Đây là vụ án thu hút sự quan tâm chú ý đặc biệt của dư luận xã hội do tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội của các bị cáo đều là những cán bộ xã Đồng Tâm và huyện Mỹ Đức.
Cách đây 1 năm, Tòa án nhân dân huyện Mỹ Đức đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 14 bị cáo trong vụ án này về các tội: “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và tuyên phạt các bị cáo mức án tù từ 18 tháng tù treo đến 6 năm 6 tháng tù.
Bản án sơ thẩm nhận định, từ năm 2002 đến năm 2013, do buông lỏng công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai tại địa bàn xã Đồng Tâm, các bị cáo: Nguyễn Văn Bột, Nguyễn Văn Sơn, Lê Đình Thuần, Nguyễn Xuân Trường, Nguyễn Tiến Triển và một số bị cáo nguyên là cán bộ chủ chốt của địa phương vì động cơ vụ lợi đã thực hiện việc cấp, giao đất (trái thẩm quyền), hợp thức đất lấn chiếm cho một số hộ dân trái quy định.
Còn 4 bị cáo nguyên là những cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai huyện Mỹ Đức, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mỹ Đức đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định, thẩm tra nguồn gốc đất dẫn đến việc ký xác nhận không có căn cứ.
Sau phiên tòa sơ thẩm, 10 trên tổng số 14 bị cáo trong vụ án đã làm đơn kháng cáo đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét lại bản án sơ thẩm đã tuyên.
Trong đó, bị cáo Phạm Hữu Sách (nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mỹ Đức) kháng cáo đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét lại vụ án và hành vi của bị cáo.
Chín bị cáo gồm: Lê Đình Thuần (nguyên là Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm), Nguyễn Tiến Triển (nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm), Nguyễn Văn Đức (nguyên Chủ tịch HĐND xã Đồng Tâm), Bùi Văn Dũng (nguyên Trưởng ban Tài chính xã Đồng Tâm), Bùi Văn Hồng (nguyên Xã đội trưởng xã Đồng Tâm), Nguyễn Văn Minh (nguyên Trưởng Công an xã Đồng Tâm), Nguyễn Văn Khang (nguyên kế toán ngân sách xã Đồng Tâm), Đinh Văn Dũng (nguyên Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai huyện Mỹ Đức), Bạch Văn Đông (nguyên Phó Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai huyện Mỹ Đức) có chung đề nghị Tòa cấp phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt.
Cả 9 bị cáo đều bày tỏ thái độ ăn năn hối cải, thừa nhận hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Các bị cáo cho rằng hình phạt mà Tòa cấp sơ thẩm đã tuyên là cao hơn mức độ hành vi vi phạm của các bị cáo, do vậy đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.
Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm sáng 10/8, 2 bị cáo Phạm Hữu Sách và Đinh Văn Dũng vắng mặt không có lý do. Luật sư Vương Cẩm Vân (bào chữa cho bị cáo Đinh Văn Dũng) có đơn xin hoãn phiên tòa do trùng lịch xét xử với một vụ án khác. Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Tiến Triển cũng kiến nghị với Hội đồng xét xử về việc sức khỏe của bị cáo không được tốt nên xin phép được ngồi trong suốt quá trình diễn ra phiên tòa.
Kiểm sát viên của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội giữ quyền công tố tại phiên tòa đã nêu quan điểm: Do vụ án có tính chất phức tạp, cần có mặt đầy đủ các bị cáo tại phiên tòa, việc bị cáo vắng mặt sẽ gây khó khăn, cản trở cho việc xét xử. Vì vậy, kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử cho hoãn phiên tòa.
Sau khi tham khảo ý kiến của các luật sư có mặt tại phiên tòa và tiến hành hội ý, Hội đồng xét xử cho rằng bị cáo Phạm Hữu Sách có đơn kháng cáo kêu oan nên bị cáo Sách cần thiết phải có mặt tại phiên tòa; việc vắng mặt của bị cáo Đinh Văn Dũng và luật sư Vương Cẩm Vân cũng sẽ làm ảnh hưởng đến công tác xét xử… Vì vậy, Hội đồng xét xử đã quyết định hoãn phiên tòa và sẽ xét xử trở lại vào ngày 17/8/2018.