Người dân cần tích cực hợp tác với cơ quan Công an
Hầu hết những bị hại của các vụ vỡ nợ tín dụng đen khi chúng tôi gặp vẫn còn chưa hết bàng hoàng. Một số người vì tiếc của mà ốm liệt giường, liệt chiếu. Có gia đình vợ chồng mâu thuẫn, lục đục, con cái ly tán… sau khi bị mất tiền vào tay kẻ xấu. Song, đây chỉ là phần nổi của bi kịch. Còn phần chìm, người ta bắt đầu nói đến những đầu mối, những đại lý cấp 1, cấp 2 khi dùng uy tín của mình để lôi kéo, rủ rê nhiều người khác vào vòng xoáy của tín dụng đen.
Việc đầu tiên và quan trọng nhất lúc này chính là các bị hại phải bình tĩnh, ổn định cuộc sống và tích cực hợp tác với cơ quan điều tra. Những lá đơn trình báo của bị hại với những tài liệu có liên quan là cơ sở để cơ quan điều tra xác minh, tổng hợp và lần theo dấu vết của các chủ nợ. Trên thực tế, một số bị hại bị mất một khoản tiền lớn nhưng không trình báo vì họ cho rằng, có báo cũng bằng không khi không thể thu hồi được số tiền đã bị mất. Một số vì "sĩ diện" cũng không ra mặt vì sợ thiên hạ chê trách là tham lam, dại dột, dễ tin người một cách mù quáng. Cũng có người không trình báo vì họ nghĩ rằng, hành vi của họ là cho vay nặng lãi nên sẽ bị xử lý.
Tuy nhiên, các chủ nợ cũng rất "tỉnh táo" khi tuyên bố mức lãi suất mà họ sẽ trả người cho vay, nghĩa là người cho vay không hề bị xử lý về hành vi cho vay nặng lãi như quy định của Bộ luật hình sự (luật quy định người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột… thì mới bị coi là phạm tội cho vay nặng lãi).
Khi những vụ vỡ nợ xảy ra, Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo chặt chẽ những nơi có điểm vỡ nợ xảy ra như tại Đan Phượng, Hà Đông, Phú Xuyên… để tránh những việc làm quá khích gây ảnh hưởng đến ANTT trên địa bàn. Trong cơn uất ức, những người bị mất của dễ dàng liên kết với nhau đến nhà chủ nợ thực hiện những hành vi làm ảnh hưởng đến trật tự công cộng.
Theo báo cáo của Công an huyện Đan Phượng, thông qua công tác nắm tình hình, tài sản của doanh nghiệp Quang - Quyên hiện có là 7 ôtô con ở salon thuộc Trung tâm thương mại Tuấn Quỳnh đã bị các chủ nợ lấy đi trong ngày 16/9; 2 ôtô du lịch loại 24 chỗ đã bị chủ nợ ở Sơn Tây lấy ngày 18/9; 6 ôtô du lịch loại từ 12 đến 45 chỗ hiện Công an huyện đang quản lý… Những tài sản này cần được bảo vệ chặt chẽ không chỉ phục vụ công tác điều tra mà còn đảm bảo thi hành án sau này.
|
Cơ quan Công an niêm phong nhà của các chủ nợ để phục vụ công tác điều tra. |
Bên cạnh đó, người bị hại cần tránh những việc tung tin về số tài sản bị mất lớn hơn thực tế khiến cho sự việc trở nên phức tạp. Như vụ vỡ nợ tại Phú Xuyên, người này truyền tai người kia là số tiền vào tay chủ nợ lên tới nghìn tỷ đồng. Thực tế không phải là con số lớn như mọi người đồn thổi.
Ngày 11/10, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã có văn bản báo cáo Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội về vụ vỡ nợ tại Phú Xuyên. Theo đó, thông tin mà một số tờ báo đưa tin về con số thiệt hại lên đến 1.000 tỷ đồng là không chính xác. Đến nay, cơ quan Công an chỉ chính thức nhận được đơn của 6 bị hại với tổng số tiền khoảng 273 tỷ đồng.
Cũng trong ngày 11/10, Công an huyện Phú Xuyên đã khởi tố vụ án hình sự, tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của Nguyễn Thị Cúc.
Ngay cả vụ vỡ nợ mới đây nhất xảy ra tại quận Cầu Giấy mà chủ nợ là Phạm Thị Chinh, theo trình báo của 12 bị hại, tổng số tiền bị chiếm đoạt tính đến thời điểm này là gần 50 tỷ đồng chứ chưa thấy bị hại nào đến trình báo bị chiếm đoạt hơn 600 tỷ đồng như một số người loan tin.
Đang ráo riết truy tìm đối tượng bỏ trốn
Về phía các cơ quan pháp luật cũng đặt ra những nhiệm vụ hết sức nặng nề. Tại Đan Phượng, Công an huyện áp dụng nhiều biện pháp nhằm tăng cường công tác nắm tình hình, bảo vệ tài sản của Quyên, phục vụ cho việc thi hành án sau này khi vụ án đi vào hồi kết. Công an huyện phối hợp với Công an TP Hà Nội truy tìm tài sản đã bị siết nợ; Đảm bảo an toàn cho người nhà không bị các đối tượng quá khích đến đòi nợ, đánh đập, dọa dẫm; tăng cường tuần tra đêm, tuần tra cao điểm…
Được biết, trong những ngày này, lực lượng Công an huyện luôn triển khai phương án ứng trực 100%, sẵn sàng nhận những nhiệm vụ đột suất và hạn chế thấp nhất những hậu quả từ việc vỡ nợ tín dụng đen tại đây.
Với các vụ vỡ nợ mà chủ nợ còn bỏ trốn (như Nguyễn Thị Cúc, ở Phú Xuyên; Phạm Thị Chinh ở Cầu Giấy), cơ quan điều tra đang khẩn trương tiến hành các biện pháp truy xét. Sự phối hợp của nhân dân với cơ quan Công an cũng rất quan trọng trong việc lần ra nơi ẩn náu của các chủ nợ, tạo điều kiện cho việc điều tra vụ án được nhanh chóng, có hiệu quả và sớm đi vào hồi kết
Theo cand.com.vn