Kiểm soát sử dụng hóa chất làm chín hoa quả

Các loại hóa chất kích thích tăng trưởng đang được người sản xuất và kinh doanh sử dụng khá rộng rãi để thúc chín các loại hoa quả như: Sầu riêng, chuối, xoài, đu đủ, hồng xiêm… Thực tế này không chỉ khiến người tiêu dùng hoang mang mà còn cho thấy các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.


Công khai sử dụng


Trong vài tháng gần đây, người dân vô cùng hoang mang khi các cơ quan chức năng liên tiếp bắt được các vụ vận chuyển các loại hóa chất điều hòa tăng trưởng để thúc chín trái cây. Đầu tháng 12/2013, Cục cảnh sát môi trường (Bộ Công an) phối hợp với các đơn vị khác đã phát hiện hơn 16.000 lọ thuốc kích thích sinh học gắn nhãn mác Trung Quốc, có dung tích khoảng 2ml/. Trước đó, giữa tháng 11/2013, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường (PC49) Công an TP Hà Nội đã bắt giữ 80.000 tuýp thuốc kích thích giá đỗ tại ga Yên Viên được vận chuyển từ Lạng Sơn về Hà Nội tiêu thụ. Loại thuốc này có tác dụng kích thích giá đỗ nảy mầm nhanh, mỡ màng. Các vụ bắt giữ với số lượng lớn hóa chất làm chín và kích thích sinh trưởng thời gian gần đây phản ánh thực tế tình trạng sử dụng chất cấm đang diễn ra rất khó kiểm soát.

 

Khó phân biệt đâu là hoa quả được sử dụng thuốc kích thích để ép chín.


Một tiểu thương chuyên kinh doanh hoa quả ở chợ Lê Quý Đôn cho biết, thương lái khi thu mua hoa quả thường mua cả vườn chứ không chờ từng quả chín để hái. Lúc mang về có quả chín, quả xanh nên thường phải dùng hóa chất thúc chín đồng loạt, trông cho đẹp mã, dễ bán. Hơn nữa, nếu không sử dụng hóa chất bảo quản thì nhiều loại hoa quả sẽ rất nhanh bị hỏng”.


Bà Vũ Thị Nhàn, một cán bộ hưu trí tại phường Đồng Nhân (quận Hai Bà Trưng), cho biết: “Gần đây các cơ quan chức năng liên tục bắt được các vụ nhập lậu các loại thuốc kích thích tăng trưởng cho giá đỗ, thuốc thúc chín trái cây. Vì thế, chúng tôi vô cùng lo lắng, không còn dám mua giá đỗ ngoài chợ. Còn đối với hoa quả, tôi cũng không biết nên chọn loại nào vì bằng mắt thường thì không thể phân biệt loại quả nào bị tẩm hóa chất, loại quả nào an toàn”.


Không riêng bác Nhàn mà rất nhiều người tiêu dùng trong thời gian gần đây, đặc biệt khi Tết Nguyên đán đang tới gần khi mua trái cây cũng chung nỗi lo về nguy cơ mất an toàn cho sức khỏe. Bác Nguyễn Thanh Hải, một khách hàng thường xuyên mua trái cây ở chợ Lê Quý Đôn (Hà Nội) bức xúc: “Ở các nước, các mặt hàng liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng được kiểm soát rất chặt chẽ. Nhưng ở nước ta, người tiêu dùng luôn cảm thấy lo lắng bởi nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Như việc sử dụng hóa chất làm chín hoa quả đã được phát hiện từ lâu nhưng dường như các cơ quan chức năng vẫn chưa có giải pháp quản lý hữu hiệu”.


Lúng túng quản lý


Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Hồng, thực ra ở các nước cũng dùng thuốc thúc chín nhưng đó là các hóa chất an toàn và được phép sử dụng. Còn ở nước ta, vẫn chưa có quy định cho phép sử dụng bất cứ loại hóa chất bảo vệ thực vật nào để điều hòa sinh trưởng cả. Mặc dù không được phép nhưng nhu cầu sử dụng các loại thuốc này vẫn rất lớn nên đã xảy ra tình trạng nhập lậu thuốc từ Trung Quốc và các nước để sử dụng.


Ông Nguyễn Xuân Hồng cho biết, hầu hết các thuốc dùng để thúc chín hoa quả trên thị trường chủ yếu là Ethrel. Đây là hoạt chất Ethaphon, dùng để giấm hoa quả được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Còn đối với thuốc kích thích giá đỗ, qua kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm, ghi nhận có hàm lượng cao hoạt chất Cytokinin, một hoócmôn thực vật có tác dụng kìm hãm sự ra rễ và kích thích phát triển thân, mầm. Đây không phải là nhóm thuốc bảo vệ thực vật có tính độc.


Cục Bảo vệ thực vật cho biết, nhiều nước cũng cho phép sử dụng Chlorine, một chất chống ôxy hóa với nồng độ thấp để đóng gói, bảo quản sản phẩm rau quả xuất khẩu. Tuy nhiên, việc sử dụng các loại thuốc này ở các nước được quản lý và quy định rõ ràng. Trong khi đó, tại Việt Nam, do việc nhập khẩu chủ yếu là nhập lậu nên các cơ quan chức năng rất khó kiểm soát đâu là loại thuốc an toàn cho sử dụng. Hơn nữa, hiện nay người dân không có nhiều thông tin về cách sử dụng, nồng độ, liều lượng hóa chất làm chín trái cây, trong khi nếu sử dụng quá liều thì nguy cơ gây mất an toàn cho người sử dụng là rất lớn. Trước thực trạng này, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật cho biết, trước mắt, Cục sẽ làm việc với một số viện nghiên cứu, đơn vị liên quan để sớm công bố một số hóa chất làm chín an toàn để đưa vào danh mục kiểm soát.


Thông thường, những tháng cuối năm, nhu cầu buôn bán, tiêu dùng thực phẩm ra tăng rất mạnh đặt ra cho ngành nông nghiệp phải tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân.


Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Nguyễn Thị Xuân Thu, qua kiểm tra cho thấy, một số người dân đã đặt hàng các loại thuốc bảo vệ thực vật từ nước ngoài. Do đó, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp cùng ngành công thương, hải quan, các lực lượng khác để ngăn chặn tình trạng này, nếu không sẽ rất khó kiểm soát thị trường thuốc điều hòa sinh trưởng và các loại thuốc bảo vệ thực vật khác.


Để quản lý an toàn thực phẩm, ông Phạm Đồng Quảng, Cục trưởng Cục trồng trọt, (Bộ NN&PTNT), Cục đã có công văn gửi các sở yêu cầu quan tâm tới vấn đề an toàn thực phẩm, chú trọng quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, trong đó có hóa chất thúc chín.


Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho biết, sẽ chỉ đạo các cục quản lý có trọng tâm tập trung vào các loại rau, quả có nguy cơ mất an toàn thực phẩm trong dịp cuối năm để người dân yên tâm hơn khi sử dụng nông sản.


Bài và ảnh: Phi Sơn

'Thần dược' chín trái núp bóng 'phân bón lá'
'Thần dược' chín trái núp bóng 'phân bón lá'

Thuốc ép chín trái cây hiệu “Trái Chín” được ví như thứ “thần dược” hô biến trái xanh thành trái chín đang được sử dụng rộng rãi, nhưng trong đăng ký sản xuất lại là... phân bón lá.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN