Hết hạn giấy phép doanh nghiệp vẫn ngang nhiên khai thác quặng

Mặc dù giấy phép khai thác đã hết hạn, nhưng hoạt động khai thác quặng barite trên địa bàn xã Thượng Ấm, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) – một trong những điểm mỏ có trữ lượng và giá trị lớn nhất tỉnh Tuyên Quang vẫn ngang nhiên diễn ra.

Hậu quả của việc khai thác trái phép này là những quả đồi bị đào bới tan hoang, ruộng vườn bị vùi lấp, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Những con đường bị phá nát tại xã Thượng Ấm.


Giấy phép khai thác khoáng sản số 07/GP-UBND của UBND tỉnh Tuyên Quang cho phép Công ty cổ phần xuất nhập khẩu và đầu tư Hòa An khai thác quặng barite bằng phương pháp lộ thiên tại điểm mỏ xã Thượng Ấm; thời hạn khai thác đến ngày 11/4/2015.

Còn Giấy phép khai thác khoáng sản số 11/GP-UBND của UBND tỉnh Tuyên Quang cấp phép khai thác cho Công ty cổ phần Xi măng Tuyên Quang, thời hạn khai thác đến ngày 18/4/2015. Ngay sau khi các giấy phép khai thác trên hết hạn, UBND xã Thượng Ấm đã mời các đơn vị khai thác khoáng sản đến làm việc và ký Biên bản làm việc ngày 27/4, “Nghiêm cấm các đơn vị khai thác bằng bất cứ hình thức nào”.

Tuy nhiên, tại khu vực thôn Đồng Bèn 2, xã Thượng Ấm – khu vực khai thác của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu và đầu tư Hòa An mỗi ngày vẫn có khoảng 5-7 chiếc máy múc thi nhau đào bới để lấy quặng.

Để phục vụ cho việc khai thác quặng các tổ, nhóm khai thác đã dựng các lán trại gần khu vực khai thác để ở và sinh hoạt. Điện lưới và đường nước cũng được kéo lên tận nơi để phục vụ khai thác lâu dài.

Việc đào quặng trái phép vẫn diễn ra.


Nghiêm trọng hơn, do các đơn vị khai thác sử dụng hình thức khai thác tuyển rửa, trong khi giấy phép được khai thác được cấp trước đó chỉ cho phép khai thác bằng hình thức sàng tuyển. Do vậy, đã và đang tàn phá môi trường một cách nghiêm trọng.

Lòng chảo hang Hờm, thôn Đồng Bèn 2, xã Thượng Ấm giờ đây đã thành những hồ chứa bùn có diện tích hàng nghìn m2 nhưng hệ thống bờ bao xung quanh chỉ được đắp lên một cách sơ sài. Vì vậy, sau mỗi trận mưa, đất quặng theo nguồn nước chảy tràn xuống đường, xuống ruộng ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Ông Triệu Văn Lộc, thôn Đồng Bèn 2, xã Thượng Ấm, huyện Sơn Dương bức xúc cho biết: Mỗi trận mưa đất từ vùng khai thác quặng tràn xuống lấp hết ruộng, làm cho hơn 1 sào ruộng của gia đình tôi phải bỏ hoang. Gia đình tôi rất bức xúc nhưng cũng chẳng biết kêu ai?

Không chỉ ảnh hưởng đến rộng canh tác, việc sinh hoạt, đi lại của người dân nơi đây cũng gặp nhiều khó khăn, chị Trần Thị Hương (thôn Đồng Bèn 2, xã Thượng Ấm, huyện Sơn Dương) chia sẻ, cứ khi nào mưa bùn tràn khắp mọi nơi, đường bị lầy lội bùn đất, không ai muốn ra khỏi nhà...

Nhiều hố bùn xuất hiện ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.


Trước thực trạng việc khai thác quặng barite trái phép diễn ra công khai ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân, ông Trần Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Thượng Ấm cho biết: Khi giấy phép hết hạn chúng tôi đã mời các đơn vị khai thác đến làm việc và ký cam kết không được khai thác bằng bất cứ hình thức nào.

Cũng theo ông Trường, xã sẽ tiến hành kiểm tra, nếu phát hiện các đơn vị cố tình khai thác thì sẽ tiến hành xử lý theo đúng qui định của pháp luật…

Chưa biết việc giấy phép hết hạn các đơn vị vẫn ngang nhiên khai thác quặng có sự tiếp tay của các cơ quan chức năng không, nhưng nếu không ngăn chặn kịp thời thì những ngọn đồi, sườn núi sẽ tiếp tục bị cày xới tan nát, không chỉ tài nguyên của quốc gia bị thất thoát, mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân xã Thượng Ấm.


Tin, ảnh: Quang Đán – Đức Thắng (TTXVN)

Điều tra tin cán bộ lâm trường bảo kê cho 'quặng tặc'
Điều tra tin cán bộ lâm trường bảo kê cho 'quặng tặc'

Công an Lâm Đồng đang điều tra làm rõ thông tin cho rằng một số cán bộ của công ty Lâm nghiệp Bảo Lâm có hành vi bảo kê cho các nhóm khai thác quặng vonfram trái phép trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN