Mô hình phòng xử án mới - bình đẳng, dân chủ, khách quan

Việc đổi mới vị trí ngồi của những người tiến hành tố tụng, người tham gia không chỉ là sự thay đổi về hình thức phiên tòa, mà còn là sự thể hiện tinh thần đổi mới, cải cách tư pháp từ mô hình tố tụng xét hỏi sang mô hình tranh tụng; coi tranh tụng là khâu đột phá.

Quang cảnh phiên tòa xét xử vụ án tham ô tài sản xảy ra tại PVP Land sáng 3/2/2018. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Quy định về phòng xử án mới theo Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC của Tòa án nhân dân tối cao mới có hiệu lực từ 1/1/2018 đã được triển khai rộng rãi tại các cấp Tòa án, thể hiện được đúng vị trí, vai trò của tất cả các thành phần trong hội trường xét xử nhằm tạo điều kiện để những người tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng được thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ.

Bắt đầu bình đẳng từ chỗ ngồi

Trong các phiên tòa, vị trí ngồi của người tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng không chỉ là về hình thức mà còn phản ánh cả bản chất các cơ quan bảo vệ pháp luật và bản sắc văn hóa của dân tộc cũng như văn hóa tư pháp.

Sau khi có Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1959, mô hình vị trí chỗ ngồi của những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng thường được bố trí như sau: Phần trên cao trong phòng xử án phía dưới Quốc huy, chính giữa là Hội đồng xét xử; bên phải phía trước so với bàn của Hội đồng xét xử là vị trí ngồi của đại diện Viện Kiểm sát và bên trái phía trước so với bàn của Hội đồng xét xử là vị trí ngồi của Thư ký phiên tòa.

Bên dưới phía trước là vành móng ngựa (nơi bị cáo đứng, hoặc được phép ngồi để khai báo tại tòa...); bên cạnh, phía sau vành móng ngựa có thể có bàn đặt vật chứng, bàn để người làm chứng, bàn để người bị hại đứng trình bày ý kiến. Hai bên hội trường sát với phía Hội đồng xét xử, đại diện Viện Kiểm sát, Thư ký phiên tòa là nơi bố trí cho Luật sư, người bảo vệ quyền lợi cho những người tham gia tố tụng hoặc cho người giám định, người phiên dịch (nếu có). Ngoài ra, trong một số vụ án được dư luận báo chí trong và ngoài nước quan tâm, Tòa án còn bố trí phòng cho các phóng viên tham dự phiên tòa...

Trước đây, việc bố trí chỗ ngồi cho người tiến hành tố tụng hay tham gia tố tụng từ trước đều do Tòa án quyết định. Điều này dẫn đến tình trạng việc tổ chức phiên tòa, bố trí vị trí ngồi không thống nhất giữa các địa phương trong cả nước, chưa thể hiện được hết vai trò, chức năng đặc thù riêng của từng cơ quan, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng. Trong đó, có nhiều ý kiến về việc bố trí, sắp xếp vị trí chỗ ngồi của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, đặc biệt là tương quan vị trí ngồi của đại diện Viện kiểm sát và Luật sư.

Giới Luật sư, các chuyên gia pháp luật đều cùng quan điểm cho rằng, người bào chữa (Luật sư) phải ngồi ngang hàng với đại diện Viện Kiểm sát mới thể hiện bản chất hoạt động xét xử vụ án hình sự; phản ánh sự văn minh, bình đẳng trước pháp luật, bình đẳng trước Tòa án trong việc thực hiện nhiệm vụ của mỗi bên (buộc tội và gỡ tội).

Theo Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, tinh thần của cải cách tư pháp là lấy Tòa án làm trung tâm, xét xử là trọng tâm, tranh tụng là khâu đột phá. Phán quyết của tòa phải dựa trên kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Muốn tranh tụng tốt phải bảo đảm sự bình đẳng giữa bên buộc tội và bên gỡ tội không những về nội dung mà cả hình thức là vị trí ngồi.

"Nhiều người cho rằng thay đổi chỗ ngồi chưa chắc tạo nên sự bình đẳng, nhưng không phải vậy. Chỗ ngồi của Luật sư nói lên vị trí pháp lý của Luật sư, tạo ra sự bình đẳng, ít nhất từ cái nhìn ban đầu trong một phiên tòa. Tranh tụng bình đẳng phải bắt đầu bình đẳng từ chỗ ngồi", Luật sư Nguyễn Văn Chiến đưa ý kiến.

Đổi mới hình thức phiên tòa đáp ứng tinh thần cải cách tư pháp

Theo tinh thần cải cách tư pháp hiện nay, hoạt động tranh tụng đòi hòi phải tổ chức phiên tòa theo cách thức phù hợp, trong đó Hội đồng xét xử giữ vị trí là "trọng tài" xem xét quyết định, phân định trên cơ sở hoạt động tranh tụng của bên buộc tội và bên gỡ tội; bên nguyên đơn và bên bị đơn. Tòa án dần dần hạn chế khâu xét hỏi, thẩm vấn theo quy trình buộc tội trước đây mà tập trung xét hỏi làm rõ vấn đề để giải quyết cho đúng pháp luật và đạo lý. Hoạt động trên làm thay đổi bản chất của việc tiến hành tố tụng, do đó đòi hỏi phải quy định rõ các hoạt động tố tụng nói chung, tổ chức mô hình tổ chức các phiên tòa nói tiêng nhằm bảo đảm hoạt động tranh tụng được tiến hành hiệu quả.

Ngày 28/7/2017, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã ký ban hành Thông tư 01/2017/TT-TANDTC. Theo Thông tư này, điểm đổi mới đột phá đối với Phòng xử án hình sự sơ thẩm, phúc thẩm là vị trí của Hội đồng xét xử được bố trí trên bục cao nhất, phía dưới Quốc huy. Vị trí của Thư ký phiên tòa được bố trí dưới một cấp, quay lưng vào Hội đồng xét xử. Vị trí của đại diện Viện Kiểm sát và Luật sư được bố trí đối diện với nhau trên cùng một mặt bằng và ở dưới vị trí của Thư ký phiên tòa (trước đây, Hội đồng xét xử, đại diện Viện Kiểm sát, Thư ký phiên tòa ngồi ở bục cao nhất, trên cùng một mặt bằng).

Ngày 1/1/2018, khi Thông tư này có hiệu lực, Luật sư chính thức được ngồi ngang hàng với đại diện Viện Kiểm sát trong các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm. Quy định này đã được các Tòa án triển khai theo đúng tinh thần của cải cách tư pháp. Đồng thời, việc bố trí này phù hợp với nhiều quốc gia trên thế giới như Hoa Kỳ, Australia, Canada, Nhật Bản, Trung Quốc, Liên bang Nga...

Theo Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang, thực tiễn đổi mới hình thức phiên tòa thời gian qua cho thấy, việc tranh tụng giữa Kiểm sát viên với Luật sư và những người tham gia tố tụng khác dân chủ, bình đẳng hơn. Tại phiên tòa, đặc biệt là phần tranh luận, bị cáo, người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự được quyền trình bày ý kiến tranh luận của mình, được tham gia đối đáp với các ý kiến, quan điểm trái ngược với ý kiến, quan điểm của mình một cách công bằng, dân chủ và khách quan.

XT (TTXVN)
Phiên tòa xét xử Phạm Công Danh: Tranh tụng nghĩa vụ bồi hoàn 6.126 tỷ đồng cho VNCB
Phiên tòa xét xử Phạm Công Danh: Tranh tụng nghĩa vụ bồi hoàn 6.126 tỷ đồng cho VNCB

Ngày 30/1, tiếp tục phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm giai đoạn 2, các luật sư đã tập trung tranh tụng nghĩa vụ bồi hoàn 6.126 tỷ đồng cho VNCB từ 3 ngân hàng BIDV, Sacombank, TPBank như cáo buộc của bản cáo trạng và quan điểm luận tội của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên toà.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN