Bốn bị cáo bị đưa ra xét xử về tội “Bắt giữ người trái pháp luật” trong vụ án này gồm: N.T.N, N.T.M.N, B.T.T.L và N.V.Đ đều trú tại huyện Đông Anh (Hà Nội) và khi phạm tội đều đang 17 tuổi.
Theo cáo trạng, xuất phát từ mâu thuẫn trên mạng xã hội với C.T.T.A (sinh năm 2005, trú tại huyện Đông Anh) nên sáng 6/2/2023, 4 bị cáo trên đã chặn đường và ép A lên xe để đi ra một địa điểm cách trường học khoảng 700 m. Tại đây, các đối tượng đã tóm tóc, ghì đầu, đánh vào mặt, vào đầu và người khiến A ngã nằm xuống đường. Hành động này chỉ dừng lại khi có người dân đi qua can ngăn.
Xét các bị cáo tuổi còn trẻ, bồng bột và hành động nông nổi, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt các bị cáo mức án từ 12 tháng đến 18 tháng tù nhưng đều cho hưởng án treo.
Đây là phiên tòa được truyền trực tuyến tới 32 điểm cầu tại Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố và Viện Kiểm sát 30 quận, huyện trên địa bàn nhằm nâng cao kỹ năng xét hỏi, tranh tụng và chuẩn bị tài liệu… cho đội ngũ kiểm sát viên 2 cấp thành phố Hà Nội; trong đó phân tích kỹ lưỡng những khó khăn, vướng mắc khi tổ chức thực hiện các phiên tòa trực tuyến để tìm giải pháp tháo gỡ chung.
Theo ông Hoàng Lê Thông (Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đông Anh), để tổ chức thành công một phiên tòa trực tuyến, các cơ quan tố tụng ở cấp cơ sở gặp khá nhiều khó khăn, trong đó khó khăn đầu tiên cần đề cập tới là thiếu nhân lực chuyên môn về thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin chuyên sâu. Tiếp đó là kinh phí cho riêng lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số này hiện chưa rõ ràng, chưa đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn. Thêm vào đó, hội trường xét xử của Tòa án cũng là yếu tố quan trọng để thực hiện thành công phiên tòa trực tuyến. Hội trường này phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về phương tiện, máy móc, diện tích… để phiên tòa diễn ra thuận lợi.
Ông Thông cho biết thêm, ngay tại Tòa án nhân dân huyện Đông Anh cũng gặp khó khăn lớn về hội trường xét xử. Trụ sở của Tòa hiện đang sửa chữa nên 6 tháng đầu năm nay hầu như không thể tổ chức được phiên tòa trực tuyến do thiếu điều kiện về cơ sở vật chất...
Sau phiên tòa, các điểm cầu đã họp rút kinh nghiệm, trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ kiểm sát xét xử và tranh tụng tại phiên tòa, từ đó học hỏi, trau dồi thêm kinh nghiệm trong quá trình làm việc, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong hoạt động tố tụng.
Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện Đông Anh Nguyễn Lâm Bình đánh giá: “Khi thẩm phán được phân công giải quyết một vụ án, bản thân họ vốn đã cẩn thận rồi thì lại càng phải cẩn trọng hơn nữa trong công tác chuẩn bị cho phiên tòa xét xử trực tuyến. Về phía kiểm sát viên khi tiến hành kiểm sát việc xét xử họ cũng cần chủ động chuẩn bị kỹ năng tranh tụng tại phiên tòa. Đặc biệt lưu ý tới các kỹ năng xử lý tình huống tại phiên tòa, kỹ năng tranh tụng và đánh giá hệ thống các chứng cứ, tài liệu… Từ đó, đảm bảo đầy đủ các quyền và nghĩa vụ cho người tham gia tố tụng, thực hiện đấu tranh phòng chống tội phạm, tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm”.
Theo đánh giá rút kinh nghiệm sau phiên tòa trực tuyến, đa số các ý kiến đều cho rằng thẩm phán chủ tọa, kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa đã nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ vụ án, chuẩn bị đầy đủ các tài liệu, chứng cứ có liên quan và chủ động áp dụng pháp luật, chuẩn bị tài liệu, kỹ năng đặt câu hỏi, xử lý tình huống, đối đáp… đảm bảo thực hiện công tác xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp.
Kiểm sát viên Nguyễn Xuân Luân (Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa) chia sẻ: “Khi vụ án này được lựa chọn làm xét xử trực tuyến rút kinh nghiệm cho toàn ngành kiểm sát thành phố với đông đảo người tham dự, theo dõi, bản thân tôi thấy khá áp lực. Nhưng cũng chính từ áp lực này, tôi đã cẩn thận hơn trong việc nghiên cứu chi tiết từng bút lục trong hồ sơ vụ án, nghiên cứu kỹ các vấn đề liên quan khác trong quá trình giải quyết vụ án, đồng thời dự thảo các tình huống có thể diễn ra tại phiên tòa để chủ động trong quá trình kiểm sát xét xử, tranh tụng”.
Nhiều năm nay, công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ, kiểm sát viên được Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội luôn chú trọng. Đặc biệt là công tác tự đào tạo thông qua các hình thức mở lớp tập huấn (do các kiểm sát viên cao cấp, kiểm sát viên dày dặn kinh nghiệm đảm nhiệm) và tự đào tạo thông qua các phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến có sự tham gia của những thẩm phán, kiểm sát viên dày dặn kinh nghiệm. Từ đó, nâng cao chất lượng công tác kiểm sát, xét xử, giải quyết các vụ án hiện nay.