phạm xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE) qua đường du lịch.
Gia tăng loại tội phạm mới
Theo thống kê của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, trong 5 năm qua (2007 - 2011) đã khởi tố hơn 6.500 vụ với gần 6.800 bị can liên quan đến tội phạm du lịch tình dục trẻ em. Trong đó, viện kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố gần 5.300 vụ với hơn 5.800 bị can, tòa án các cấp đã đưa ra xét xử hơn 5.200 vụ với hơn 5.700 bị cáo. Ngoài ra, tội “mua bán, đánh tráo, hoặc chiếm đoạt trẻ em” đã khởi tố điều tra 293 vụ/605 bị can, truy tố 220 vụ/452 bị can và đã xét xử 219 vụ/436 bị can. Nạn nhân của các hành vi XHTDTE qua đường du lịch chủ yếu là những em bé còn rất nhỏ, có trường hợp chỉ 2, 3 tuổi. Tuy nhiên, đối tượng phạm tội không chỉ là người Việt Nam mà còn có cả những đối tượng người nước ngoài.
Bà Zhulydyz Akisheva, Giám đốc Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết: Việc phát triển du lịch đang tồn tại nguy cơ gia tăng tội phạm XHTDTE. Vấn đề này có ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, Việt Nam và khu vực Đông Nam Á cũng không là một ngoại lệ. Mặc dù trong những năm qua Việt Nam cũng như các nước trong khu vực đã nỗ lực để ngăn chặn song nó thực sự là một thách thức và ngày càng mở rộng.
Tuy nhiên, tiến sĩ Trần Văn Dũng (Bộ Tư pháp Việt Nam) cho rằng: Việc phát triển du lịch không phải là nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng tội phạm XHTDTE, mà nguyên nhân xuất phát từ nhân cách lệch lạc, lối sống buông thả cũng như “niềm tin mù quáng” của nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế. Ngoài ra tình trạng nghèo đói, thất học, lối sống đua đòi của một bộ phận trẻ em là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Đơn cử như tại TP Hồ Chí Minh, các nạn nhân chủ yếu có hoàn cảnh khó khăn, thất học, bị các đối tượng rủ rê, lôi kéo. Tại Cần Thơ, các đối tượng dùng thủ đoạn dụ dỗ mua chuộc nạn nhân như cho xem phim đồi trụy để kích thích sự tò mò hoặc lợi dụng nạn nhân không có người lớn quản lý để thực hiện hành vi phạm tội. Còn tại Bà Rịa - Vũng Tàu, thường do bố mẹ và con cái có mâu thuẫn nên các em bỏ học đi chơi, dễ dàng bị lôi kéo dụ dỗ trở thành nạn nhân…
Hoàn thiện hệ thống pháp luật
Thực tế cho thấy, tội phạm XHTDTE qua đường du lịch đang tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, với các hình thức vi phạm chủ yếu như: Khách du lịch tự tìm kiếm hoặc thông qua môi giới là nhân viên quản lí, xe ôm, hướng dẫn viên du lịch, lái xe taxi… để thực hiện hành vi phạm tội với trẻ em ở nơi mà họ du lịch. Hoặc một số đối tượng tổ chức đường dây mua bán trẻ em để phục vụ các dịch vụ, đường dây sextour, cung cấp các dịch vụ tình dục cho khách du lịch…
Tuy nhiên, công tác điều tra và phát hiện loại tội phạm này đang vướng phải nhiều khó khăn do hệ thống pháp luật Việt Nam chưa có một điều luật quy định cũng như khái niệm đầy đủ về tội phạm du lịch tình dục trẻ em. Thêm vào đó nhiều điểm chưa tương thích với luật pháp quốc tế như độ tuổi của trẻ em, một số biện pháp trinh sát, kỹ thuật được pháp luật nhiều nước công nhận nhưng chưa được sử dụng trong hệ thống pháp luật nước ta. Mặt khác, các đối tượng phạm tội thường dùng tiền, vật chất hoặc sự nhạy cảm để đánh đổi sự im lặng của nạn nhân.
Việc thu thập các chứng cứ phạm tội trong các vụ XHTDTE thường rất khó xác định và thu thập do đó quá trình xử lí thường thiếu chứng cứ. Chưa kể đây là loại tội phạm nhạy cảm và rất mới nên nhiều cán bộ điều tra viên còn thiếu kinh nghiệm, cùng với các yếu tố nước ngoài như phải xác minh nhân thân qua đường ngoại giao, bất đồng ngôn ngữ…
Chính vì vậy, để hạn chế tình trạng trạng này, ông Vũ Việt Hùng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng: Chúng ta cần hoàn thiện các quy định của pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự liên quan đến người chưa thành niên, đặc biệt là trẻ em; cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án nhân dân các cấp cần phối hợp chặt chẽ với nhau và với các cơ quan hữu quan khác trong việc đấu tranh ngăn chặn tội phạm, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội trong giai đoạn 2011 - 2015; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nhằm trang bị cho đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán những kiến thức, kinh nghiệm liên quan đến đấu tranh phòng chống tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên cũng như tội phạm xâm hại trẻ em.
Ngoài ra, theo Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an, để ngăn chặn loại tội phạm này, Việt Nam cam kết phối hợp chặt chẽ với Interpol, cảnh sát các nước trao đổi thông tin về loại tội phạm này, để tổ chức điều tra, xác minh các vụ án có liên quan đến loại tội phạm này nhằm đưa ra truy tố, xét xử theo pháp luật Việt Nam cũng như của từng nước.
Hoàng Tuyết