Điều tra bổ sung vụ Ngân hàng NN&PTNT- Chi nhánh Bình Thạnh

Ngày 12/9, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh mở phiên sơ thẩm xét xử vụ bê bối tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh Bình Thạnh đối với các bị cáo: Nguyễn Thanh Nhàn (sinh năm 1980, quê Bình Định), nguyên Phó Trưởng phòng Marketting về tội “Tham ô tài sản”.

 

Cơ quan CSĐT đọc lệnh bắt Nguyễn Thanh Nhàn. Ảnh: ANTĐ

 

 

 

Đỗ Hữu Khương (sinh năm 1968, Hà Nội), nguyên Phó Trưởng phòng kế toán và ngân quỹ; Đinh Thị Thu Ngân (sinh năm 1976, Thừa Thiên Huế), nguyên Thủ quỹ bị xét xử về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Nguyên Giám đốc Chi nhánh Lữ Sỹ Hành (sinh năm 1961, Bà Rịa- Vũng Tàu) cùng nguyên hai Phó Giám đốc khác là Bùi Thị Sớm (sinh năm 1958, Hải Dương) và Phạm Thị Thanh Hương (sinh năm 1967, quê Nghệ An) bị xét xử cùng về tội “Thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

 

Trong quá trình thẩm vấn tại phiên tòa, nhận thấy hành vi phạm tội của một số bị cáo chưa được cơ quan điều tra xác minh làm rõ, nhất là đối với bị cáo Nguyễn Thanh Nhàn bị truy tố ở khung cao nhất là tử hình nên Hội đồng xét xử đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

 

Tại phiên tòa, các bị cáo nguyên là cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam - Chi nhánh Bình Thạnh đều thừa nhận, nếu làm đúng quy trình thì Nguyễn Thanh Nhàn không thể lấy được tiền. Về phần trách nhiệm, các bị cáo đã đổ lỗi cho nhau, cho rằng “ban này, người nọ” mới chịu trách nhiệm chính trong việc để Nhàn chiếm đoạt tiền của Chi nhánh.

 

Theo cáo trạng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thonn Việt Nam- Chi nhánh Bình Thạnh thành lập Ban quản lý ATM gồm Phạm Thị Thanh Hương (Trưởng ban), Trần Thị Quế (nguyên Trưởng phòng kế toán ngân quỹ) và Đỗ Thị Hảo (nguyên Trưởng phòng kế hoạch nguồn vốn). Mặc dù các quy định liên quan đến quản lý, tiếp quỹ cho các máy ATM rất chặt chẽ nhưng Ban quản lý ATM Chi nhánh Bình Thạnh đã không thực hiện đúng quy trình mà giao Nguyễn Thanh Nhàn tự thực hiện. Cụ thể Nhàn tự ước tính máy ATM nào gần hết tiền, cần tiếp quỹ thì điện thoại xuống cho Đinh Thị Thu Ngân- Thủ quỹ chi tiền. Thế nhưng khi chi tiền, Ngân không yêu cầu phải làm chứng từ kế toán hoặc giấy đề nghị tiếp quỹ có phê duyệt, cũng không làm chứng từ phiếu xuất- nhập tiền nội bộ mà để Nhàn tự nạp tiền vào các hộp đựng tiền. Các thành viên khác trong Ban quản lý ATM phần lớn không tham gia, không niêm phong các hộp tiền, không tham gia vận chuyển áp tải, các hộp tiền của chu kỳ cũ khi đưa từ máy ATM về kho quỹ không được kiểm đếm, không lập biên bản kiểm quỹ, không được đối chiếu tồn quỹ trong suốt một thời gian dài.

 

Lợi dụng sơ hở đó, từ cuối năm 2011, Nhàn đã chiếm đoạt 20.371.840.000 đồng của Chi nhánh Bình Thạnh bằng cách, trong quá trình vận chuyển, lợi dụng lúc không có người trong thang máy hoặc ở tầng trệt nơi để xe, Nhàn mở hộp đựng tiền lấy một số lượng lớn (nhiều lần trong thời gian dài) tiền mệnh giá 500.000 đồng. Số tiền còn lại, Nhàn đưa vào máy nhưng lại nhập số tiền tiếp quỹ theo đúng số tiền mà Nhàn đã nhận từ Thủ quỹ. Số tiền chiếm đoạt nêu trên, Nhàn sử dụng hết vào cá độ gà ở Campuchia.

 

Theo Chủ tọa phiên tòa, khúc mắc lớn nhất trong vụ án này là việc ủy quyền của bà Đỗ Thị Hảo - Trưởng phòng kế hoạch nguồn vốn đối với Nguyễn Thanh Nhàn. Theo quy định, việc ủy quyền phải đồng cấp. Chính Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam xác định việc ủy quyền trên là chưa phù hợp. Trong vụ án này, bộ phận chịu trách nhiệm chính vẫn là Ban quản lý ATM, tiếp theo là Thủ quỹ rồi đến lãnh đạo Chi nhánh đã lỏng lẻo, tắc trách trong việc kiểm soát tiền tiếp quỹ mà Nhàn vận chuyển. Chính lối làm việc theo kiểu “gia đình” từ trên xuống dưới tại Chi nhánh Bình Thạnh đã tạo kẽ hở để Nguyễn Thanh Nhàn chiếm đoạt tiền.

 

Bào chữa cho Nguyễn Thanh Nhàn, Luật sư Thái Văn Chung, Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc bà Đỗ Thị Hảo có văn bản ủy quyền Nguyễn Thanh Nhàn làm nhân viên Phòng kế hoạch nguồn vốn là trái với quy định của ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nôn thông Việt Nam vì lúc này Nhàn là nhân viên Phòng Marketing chứ không thuộc quyền của bà Hảo.

 

Tại phiên tòa, ông Lữ Sỹ Hạnh cũng cho rằng, văn bản ủy quyền của bà Đỗ Thị Hảo là không đúng. Từ đó, Luật sư Thái Văn Chung cho rằng, không thể xác định Nhàn là người quản lý tiền tiếp quỹ ATM mà Nhàn chỉ là nhân viên kỹ thuật, nhiệm vụ được giao là giữ chìa khóa kỹ thuật của 4 máy ATM để xử lý các sự cố. Vì Nguyễn Thanh Nhàn bị truy tố và xét xử tội danh “Tham ô” có khung hình phạt cao nhất là tử hình nên việc điều tra, truy tố phải hết sức chặt chẽ, cẩn trọng và toàn diện. Ngoài ra có một điều đáng chú ý khác mà bị cáo Nguyễn Thanh Nhàn thừa nhận và được chính cáo trạng xác định là Nhàn chỉ lấy tiền có mệnh giá 500.000 đồng, thế nhưng số tiền mà cơ quan công tố quy buộc Nhàn đã chiếm đoạt lại có đơn vị lẻ, cụ thể là 20.371.840.000 đồng.

 

Xuân Tình

Xét xử vụ Cát Tường, đông người tập trung đến tòa án
Xét xử vụ Cát Tường, đông người tập trung đến tòa án

7h10 sáng nay, hai chiếc xe chở phạm nhân đi vào sân TAND Hà Nội. An ninh xung quanh cổng tòa được thắt chặt và cảnh sát chăng dây hạn chế giao thông quanh khu vực này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN