Cụ thể, đợt kiểm tra sẽ kéo dài từ ngày 23/9 đến ngày 20/12/2024, tập trung kiểm tra, xử lý “xe dù, bến cóc”, “xe trá hình tuyến cố định” (xe hợp đồng hoạt động như xe tuyến cố định), “xe ghép, xe tiện chuyến”. Tổ công tác liên ngành sẽ tổ chức các đợt tuần tra, xử lý vi phạm một cách thường xuyên, liên tục; luôn thay đổi địa bàn và thời gian tuần tra, kiểm tra trong ngày. Đồng thời tăng cường áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm; đặc biệt là đối với "xe dù, bến cóc", xe trá hình tuyến cố định, xe ghép, xe tiện chuyến…
Trong quá trình triển khai, lực lượng chức năng sẽ tập trung kiểm tra, xử lý đối với các hành vi vi phạm như xe chạy không đúng hành trình, lịch trình vận tải, không có xác nhận của hai đầu bến xe; các trường hợp dừng, đỗ, đón, trả khách trái quy định; xe, đơn vị vận chuyển khách theo hợp đồng mà không có (hoặc có nhưng không đúng quy định) hợp đồng vận chuyển; xe không gắn thiết bị giám sát hành trình của xe hoặc có gắn thiết bị nhưng thiết bị không hoạt động...
Các tổ công tác cũng kiểm tra tại các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách nhằm phát hiện và xử lý các trường hợp thành lập điểm giao dịch đón, trả khách tại nhà, đón, trả khách tại các văn phòng đại diện trái phép, gây mất trật tự an toàn giao thông.
Theo Phòng Quản lý phương tiện vận tải và người lái (Sở Giao thông Vận tải Lâm Đồng), trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 100 hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa; trong đó có gần 250 xe chạy tuyến cố định đi hầu khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Ghi nhận trên địa bàn thành phố Đà Lạt hiện vẫn còn nhiều điểm đón, trả khách bên ngoài bến xe liên tỉnh, gây mất an ninh trật tự và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.