Sự cố vỡ bờ đập hồ chứa nước thải tuần hoàn của Nhà máy Tuyển quặng Cam Đường, thuộc Công ty TNHH một thành viên Apatít Việt Nam, đóng tại xã Tả Phời, thành phố Lào Cai (Lào Cai) xảy ra vào 2/11/2014, làm ảnh hưởng đến diện tích ruộng, ao cá, giếng nước của người dân phía dưới. Tuy nhiên, sau gần hai tháng, việc đền bù cho người dân vẫn chưa được tiến hành. Tự ý xây cao thân đậpSau khi xảy ra vỡ bờ đập hồ, ngày 3/11, Đoàn liên ngành tỉnh Lào Cai gồm Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, UBND thành phố Lào Cai làm việc với Công ty TNHH một thành viên Apatít Việt Nam, chính quyền xã sở tại và đại diện người dân bị ảnh hưởng để làm rõ nguyên nhân. Đoàn liên ngành yêu cầu công ty khẩn trương khắc phục sự cố vỡ đập, thống kê đền bù mọi thiệt hại cho người dân. Đặc biệt, công ty phải có phương án gia cố đảm bảo an toàn tuyệt đối hồ chứa, không để xảy ra tình trạng mất an toàn trong thời gian tới.
Hiện trạng dòng chảy của nước từ hồ chứa chất thải quặng Apatít, kéo theo khối lượng đất đá, bùn tràn vào gần 1 ha ruộng của dân. |
Công ty TNHH một thành viên Apatít Việt Nam giải trình: Nguyên nhân vỡ thân đập phụ của hồ là do đường ống dẫn nước thải đi qua thân đập bị rạn nứt, rò rỉ gây xung yếu thân đập, cộng với thời tiết mưa to làm kết cấu đất và đá thân đập yếu, đã gây ra sự cố trên. Kích thước thân đập hồ bị vỡ dài 6 m, cao 3 m, làm khoảng 9.850 m3 nước thải chảy ra ngoài, kéo theo khối lượng lớn đất, đá và bùn đổ xuống gần một hécta ruộng, vùi lấp hai ao cá và ba giếng ăn của người dân phía dưới. Kết quả kiểm tra thực tế cho thấy, vì diện tích chứa bùn thải hồ cũ đầy nên năm 2013 công ty đã nâng thân đập phía tà luy âm lên 6 m và xây thêm bên tà luy dương gần vách núi cao thêm 6 m.
Theo nguyên tắc, công ty muốn thay đổi thiết kế công trình thì phải có thiết kế mới và báo cáo với các cơ quan chức năng, khi có văn bản chấp thuận của cấp có thẩm quyền thì đơn vị mới có quyền xây dựng. Thế nhưng khi Đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh Lào Cai đã đặt câu hỏi: “Công ty nâng đập như vậy có bản thiết kế bổ sung, báo cáo và được sự đồng ý của Sở Tài nguyên & Môi trường, Bộ Tài nguyên & Môi trường không?”. Đại diện Công ty TNHH một thành viên Apatít Việt Nam trả lời: “Đây là biện pháp nhằm đảm bảo môi trường và đúng tiến độ sản xuất nên chúng tôi tự ý xây dựng, không có bản thiết kế bổ sung”.
Ông Nông Văn Lẻng, Chủ tịch UBND xã Tả Phời, thành phố Lào Cai (Lào Cai) cho biết: “Thực tế Công ty TNHH một thành viên Apatít Việt Nam đã nâng thân đập của hồ chứa Nhà máy tuyển quặng số 2 cao so với thân đập hồ cũ và chính quyền địa phương không biết. Do phần xây thêm không đảm bảo, lượng nước thải lại quá lớn nên ngấm vào thân đập, do vậy thân đập phần xây mới đã bị vỡ. Nguyên nhân do mưa lớn mà công ty nói là không đúng, vì hôm đó trời không mưa”.
Chồng chất nỗi loDẫn chúng tôi đi xem ruộng bị đất, đá, bùn vùi lấp, anh Lương Văn Đoán, trưởng thôn Trang, xã Tả Phời, thành phố Lào Cai bức xúc nói: “Cả bản giờ chỉ còn lại 5 héc ta ruộng để gieo trồng, một héc ta này bị đất đá vùi lấp không thể trồng lúa và hoa màu. Người dân yêu cầu Công ty TNHH một thành viên Apatít Việt Nam đền bù 100%, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Giá đền bù quá thấp, chỉ có 90.000 đồng/m2 đất ruộng, trong khi đó một héc ta ruộng này trồng lúa hai vụ và một vụ hoa màu cũng thu về gần 60 triệu đồng/năm”. Theo anh Đoán, đền bù chỉ là việc nhỏ, người dân lo lắng về lâu dài nước thải của Nhà máy tuyển quặng Apatít thẩm thấu vào giếng nước ăn, sẽ gây bệnh.
Qua quan sát, ở thôn Trang có 19 hộ dân nằm cách chân nhà máy khoảng 50 m, nhà máy cũng xây dựng trạm bơm công suất lớn lấy nước từ suối Lèng chạy qua thôn để có nguồn nước tuyển quặng. Anh Lường Văn Đoán cho biết: “Trước đây khi chưa có nhà máy này, các giếng ít nước nhưng rất trong. Từ năm 2006, nhà máy phía trên hoạt động, không biết vì lý do gì mà các giếng đều đầy nước. Dần dần, mặt nước có váng, nước ao thì chuyển sang màu xanh, ruộng trồng lúa và hoa màu năng suất giảm, trâu gầy và sức kéo yếu... Chúng tôi có phản ánh lên xã, lên thành phố và yêu cầu công ty phải xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch, đảm bảo lâu dài cho các hộ dân ở đây. Người ta về lấy mẫu nước đi phân tích, rồi kết luận không ảnh hưởng gì. Cả bản chúng tôi không đồng ý, vì muốn tuyển quặng thì phải dùng hóa chất, mà nước thải của nhà máy cứ xả ra như vậy, hỏi nguồn nước có ảnh hưởng không?”.
Tại trụ sở xã, ông Nông Văn Lẻng, Chủ tịch UBND xã Tả Phời nói: “Công ty TNHH một thành viên Apatít Việt Nam căn cứ kết quả phân tích mẫu nước không bị ảnh hưởng của Trung tâm Kiểm định và Giám sát chất lượng môi trường nước công bố, nên không đồng ý xây công trình cung cấp nước sạch cho dân. Hôm xảy ra sự cố vỡ đập, tôi lo người dân sẽ bức xúc kéo nhau lên gây hấn và đập phá nhà máy nên cử cán bộ, các đoàn thể lập tức có mặt trong đêm để vận động người dân bình tĩnh giải quyết. Đến hôm nay, người dân vẫn chưa được đền bù. Đại diện chính quyền thành phố Lào Cai nói, người dân muốn đền bù 100% đất ruộng bị thiệt hại thì phải có dự án cụ thể để chính quyền thu hồi đất. Tôi nghĩ, Công ty Apatít để xảy ra sự cố làm thiệt hại về tài sản của người dân thì phải dùng tiền của chính công ty mà đền bù, chứ đâu phải dùng tiền ngân sách của thành phố mà phải chờ có dự án để thu hồi đất. Nếu tình trạng này kéo dài, mâu thuẫn trong nhân dân sẽ càng gay gắt hơn”.
Chia tay chúng tôi, anh Lường Văn Đoán còn nói thêm: “Người dân chúng tôi rất mong muốn Nhà máy Tuyển quặng Cam Đường dừng hoạt động và di dời ra vị trí khác. Nếu vẫn để vậy, không biết lúc nào sự cố vỡ hồ chứa chất thải quặng lại xảy ra và vùi lấp các hộ dân phía dưới. Chúng tôi nhất quyết không đi đâu hết, vì đất này tổ tiên chúng tôi sinh sống từ bao đời rồi”.
Bài và ảnh: Việt Hoàng