Trước đó, một số cơ quan báo chí đã phản ánh việc doanh nghiệp này lợi dụng cấp phép sản xuất gạch không nung để khai thác lậu khoáng sản cao lanh trong một thời gian dài.
Tại văn bản số 135/TB-UBND ngày 8/6/2022, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng giao UBND huyện Lâm Hà chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan, trước mắt dừng toàn bộ hoạt động Dự án Nhà máy gạch không nung của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiên Tự Phước; đồng thời, tiếp tục kiểm tra, làm rõ các vi phạm của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư dự án, đất đai, môi trường, khoáng sản, xây dựng, thuế… để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Theo ông Phạm S, những vi phạm tại dự án này rất nghiêm trọng; cần phải đình chỉ toàn bộ hoạt động để các cơ quan chức năng xác minh, làm rõ.
Liên quan đến vụ việc này, trước đó ngày 10/5, qua tiếp cận hiện trường tại khu đất phía sau các nhà xưởng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn gạch không nung Thiên Tự Phước cho thấy doanh nghiệp này dùng máy móc đào bóc, khai thác trái phép một loại đất trắng nghi là cao lanh. Sau đó, công nhân đóng loại đất này vào từng bao với trọng lượng 50kg và đưa đi nơi khác tiêu thụ. Phóng viên đã phản ánh và đề nghị UBND huyện Lâm Hà tổ chức kiểm tra, xử lý vụ việc này.
Ngày 18/5, phóng viên TTXVN có bài viết "Lâm Đồng: Kiểm ra, xác minh vụ doanh nghiệp núp bóng sản xuất gạch để khai thác cao lanh trái phép", phản ánh vụ việc Công ty Trách nhiệm hữu hạn gạch không nung Thiên Tự Phước núp bóng sản xuất gạch để khai thác cao lanh trái phép trong hơn 10 năm qua.
Ngày 7/6/2022, tại cuộc họp cung cấp thông tin cho báo chí do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng tổ chức, ông Nguyễn Văn Trãi, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Tiếp thu phản ánh của cơ quan báo chí, Sở đã phối hợp với UBND huyện Lâm Hà, Phòng Cảnh sát Kinh tế và Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh) đến làm việc tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn gạch không nung Thiên Tự Phước, địa chỉ tổ dân phố Pâng Pung, thị trấn Đinh Văn. Tại đây, Đoàn kiểm tra phát hiện có 2.500 bao đất loại 50kg/bao. Công ty đã đào 1 hố có kích thước dài 47m, rộng 21m và sâu 6m để khai thác đất. Khối lượng đất bị lấy đi ước tính 5.922m3.
Đáng chú ý, theo văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp thông tin cho báo chí tại cuộc họp báo, Đoàn kiểm tra xác định "Nguồn gốc đất đang lưu trữ trong Nhà máy gạch không nung của Công ty khoảng 27.000m3 (đất tồn trong quá trình san gạt xây dựng nhà máy từ 2016) và mua nguyên liệu đất sét của Công ty Trách nhiệm hữu hạn xây dựng cơ sở hạ tầng Văn Giảng với khối lượng đất, sét là 2.200 tấn với số tiền 1, 078 tỷ đồng. Sau khi nhập về, Công ty có trộn lẫn với số lượng đất (27.000m3) tại nhà máy, sau đó chế biến, đóng bao để bán cho Công ty Cổ phần Bình Điền Lâm Đồng…".
Tuy nhiên, Công ty Cổ phần Bình Điền Lâm Đồng lại là đơn vị chuyên sản xuất phân bón. Dư luận đặt câu hỏi doanh nghiệp này mua "đất tồn trong quá trình san gạt xây dựng" đóng trong các bao có trọng lượng 50kg/bao của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiên Tự Phước về để làm gì?