Năm 2011, thu ngân sách của ngành Hải quan vượt ngưỡng 200.000 tỷ đồng

Được sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Bộ Tài chính, nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức, năm 2011, toàn ngành Hải quan đã tích cực triển khai 10 nhiệm vụ trọng tâm, hoàn thành tốt nhiệm vụ đã đề ra. Đặc biệt là năm 2011 toàn ngành Hải quan đã làm thủ tục cho tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu vượt mốc 200 tỷ USD, số thu ngân sách của ngành Hải quan đã vượt ngưỡng 200.000 tỷ đồng (số thu đạt 215.000 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2010) cao nhất từ trước đến nay. Để có được kết quả trên, toàn thể công chức ngành Hải quan đã tích cực triển khai đồng bộ các nội dung sau:

Làm thủ tục mở tờ khai hàng hóa XNK tại Hải quan cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh). Ảnh: Quang Quyết - TTXVN


Một là, đã tham mưu với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan Việt Nam đến năm 2020 theo Quyết định số 448/QĐ-TTg ngày 25/3/2011, tiếp đó Bộ trưởng Bộ Tài chính đã phê duyệt Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan giai đoạn 2011 - 2015 theo Quyết định số 1514/QĐ-BTC ngày 22/6/2011. Đây là cơ hội và cũng là thách thức đối với toàn ngành Hải quan và có một ý nghĩa quan trọng đặc biệt xác định mục tiêu phấn đấu cho công cuộc cải cách hiện đại hóa của Hải quan Việt Nam trong những năm tới.

Hai là, năm 2011, ngành Hải quan bắt đầu công tác chuẩn bị cho dự án hệ thống thông quan tự động VNACCS do Chính phủ Nhật Bản tài trợ trên cơ sở tuyên bố chung ngày 31/10/2011 giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda, trong đó có nêu: “Hai bên khẳng định lại cam kết của mình triển khai dự án thông quan tự động và cơ chế một cửa trên nền tảng công nghệ hệ thống NACCS của Nhật vào Hải quan Việt Nam”. Đến nay, công tác chuẩn bị Dự án được thực hiện theo đúng kế hoạch.

Ba là, tham mưu với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện thí điểm Cơ chế hải quan một cửa quốc gia giai đoạn 2011-2014 theo Quyết định số 48/2011/QĐ-TTg ngày 31/8/2011, kiện toàn Ban chỉ đạo quốc gia Cơ chế một cửa ASEAN và Cơ chế một cửa quốc gia (Ban chỉ đạo) theo Quyết định số 2120/QĐ-TTg.

Bốn là, năm 2011, thủ tục hải quan điện tử (TTHQĐT) đã được triển khai trên diện rộng, nâng cao về chất và mức độ tự động hóa, góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động XNK và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

Năm là, đã tham mưu với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thí điểm thực hiện tiếp nhận bản khai hàng hóa, các chứng từ có liên quan và thông quan điện tử đối với tàu biển nhập cảnh, xuất cảnh theo Quyết định số 19/2011/QĐ-TTg ngày 23/3/2011. Đến nay, Tổng cục Hải quan đang khẩn trương xây dựng phần mềm hệ thống, quy trình thủ tục và quy trình áp dụng quản lý rủi ro trong việc tiếp nhận xử lý thông tin E-manifest.

Sáu là, năm 2011, ngành Hải quan được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao dự toán thu NSNN là: 180.700 tỷ đồng. Với sự cố gắng nỗ lực, đoàn kết, nhất trí của tập thể lãnh đạo Tổng cục Hải quan, các cục Hải quan, các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan trong chỉ đạo, điều hành việc thực thi pháp luật hải quan, pháp luật về thuế, cũng như phát huy tối đa hiệu quả của các biện pháp nghiệp vụ chống thất thu ngân sách, số thu đến 30/12/2011 đạt 215.000 tỷ đồng, tăng 18,9% (215.000/180.700) so với dự toán, tăng 18,4% (215.000/181.485) so với thực hiện năm 2010.

Có được kết quả trên không thể không nhắc đến sự đóng góp của lực lượng kiểm soát hải quan trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia, chống thất thu thuế đồng thời góp phần bình ổn thị trường. Tính đến ngày 15/12/2011, ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ được 19.485 vụ việc vi phạm, trị giá hàng vi phạm ước tính trên 639 tỷ 580 triệu đồng (số vụ tăng 39,9%, trị giá tăng 35,8% so với năm 2010). Số tiền đã xử lý thu nộp ngân sách ước đạt 119 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan ra quyết định khởi tố 7 vụ, chuyển cơ quan khác khởi tố 75 vụ.

Bảy là, năm 2011, chỉ số đánh giá hoạt động hải quan lần đầu tiên được thực hiện một cách có hệ thống và thống nhất trong ngành. Tuy là nhiệm vụ mới nhưng công tác này cũng đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Cụ thể: Đã ban hành Hệ thống chỉ số đánh giá hoạt động thực hiện từ năm 2011 (Quyết định số 1314/QĐ-TCHQ ngày 18/7/2011) bao gồm: 6 chỉ số thuộc Nhóm chỉ số tổng quát và 26 chỉ số thuộc Nhóm chỉ số cụ thể. Kết quả của mỗi chỉ số sẽ là những con số biết nói cả về kết quả công việc đạt được, chất lượng công việc cũng như nêu ra các nội dung cần phải tiếp tục triển khai để đạt được hiệu quả cao hơn.

Tám là, Tổng cục Hải quan đã lấy năm 2011 là “năm kiểm tra sau thông quan” và ban hành Chỉ thị 568/CT-TCHQ ngày 9/2/2011 về Tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan (KTSTQ). Sau một năm thực hiện, có thể đánh giá “Năm KTSTQ” đã rất thành công, tạo được chuyển biến vượt bậc, một cú hích rất mạnh vào hoạt động KTSTQ toàn ngành Hải quan.

Chín là, một trong những mục tiêu của ngành Hải quan là phát triển, nâng cao hiệu quả công tác quản lý rủi ro nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa hải quan và mở rộng TTHQĐT. Theo đó, Tổng cục Hải quan đã trình Bộ Tài chính thành lập Ban Quản lý rủi ro (QLRR) là đơn vị độc lập thuộc cơ quan Tổng cục, trực tiếp chỉ đạo thực hiện thống nhất quy trình áp dụng QLRR trong tất cả các khâu nghiệp vụ trên phạm vi toàn ngành.

Mười là, bên cạnh các mảng công tác nghiệp vụ thì nhiệm vụ xây dựng lực lượng cũng được ngành Hải quan hết sức chú trọng. Nhằm tiếp tục xây dựng lực lượng hải quan trong sạch, vững mạnh, nâng cao uy tín và cải thiện hình ảnh Hải quan trong mắt cộng đồng doanh nghiệp và xã hội, ngày 9/2/2011, Tổng cục trưởng TCHQ đã ban hành Quyết định số 225/QĐ- TCHQ về “Tuyên ngôn phục vụ khách hàng” với phương châm hành động “Chuyên nghiệp- Minh bạch - Hiệu quả” sau một năm triển khai thực hiện, bước đầu đã nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao từ cộng đồng doanh nghiệp.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Túc, trong năm 2012, ngành Hải quan lấy khẩu hiệu hành động là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới”, tạo đà, nền tảng phát triển tăng tốc cho các năm 2013, 2014 và 2015. Theo đó ngành Hải quan sẽ triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Một là, tiếp nhận và triển khai Dự án VNACCS với mục tiêu: Ký kết Hiệp định tài trợ dự án vào tháng 4/2012; Hoàn thành thiết kế chi tiết Hệ thống, sửa đổi và hoàn thiện quy định pháp lý để vận hành VNACCS/VCIS; phát triển chương trình, lập hướng dẫn sử dụng hệ thống, kiểm tra văn bản sửa đổi luật và các quy định pháp lý liên quan.

Hai là, đẩy nhanh tiến độ Cơ chế Hải quan một cửa quốc gia và Asean với mục tiêu: Hoàn thiện cơ sở pháp lý, quy trình thủ tục; hạ tầng CNTT trong tháng 12/2012 để thực hiện thí điểm ở các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), Bộ Giao thông Vận tải và một số cơ quan nhà nước ở địa phương thuộc các ngành tài chính, công thương và giao thông vận tải từ tháng 1 đến tháng 12/2013.

Ba là, tiếp tục triển khai TTHQĐT trong giai đoạn 2012-2015 với mục tiêu: Tiếp tục mở rộng triển khai TTHQĐT trên tinh thần của Quyết định số 103/2009/QĐ-TTg đến các cục Hải quan tỉnh, thành phố phù hợp với lộ trình hoàn thiện khuôn khổ pháp lý (cụ thể là xây dựng Luật Hải quan mới) và việc xây dựng, đưa hệ thống VNACCS/VCIS vào vận hành, đảm bảo việc chuyển đổi hài hòa giữa hệ thống cũ và mới vào năm 2014, đồng thời gắn kết với việc triển khai các Đề án thí điểm e-Manifest, e-Payment.

Bốn là, đẩy mạnh việc triển khai công tác đánh giá chỉ số hoạt động hải quan, với mục tiêu: triển khai Hệ thống chỉ số hoạt động hải quan cả về chiều rộng và chiều sâu, tập trung triển khai chỉ số đo thời gian trung bình giải phóng hàng, chỉ số đánh giá sự hài lòng của khách hàng, phấn đấu có thể công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về chất lượng dịch vụ công của cơ quan hải quan đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Năm là, tăng cường ứng dụng CNTT, với mục tiêu: Tích hợp hệ thống phần mềm theo mô hình xử lý dữ liệu tập trung: Tiếp nhận khai hải quan điện tử (e-Declaration); tiếp nhận thông tin manifest điện tử (e-Manifest); thu thuế XNK điện tử (e-Payment); giấy phép điện tử (e-Permit, C/O) phục vụ hải quan điện tử hiện tại và làm tiền đề tiếp nhận hệ thống VNACCS/VCIS và Cơ chế Hải quan một cửa quốc gia.

Sáu là, nâng cao hiệu quả công tác quản lý rủi ro, với mục tiêu phấn đấu đạt kết quả phân luồng kiểm tra trong năm 2012: miễn kiểm tra (luồng xanh) 61%, kiểm tra hồ sơ (luồng vàng) 28%, kiểm tra thực tế hàng hóa (luồng đỏ) 11%; và nâng cao tỷ lệ phát hiện vi phạm trên 1%.

Bảy là, tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan và chế độ doanh nghiệp ưu tiên.

Tám là, đẩy mạnh công tác thu NSNN, với mục tiêu: thu đạt và vượt chỉ tiêu dự toán ngân sách được giao là 223.900 tỷ đồng; hạn chế ở mức thấp nhất phát sinh nợ mới, phấn đấu nợ thuế chuyên thu quá hạn không vượt quá 2,5% so với số thu ngân sách năm 2012 và thu hồi nợ thuế đến cuối năm 2012 đạt 1.500 tỷ đồng.

Chín là, công tác xây dựng lực lượng, với mục tiêu: Hình thành đội ngũ lãnh đạo các cấp và đội ngũ chuyên gia trong ngành để trước mắt đáp ứng yêu cầu về việc tiếp nhận, xây dựng và vận hành hệ thống VNACCS, kế hoạch cải cách hiện đại hóa hải quan giai đoạn 2011-2015 và lâu dài là thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020.

Mười là, công tác mua sắm trang thiết bị phục vụ hiện đại hóa, với mục tiêu: Giải ngân chi cho mua sắm CNTT, đầu tư trang thiết bị phục vụ hiện đại hóa đạt 90%.

PV

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN