Giữ nguyên án chung thân với Huyền Như

Ngày 7/1, kết thúc phiên xét xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao đã tuyên án giữ nguyên mức án tù chung thân đối với bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (sinh năm 1978, quê Tiền Giang), nguyên Phó Phòng quản lý rủi ro Ngân hàng Vietinbank- Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh.

Tòa án đã đồng thời tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm liên quan đến hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của Huyền Như đối với các Công ty Cổ phần chứng khoán Phương Đông, Công ty Cổ phần đầu tư Hưng Yên, Công ty Cổ phần chứng khoán SaigonBank Berjara (SBBS), Công ty Bảo Hiểm Toàn Cầu và Công ty An Lộc để điều tra xét xử lại. Mặt khác, nếu trong quá trình điều tra, thấy có dấu hiệu của tội “Tham ô tài sản” thì tiếp tục xem xét, xử lý những người có liên quan.

Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử cho rằng, bị cáo Huyền Như được bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng phòng giao dịch theo quyết định của Vietinbank vào năm 2010. Theo đó, bị cáo được quyền ký vào các hồ sơ vay vốn, ký duyệt và kiểm soát hồ sơ vay vốn, có quyền thực hiện xác nhận số dư... Với các chứng cứ đó và kết quả thẩm vấn công khai cho thấy, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, Huyền Như đã làm hoàn toàn trái quy trình. Từ đó, Hội đồng xét xử có cơ sở khẳng định Huyền Như là người có chức vụ quyền hạn, bị cáo đã lợi dụng điều này để thực hiện hành vi phạm tội.

Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN


Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử đã tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm đối với Huỳnh Thị Huyền Như để điều tra, xét xử lại, đồng thời đề nghị xem xét trách nhiệm của Vietinbank. Bên cạnh đó, Hội đồng xét xử cũng giữ nguyên mức phải bồi thường của Huỳnh Thị Huyền Như cho Công ty Zen Plaza 45,5 tỷ đồng; cho Ngân hàng Navibank 200 tỷ đồng; cho Ngân VIB 135 tỷ đồng; cho Ngân hàng ACB hơn 668 tỷ đồng và một số cá nhân khác.

Đối với các bị cáo khác liên quan trong vụ án này, Hội đồng xét xử giữ nguyên mức án 20 năm tù đối với bị cáo Võ Anh Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè); đồng thời tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm đối với bị cáo Võ Anh Tuấn về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với Công ty Cổ phần đầu tư Hưng Yên, trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra điều tra, xét xử lại. Hội đồng xét xử cũng tuyên phạt y án đối với các bị cáo sau: Huỳnh Mỹ Hạnh 14 năm tù; Hoàng Hương Giang 8 năm tù; Phạm Thị Tuyết Anh 15 năm tù; Đoàn Lê Du 17 năm tù; Nguyễn Thiên Lý 2 năm tù (tổng hợp hình phạt của bản án trước là 6 năm tù) và Trần Thị Tố Uyên 14 năm tù. Đối với các bị cáo không kháng cáo, mức án lần lượt là: Nguyễn Thị Lành 9 năm tù; Hùng Mỹ Phương 2 năm 2 tháng 10 ngày tù (đã chấp hành xong hình phạt tù, trả tự do tại tòa); Phạm Văn Chí, 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Hội đồng xét xử tuyên sửa một phần bản án sơ thẩm đối với một số bị cáo, mức án phúc thẩm lần lượt là: Huỳnh Hữu Danh 14 năm tù; Đào Thị Tuyết Dung 15 năm tù; Phạm Anh Tuấn 11 năm tù; Lương Thị Việt Yên 6 năm tù; Hồ Hải Sỹ 5 năm tù; Trần Thanh Thanh 9 năm tù; Tống Nguyên Dũng 5 năm tù; Huỳnh Trung Chí 7 năm tù; Bùi Ngọc Quyên 13 năm tù; Vũ Nguyễn Xuân Tiên 9 năm tù; Nguyễn Thị Phúc Ngân 10 năm tù; Lê Thị Ngọc Lợi 3 năm tù nhưng cho hưởng treo. Như vậy, trong nhóm này chỉ có bị cáo Đào Thị Tuyết Dung có mức án tăng so với bản án sơ thẩm (sơ thẩm 12 năm tù, phúc thẩm 15 năm tù), còn các bị cáo khác đều được giảm án.

Về trách nhiệm bồi thường, Hội đồng xét xử tuyên bị cáo Phạm Văn Chí phải nộp lại số tiền hơn 23 tỷ đồng; Nguyễn Thị Lành nộp hơn 9.000 tỷ đồng (sơ thẩm chỉ tuyên nộp 150 tỷ đồng); Huỳnh Mỹ Phương nộp hơn 218 tỷ đồng; Đào Thị Tuyết Dung nộp hơn 440 tỷ đồng; Nguyễn Thiên Lý nộp hơn 1.200 tỷ đồng; Phạm Anh Tuấn nộp hơn 72 tỷ đồng. Hội đồng xét xử cũng tiếp tục duy trì lệnh kê biên tài sản, phong tỏa tài khoán đối với các bị cáo Huyền Như, Nguyễn Thị Lành, Võ Anh Tuấn, Nguyễn Thiên Lý và Phạm Anh Tuấn.

Hội đồng xét xử cũng kiến nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trương Minh Hoàng và Nguyễn Thị Minh Hương, nguyên là Phó Giám đốc Vietinbank - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh để điều tra về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Đồng thời, Hội đồng xét xử cũng kiến nghị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố bổ sung các đối tượng có hành vi giúp sức cho Huyền Như, các đối tượng cho vay nặng lãi chưa bị khởi tố.


Trước đó, ngày 27/1/2014, xét xử sơ thẩm, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên phạt Huỳnh Thị Huyền Như mức án chung thân về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. 22 bị cáo còn lại nhận các mức án từ 1 - 20 năm tù.

Về trách nhiệm dân sự, cấp sơ thẩm tuyên buộc riêng Huỳnh Thị Huyền Như phải bồi thường 2.185 tỉ đồng đã chiếm đoạt trái pháp luật, ngoài ra bị cáo còn phải liên đới với một số bị cáo khác bồi thường hơn 1.708 tỉ đồng cho các bị hại. Tòa cũng tuyên buộc Ngân hàng Vietinbank chuyển trả lại hơn 24 tỉ đồng trong 19 tài khoản tại Vietinbank cho Ngân hàng ACB. Để đảm bảo thi hành án, đối với riêng Huỳnh Thị Huyền Như, cấp sơ thẩm đã kê biên tiền, tài sản của bị cáo gồm 82 tỉ đồng, 3 xe ô tô (hiệu Honda, Lexus, Toyota) cùng 12 bất động sản khác (án phí sơ thẩm mà Huyền Như phải đóng lên gần 2,3 tỉ đồng).

Để chiếm đoạt được tiền của các đơn vị, ngân hàng, cá nhân mà không bị phát hiện, Huỳnh Thị Huyền Như đã lợi dụng danh nghĩa Vietinbank- Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh và Chi nhánh Nhà Bè; yêu cầu các đơn vị, cá nhân mở tài khoản thanh toán của họ tại 2 Chi nhánh này. Nhằm tạo niềm tin cho các đơn vị, cá nhân ký hợp đồng để chuyển tiền, Như đã làm giả con dấu, chữ ký của các lãnh đạo của Vietinbank- Chi nhánh Nhà Bè; sau đó lập các hợp đồng đầu tư vốn, hợp đồng tiền gửi để họ chuyển tiền vào tài khoản đã được mở tại Vietinbank- Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh và Chi nhánh Nhà Bè. Từ đây, Như tiếp tục làm giả con dấu của nhiều công ty để rút và chiếm đoạt gần 4.000 tỉ đồng của 3 ngân hàng, 9 công ty và 3 cá nhân.


Thành Chung (TTXVN)
Vietinbank phải trả hơn 1.000 tỷ đồng mà Huyền Như chiếm đoạt
Vietinbank phải trả hơn 1.000 tỷ đồng mà Huyền Như chiếm đoạt

Viện Kiểm sát đề nghị hủy một phần bản án sơ thẩm, chuyển tội danh đối với Huyền Như từ "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" sang tội “Tham ô tài sản”; đồng thời, đề nghị Vietinbank phải trả lại số tiền hơn 1.000 tỷ đồng mà Huyền Như chiếm đoạt của 5 công ty.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN