Trước đó, trong phiên tòa xét xử hồi tháng 1/2018, Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang đã quyết định trả hồ sơ và yêu cầu điều tra bổ sung để đánh giá lại tính chất nghiêm trọng của vụ án buôn bán rùa biển lớn nhất thế giới này.
Theo ghi nhận của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Nha Trang đã hoàn thành cáo trạng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Hoàng Tuấn Hải theo quy định tại khoản 2 Điều 190 BLHS 1999 với khung hình phạt từ 2 đến 7 năm tù. Cáo trạng này thay thế cho cáo trạng ngày 1/3/2017 truy tố đối tượng Hải theo Khoản 1 Điều 190, với khung hình phạt phạt tiền từ 50 triệu đến 500 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên chia sẻ: “Trung tâm hoàn toàn đồng tình với nội dung bản cáo trạng mới. Đây là kết quả từ nỗ lực của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc làm rõ các tình tiết của vụ án và đề xuất khung hình phạt phù hợp với thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng của hành vi phạm tội. Trung tâm hi vọng Hội đồng xét xử sẽ tiếp tục giữ vững quan điểm nghiêm khắc, việc áp dụng mức hình phạt tù giam và hình phạt bổ sung tương xứng với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng của hành vi là rất cần thiết và hoàn toàn hợp lý, tiếp nối chiến công bắt giữ đối tượng buôn bán rùa biển với số lượng lớn nhất trong lịch sử”.
Trước đó, ngày 20/3, Nguyễn Mậu Chiến, đối tượng bị nghi ngờ cầm đầu đường dây buôn bán ngà voi, sừng tê giác, vảy tê tê và các sản phẩm từ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm khác từ châu Phi về Việt Nam đã bị Tòa án nhân dân quận Hà Đông, Hà Nội tuyên án 13 tháng tù giam đối vì tội “Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm”. Việc xử lý triệt để những đối tượng cầm đầu các đường dây buôn bán động vật hoang dã sẽ góp phần răn đe các đối tượng đã đang và có ý định vi phạm không tiếp tục thực hiện các hành vi hủy hoại đa dạng sinh học cũng như đảm bảo thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế về bảo vệ động vật hoang dã.